19/03/2018 - 21:37

Cần Thơ sẽ có thêm nhiều trường lớp mới 

Cơ sở vật chất, trang thiết bị là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Chính vì vậy, để chuẩn bị cho năm học 2018-2019, ngay từ bây giờ, lãnh đạo các ngành và các địa phương của Cần Thơ đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công các trường học. Đây sẽ là nền tảng để ngành giáo dục thành phố nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học.

Công trình Trường THCS Lê Lợi, quận Ô Môn đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào sử dụng năm 2018.

Ông Đặng Văn Đông (Tư Đông), ở phường Thới Long, quận Ô Môn, có cháu ngoại đang học mầm non, cho biết: “Những năm gần đây, Ô Môn có nhiều khởi sắc về điện - đường - trường - trạm, nhất là mạng lưới trường lớp, học sinh không phải đi học xa hay học nhờ, học tạm như trước kia. Cháu ngoại tôi được học trường mẫu giáo với trường lớp khang trang, đàng hoàng; không như mẹ cháu trước đây”. 

Đó cũng là suy nghĩ chung của bà con nơi đây. Phường Thới Long giờ đây có đủ các loại hình trường lớp, từ mầm non (MN), mẫu giáo đến THPT, tạo điều kiện học tập cho con em địa phương. Học sinh không phải di chuyển xa, vất vả bởi đò giang cách trở. Theo lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) quận Ô Môn, nhờ sự quan tâm đầu tư của Quận ủy, UBND quận Ô Môn cho GD-ĐT, nỗ lực của toàn ngành, mạng lưới trường lớp gần như phủ khắp trên địa bàn quận. Quận từng bước xóa 6 điểm lẻ của các trường, tập trung về trung tâm để nâng cao chất lượng giáo dục; mở rộng thêm lớp bán trú tại các trường đạt chuẩn quốc gia để giảm tải cho các trường điểm. Năm học 2017-2018, quận xây dựng mới, bàn giao một số điểm trường: Tiểu học (TH) Võ Thị Sáu, TH Nguyễn Việt Hồng - giai đoạn 2; duy tu, sửa chữa 12 trường với tổng kinh phí gần 5 tỉ đồng. Đến nay, quận có 33/42 trường từ MN đến THPT đạt chuẩn quốc gia.

Lãnh đạo quận Ô Môn đang đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng 5 công trình trường học để kịp đưa vào sử dụng năm 2018, gồm: TH Long Hưng, THCS Lê Lợi, MN Phước Thới 3, THCS Thới Hòa và Mẫu giáo Thới Long. Có mặt tại điểm Trường THCS Lê Lợi, chúng tôi không khỏi ấn tượng trước công trình 1 trệt - 3 lầu, với 24 phòng học, các phòng chức năng; tổng mức đầu tư trên 44,6 tỉ đồng, sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 7-2018. Thầy Ngô Hoàng Khang, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ô Môn, cho biết: Ngoài Trường THCS Lê Lợi, các trường còn lại đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Trong đó, Trường THCS Thới Hòa (1 trệt, 2 lầu) nếu hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ chia sẻ áp lực cho Trường THCS Châu Văn Liêm hiện nay đang quá tải.

Các quận, huyện khác: Ninh Kiều, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh… cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình trường học. Huyện Cờ Đỏ có 48 trường, với trên 21.980 học sinh. Theo kế hoạch vốn cơ sở vật chất trường học năm 2018 của huyện có trên 63,3 tỉ đồng. Trong đó vốn xây dựng cơ bản trên 60,7 tỉ đồng được phân bổ cho 13 công trình, gồm 4 công trình hoàn thành trước năm 2017 và 5 công trình chuyển tiếp là các trường: TH Thới Hưng 2, TH Trung Thạnh 3, TH Đông Hiệp 1, TH Thạnh Phú 1 và TH Thạnh Phú 2 (nâng cấp sửa chữa, mở rộng). Theo lãnh đạo Trường TH Thới Hưng 2, trên 700 học sinh của trường đang phải học ở 3 điểm (1 điểm trung tâm, 2 điểm lẻ; trong đó có 1 điểm chỉ khoảng 10 em) nên công tác quản lý, giảng dạy của trường gặp ít nhiều khó khăn. Nếu công trình kịp đưa vào sử dụng tháng 7-2018, có thể tập trung học sinh về 1 điểm. Thầy Trần Ngọc Nghị, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cờ Đỏ, cho biết: Nhờ sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo địa phương, diện mạo trường lớp trên địa bàn huyện ngày càng khởi sắc hơn. Trường lớp kiên cố, khang trang tạo nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục, bởi số lớp 2 buổi/ngày, bán trú ở các trường ngày càng tăng. Tuy vậy, vẫn còn trường còn điểm lẻ nên rất cần sự quan tâm hơn nữa của lãnh đạo địa phương. Ngành chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tạo cảnh quan môi trường sư phạm tốt ở các trường đã hoàn thành; phối hợp với ban ngành đoàn thể địa phương huy động học sinh đến trường, hỗ trợ học sinh khó khăn, hạn chế mức thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học.

Trong chuyến kiểm tra của lãnh đạo thành phố về công tác xây dựng cơ bản trường học trên địa bàn vừa qua, ghi nhận ở một số địa phương tuy có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn còn các điểm trường tiến độ thi công chậm so với kế hoạch. Đáng quan tâm, ở một số quận trung tâm như Ninh Kiều, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia rất khó khăn. Bà Lâm Thanh Liễu, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều, cho biết: Ninh Kiều có 36/80 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 45%), thấp so với các quận, huyện khác. Nguyên nhân chủ yếu là một số trường rất khó mở rộng diện tích đất; trong khi dân số cơ học ngày càng tăng. Ngành sẽ tiếp tục tham mưu với UBND quận; chỉ đạo, hỗ trợ các đơn vị đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trường trực thuộc, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Qua đó, giúp các trường nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh. l

Theo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, thành phố đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn về cơ sở vật chất trường học giai đoạn 2016-2020. Năm 2017, Sở GD&ĐT phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND thành phố kiểm tra công nhận 42 trường đạt chuẩn quốc gia (16 MN, 16 TH, 8 THCS và 2 THPT), vượt 5% chỉ tiêu. Như vậy, trong tổng số 460 trường của thành phố, có 281 trường đạt chuẩn quốc gia. Đầu tư trang thiết bị dạy học đảm bảo thực hiện nhiệm vụ năm học là 69,6 tỉ đồng.

Sở GD&ĐT đang thực hiện rà soát, xác định thực trạng và nhu cầu về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học của từng địa phương; xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai công tác cơ sở vật chất, thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết