26/11/2014 - 21:15

Cần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động giám định tư pháp

Đoàn công tác của Bộ Tư pháp làm việc với UBND TP Cần Thơ về kết quả thực hiện Đề án "Kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp" trên địa bàn.

Thực hiện Đề án "Kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp giai đoạn 2010-2015", đến nay, hoạt động giám định tư pháp ở TP Cần Thơ đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Thành phố đã xây dựng quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, các cơ quan tiến hành tố tụng trong tổ chức, hoạt động và quản lý công tác giám định tư pháp, bảo đảm hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng kịp thời, có chất lượng mọi yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng... Bên cạnh đó, hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, cần được các ngành chức năng quan tâm, tháo gỡ...

Kết quả nổi bật trong hoạt động giám định tư pháp ở TP Cần Thơ là đã củng cố, kiện toàn tổ chức giám định tư pháp. Trước khi có Đề án, thành phố có 63 giám định viên ở 7 lĩnh vực; đến nay, số lượng giám định viên đã tăng lên 152 người, ở 11 lĩnh vực như: Pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, tài chính – kế toán, khoa học – công nghệ, môi trường, văn hóa, xây dựng, thông tin – truyền thông, y tế và giao thông vận tải. Hiện nay, trên địa bàn, có 3 tổ chức giám định tư pháp (gồm: Trung tâm pháp y, Phòng kỹ thuật hình sự và Trung tâm giám định pháp y tâm thần). Với lực lượng giám định viên như hiện nay, về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của công tác giám định trên địa bàn. Chất lượng công tác giám định tư pháp trong những năm qua cơ bản đạt yêu cầu của cơ quan trưng cầu giám định. Theo đánh giá của Sở Tư pháp thành phố, công tác triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp được triển khai kịp thời, sát với thực tế, góp phần tạo điều kiện cho các tổ chức giám định và giám định viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, kịp thời đáp ứng các trưng cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng, góp phần tích cực vào việc đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân...

Trong 5 năm (2010-2014), thành phố đã giám định được 13.608 vụ việc, trong đó, giám định tâm thần và kỹ thuật hình sự chiếm đa số. Trong quá trình giám định còn một số hạn chế như: Đối với giám định viên thì chưa lập hồ sơ đúng theo quy định tại Điều 33 Luật Giám định tư pháp như: Không có biên bản giao, nhận hồ sơ, đối tượng trưng cầu, yêu cầu giám định; thực hiện việc giám định khi chưa có quyết định trưng cầu giám định, hồ sơ giám định không lưu trữ theo quy định pháp luật. Còn đối với cơ quan trưng cầu giám định thì đề nghị việc thực hiện giám định khi chưa có quyết định trưng cầu giám định theo quy định tại Điều 25 Luật Giám định tư pháp; chưa tiến hành tạm ứng kinh phí giám định; chưa thực hiện việc giao, nhận đối tượng trưng cầu giám định đúng quy định…

Một khó khăn khác trong hoạt động giám định tư pháp đó là thuật ngữ dùng trong kết luận giám định. Phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Tư pháp về tình hình thực hiện Đề án "Kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp" trên địa bàn thành phố, ông Huỳnh Văn Ri, Phó Viện trưởng VKSND TP Cần Thơ, cho biết thời gian qua, trên địa bàn có vụ án kéo dài từ năm 2012 đến 2014 chỉ vì chưa thống nhất cách hiểu từ ngữ trong kết luận giám định tâm thần. Theo kết luận giám định lần đầu thì đương sự phạm tội trong trường hợp có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi. Cũng hội đồng giám định này nhưng khi giám định lần hai thì lại kết luận đương sự phạm tội trong trường hợp có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi, nhưng bị hạn chế do bệnh. Đến khi cho đi giám định lại ở cơ quan giám định Trung ương thì kết luận không đủ năng lực nhận thức và hành vi. Ông Huỳnh Văn Ri nói: "Luật chỉ nói có hoặc không có năng lực nhận thức, điều khiển hành vi, trong khi kết luận giám định nói "hạn chế do bị bệnh" mà không rõ là "có" hay "không". Từ ngữ phải chuẩn như thế nào, chứ không cơ quan tố tụng sẽ rất khó xử lý".

Bên cạnh đó, hiện nay, một số lĩnh vực giám định chưa có quy chuẩn chuyên môn giám định, nhất là Bảng tỷ lệ thương tích trong giám định pháp y nên rất khó khăn cho người giám định khi thực hiện nhiệm vụ cũng như người tiến hành tố tụng khi đánh giá chứng cứ. Chế độ, chính sách cho giám định viên còn khiêm tốn, chưa tạo động lực cho các giám định viên cũng như thu hút người có chuyên môn cao tham gia hoạt động trong các lĩnh vực giám định... Để tháo gỡ khó khăn trên, UBND thành phố đã kiến nghị Bộ Tư pháp cho áp dụng chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc giám định tư pháp đối với tất cả giám định viên tư pháp là người hưởng lương từ ngân sách nhà nước chứ không chỉ áp dụng giới hạn ở giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần, giám định viên kỹ thuật hình sự. Đồng thời, hàng năm, Bộ Tư pháp cần phối hợp với các Bộ ngành có liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật và kỹ năng nghề nghiệp giám định viên đối với các giám định viên, để các giám định viên kịp thời cập nhật kiến thức mới, phục vụ tốt hơn trong công tác chuyên môn cũng như quy trình và quy chuẩn của từng lĩnh vực chuyên ngành quản lý...

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Đoàn công tác của Bộ Tư pháp làm việc với UBND TP Cần Thơ về kết quả thực hiện Đề án "Kiện toàn tổ

Chia sẻ bài viết