21/09/2018 - 20:35

Cần Thơ trong mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia 

Tổng thống Indonesia Joko Widodo vừa có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Chuyến đi này có ý nghĩa hết sức đặc biệt, tổng kết lại giai đoạn 5 năm mà hai nước đã phát triển và xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược, đồng thời triển khai chương trình hành động cho 5 năm tới, đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, hiện thực hóa những cơ hội hợp tác mới…

Tô thắm quan hệ hữu nghị truyền thống

Việt Nam và Indonesia thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 30-12-1955. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Indonesia được xây dựng trên nền tảng vững chắc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno gây dựng. Từ năm 1990, quan hệ hai nước bước vào giai đoạn mới với chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử của Tổng thống Suharto vào tháng 11-1990. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Indonesia trong hơn 30 năm và cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia ở Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương kể từ năm 1975 (trừ Lào và Campuchia). Kể từ đó, mối quan hệ song phương được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước tiếp tục vun đắp phát triển. Vào tháng 6-2013, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Indonesia của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên đã ra Tuyên bố chung chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.

Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ diễn ra tại Cần Thơ những năm gần đây là một trong nhiều hoạt động thu hút khách du lịch và cả sự tham dự của các đơn vị đến từ Indonesia. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Việt Nam và Indonesia có nhiều điểm tương đồng, cùng là thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và nhiều tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế khác. Với Việt Nam, Indonesia là đối tác quan trọng, giàu tiềm năng. Trong khi đó, Indonesia đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam, là một trong những nước có ảnh hưởng lớn trong ASEAN. Hai nước đã ký nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực. Nhiều cơ chế hợp tác giữa hai bên đã được thiết lập như Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế; Ủy ban hợp tác song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao. Một số địa phương hai nước đã và đang tăng cường quan hệ hợp tác, điển hình là quan hệ đối tác giữa tỉnh Kiên Giang và tỉnh Tây Kalimantan; tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và thành phố Padang; thành phố Đà Nẵng và thành phố Somarang. 

Tại Cần Thơ, nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, trao đổi hợp tác đầu tư đã diễn ra, trong đó phải kể đến Ngày hội văn hóa Indonesia lần đầu tiên được tổ chức tại Cần Thơ vào tháng 6 năm 2015, nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Indonesia. Ngày hội đã để lại dấu ấn đặc biệt trong mối quan hệ hai nước, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân thành phố Cần Thơ với nhân dân Indonesia; tạo sợi dây liên kết đưa nhiều đoàn nghệ thuật, nhiều nhà đầu tư, khách du lịch từ Indonesia đến tham quan, giao lưu và hợp tác với Cần Thơ, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ gạo, thủy sản…

Theo Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Phạm Vinh Quang, quan hệ hai nước 5 năm qua đã đạt được rất nhiều thành tựu. Thương mại giữa hai nước đã có sự tăng trưởng đột biến, gấp 4 lần từ năm 2012 đến năm 2017. Năm 2017, thương mại hai nước đạt 6,7 tỉ USD với đà tăng trưởng mỗi năm khoảng 6,5%. Tính đến ngày 20-8-2018, Indonesia đứng thứ 29/129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 72 dự án có tổng vốn đăng ký lên tới 583,28 triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam có 8 dự án đầu tư ở Indonesia trị giá 51 triệu USD trong ngành công nghiệp khai thác, truyền thông và công nghiệp sản xuất. Mặc dù hợp tác đầu tư giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn, tuy không lớn như giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore nhưng dòng vốn đầu tư của Indonesia vào Việt Nam tiếp tục tăng. Các nhà đầu tư Indonesia đang bắt đầu tận dụng tiềm năng và cơ hội thị trường do Việt Nam cung cấp.

Tiềm năng du lịch của hai nước cũng đã được thúc đẩy. Số lượng khách du lịch giữa hai bên tuy chưa đạt con số mong muốn nhưng với việc thiết lập đường bay thẳng từ thành phố Hồ Chí Minh đến Jakarta, đến nay số lượng khách du lịch Indonesia đến Việt Nam đạt khoảng 70.000 lượt khách/năm, khách du lịch Việt Nam đến Indonesia khoảng 50.000 lượt người/năm. Theo Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Phạm Vinh Quang, đây là lĩnh vực tiềm năng mà hai bên đang tiếp tục hướng tới và nếu hai bên thiết lập được đường bay thẳng giữa Hà Nội và Jakarta, việc này sẽ tạo điều kiện thúc đẩy du lịch và thương mại cũng như giao lưu nhân dân giữa hai nước trong thời gian tới.

Nhiều cơ hội hợp tác mới

Trong Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, lãnh đạo hai nước đã tái khẳng định quyết tâm đưa thương mại song phương phát triển mạnh mẽ, cân bằng và bền vững, phấn đấu đưa kim ngạch đạt 10 tỉ USD trong thời gian sớm nhất, dựa trên nền tảng Cộng đồng Kinh tế ASEAN và môi trường kinh doanh mở, ổn định và thuận lợi ở khu vực.

Theo đó, lãnh đạo hai nước nhất trí triển khai nhiều biện pháp mạnh hơn để tăng cường thương mại song phương, bao gồm xóa bỏ các rào cản và biện pháp thương mại không cần thiết và không phù hợp với quy định và thông lệ thương mại của khu vực và quốc tế, mở cửa thị trường hơn nữa đối với các sản phẩm và dịch vụ của mỗi nước; giao các bộ, ngành liên quan rà soát lại Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Indonesia về Hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật được ký năm 1990; khuyến khích tăng cường đầu tư hai chiều; ủng hộ việc gia tăng đầu tư song phương trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, công nghệ thông tin, y tế, giao thông, xây dựng, logistics...

Lãnh đạo hai nước nhất trí đảm bảo môi trường thương mại và đầu tư có lợi thông qua việc triển khai nhất quán các chính sách và quy định; giao các bộ, ngành liên quan tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và khuyến khích sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân của hai nước, nhất là trong thăm dò, sản xuất và dịch vụ dầu khí, công nghiệp lọc dầu; cam kết hợp tác tích cực triển khai Bản Ghi nhớ về Hợp tác Nông sản hàng hóa ký năm 2013, bao gồm việc sớm tổ chức kỳ họp đầu tiên của Nhóm làm việc về Hợp tác nông nghiệp. Hai bên cũng tái khẳng định cam kết về khuyến khích và tạo điều kiện cho sản xuất nông sản hàng hóa thông minh; tăng cường kết nối hàng không và hàng hải nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lưu chuyển hàng hóa và con người.

Để thích ứng với các thách thức của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, lãnh đạo hai nước nhất trí thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua các dự án chung về nghiên cứu, xây dựng năng lực về sở hữu trí tuệ (IP), hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo chuyên gia cho lĩnh vực này; đẩy mạnh hơn nữa hợp tác phát triển nông thôn thông qua triển khai Bản Ghi nhớ về Hợp tác Phát triển Nông thôn ký năm 2017; tăng cường hợp tác đối với các mặt hàng nông sản chủ lực nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế nông thôn, tăng quyền năng cho người nông dân để phát triển các làng tự cường, chia sẻ các kinh nghiệm thiết thực trong phát triển nông thôn, các công nghệ phù hợp cũng như việc đào tạo và hỗ trợ phát triển nông thôn.

Lãnh đạo hai nước cũng nhất trí tiếp tục triển khai Bản Ghi nhớ về Hợp tác Giáo dục ký năm 2017, đồng thời mở rộng hợp tác giáo dục và đào tạo thông qua tăng cường trao đổi giáo viên, sinh viên; giao các bộ, ngành liên quan phát triển các mối liên kết trực tiếp giữa các cơ sở đào tạo nghề với các ngành công nghiệp của hai nước nhằm chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực hỗ trợ cho sự phát triển của ngành công nghiệp; khuyến khích hơn nữa giao lưu nhân dân, đặc biệt là giữa giới trẻ hai nước; tái khẳng định cam kết thúc đẩy quảng bá hình ảnh của nhau thông qua trao đổi đoàn phóng viên, triển lãm và mở rộng hợp tác du lịch; khuyến khích Hội Hữu nghị Việt Nam - Indonesia và Hội Hữu nghị Indonesia - Việt Nam đóng góp tích cực hơn nữa cho việc tăng cường quan hệ giữa khu vực tư nhân cũng như quan hệ giữa nhân dân hai nước... 

NHẬT QUANG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết