26/08/2018 - 18:13

Can thiệp nội mạch, cứu sống bệnh nhân chảy máu mũi liên tục 

(CT) – Ngày 26-8, bác sĩ Nguyễn Minh Nghiêm, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ vừa thực hiện can thiệp tắc mạch máu mũi để điều trị bệnh nhân bị chảy máu mũi không cầm được. Đây là lần đầu tiên bệnh viện thực hiện kỹ thuật này.

Bác sĩ thực hiện can thiệp nội mạch cho bệnh nhân.

Trước đó, ngày 24-8, Khoa Cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân L.V.T., 47 tuổi, quận Ô Môn, TP Cần Thơ trong tình trạng chảy máu mũi không cầm được. Trước đó khoảng 5 ngày, bệnh nhân bị chảy máu mũi không liên tục, đã điều trị nhưng không giảm. Với chẩn đoán chảy máu mũi, tăng huyết áp, bệnh nhân được theo dõi và kiểm soát huyết áp, nhét gạc mèche mũi để cầm máu.

Tuy nhiên, tình trạng chảy máu mũi vẫn chưa cải thiện. Đến 21 giờ cùng ngày, bệnh nhân lơ mơ, niêm nhợt, huyết áp tụt, xét nghiệm huyết đồ cho thấy bệnh nhân đang trong tình trạng mất máu cấp dù đã được truyền máu, truyền dịch tích cực. Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn cấp bệnh viện kết luận bệnh nhân bị chảy máu mũi gây mất máu cấp mức độ nặng/tăng huyết áp và không đáp ứng với biện pháp điều trị cầm máu thông thường.

Các bác sĩ quyết định can thiệp nội mạch tắc mạch máu mũi để cầm máu. Sau gần 3 giờ, thủ thuật kết thúc an toàn, các nhánh mạch máu cung cấp máu cho vùng mũi 2 bên đã tắc hoàn toàn và cầm máu thành công. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không còn chảy máu mũi.

Nguyên nhân của chảy máu mũi rất đa dạng: tự phát (60 – 88%), chấn thương (6 – 7%), bẩm sinh (1,4%). Đặc biệt các bệnh lý giãn mao mạch xuất huyết di truyền chiếm tỷ lệ thấp (2 – 4%) nhưng là nguyên nhân phổ biến gây chảy máu mũi tái phát. Các yếu tố nguy cơ gây chảy máu mũi bao gồm tăng huyết áp, hút thuốc lá, dùng thuốc kháng đông hay sau xạ trị…

Khi một bệnh nhân bị chảy máu mũi thì việc trước tiên là cần cầm máu, sau đó tìm nguyên nhân để điều trị. Các biện pháp cầm máu bao gồm: đè ép tại chỗ, nhét mèche mũi trước, nhét mèche mũi sau, đông điện dưới sự hướng dẫn của nội soi để cầm máu, thắt động mạch. Trong đó, can thiệp nút mạch dưới hướng dẫn của máy chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA) ngày càng được áp dụng nhiều bởi tính an toàn, tỷ lệ thành công cao và ít xâm lấn.

Đơn vị Can thiệp mạch máu ở bệnh viện đã can thiệp thành công nhiều bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp, chấn thương gan, chấn thương thận, ho ra máu…Từ đó, bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên, giúp hạn chế những nguy cơ trên đường vận chuyển cũng như chi phí điều trị.

Tin, ảnh: ĐOÀN LÝ

Chia sẻ bài viết