14/06/2010 - 21:18

Cần tạo sân chơi hè cho học sinh

Một lớp học võ thuật Vovinam tại thị trấn
Phong Điền.

Sau một năm học căng thẳng, hầu hết học sinh đều mong hè đến để “thoát” khỏi những bài tập toán khó, những công thức hóa học, vật lý rối rắm… Nhưng, khi các em tạm gác tập vở, xa trường lớp, nhiều phụ huynh lại lo các em tụ tập bạn bè chơi bời lêu lổng. Vì vậy, người thì chọn cho con học thêm, người gởi con đến các Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa Thiếu nhi để học các môn năng khiếu. Nhưng do các điểm sinh hoạt, học tập vui chơi ở TP Cần Thơ còn ít, phụ huynh không có thời gian đưa rước… nên rất nhiều học sinh không biết làm gì để vừa vui, vừa bổ ích suốt mùa hè.

Ngay sau khi kết thúc năm học, Trường Tiểu học Trường Xuân 2, huyện Thới Lai đã triển khai kế hoạch hè xuống các lớp. Trường tổ chức các câu lạc bộ (CLB): cờ vua, bơi lội, đá cầu, bóng bàn, vẽ tranh... Cô Nguyễn Thị Hoa, Tổng Phụ trách Trường Tiểu học Trường Xuân 2, cho biết: “Hiện tại, CLB cờ vua của trường đã có 10 học sinh tham gia; CLB bóng bàn, đá cầu có 48 học sinh... Hai CLB này do giáo viên thể dục của trường phụ trách. Trường cũng đang dự định mở CLB vẽ tranh, nhưng do giáo viên mỹ thuật nghỉ hộ sản nên chưa tổ chức được. Ngoài ra, trường cũng có kế hoạch tổ chức những hoạt động sinh hoạt tập thể vào các buổi sáng thứ 2, 4, 6 để các em có chỗ vui chơi, đồng thời giáo dục tính đoàn kết cho các em”. Từ các CLB, ngành giáo dục huyện Thới Lai cũng yêu cầu các trường xét chọn vận động viên năng khiếu đăng ký tham gia huấn luyện cấp huyện để thành lập đội tuyển.

Bên cạnh hoạt động của các trường, phụ huynh học sinh còn chọn những hoạt động thể dục thể thao để học sinh tham gia. Chị Nguyễn Thị Ly, nhà ở huyện Phong Điền chọn môn võ Vovinam cho con trai theo học. Chị nói: “Cháu ốm yếu quá nên tôi quyết định cho cháu học võ để được rèn luyện mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, tôi cũng chọn một vài quyển sách để cháu đọc thêm trong hè. Nhiều bạn trong lớp cháu đi học thêm trước chương trình lớp 2, nhưng như vậy cháu sẽ không có thời gian vui chơi nên không cho đi học”. Chọn học võ hay tham gia các hoạt động thể dục thể thao là việc làm bổ ích và phù hợp của nhiều học sinh. Tương tự như con chị Ly, em Ngũ Minh Q. cũng tham gia học môn võ Vovinam. Ngũ Minh Q. nói: “Năm tới, con học lớp 9 nên phải tập trung thời gian cho việc học. Vì vậy, tranh thủ hè, con học võ để rèn luyện sức khỏe và tự vệ”. Hè năm nay, một số phụ huynh ở TP Cần Thơ lại có khuynh hướng rèn luyện con bằng cách cho các cháu tham gia “Học kỳ quân đội” tại TP Hồ Chí Minh nhằm rèn luyện sức khỏe, kỷ luật, nề nếp...

Nhiều học sinh ở vùng ven đã có lựa chọn khác trong những ngày hè. Em Trần Văn Sắt, học sinh lớp 7, Trường THCS Thới Thạnh, huyện Thới Lai, cho biết: “Những hôm nào làm cỏ vườn thì em làm tiếp ba. Em còn phụ mẹ bán ngó sen để kiếm thêm thu nhập cho gia đình”. Một buổi trưa đầu tháng 6-2010, tôi gặp Sắt với một sề ngó sen to tướng. Hỏi Sắt mỗi ngày bán lời được bao nhiêu? Sắt cười: “Em không biết nữa chỉ nghe mẹ nói cố bán hết hè là mẹ đủ tiền mua quần áo, tập vở cho em vào năm học mới”. Cũng có hoàn cảnh gia đình không quá khó khăn như Sắt nhưng do tính chịu thương, chịu khó mà gia đình rèn luyện từ nhỏ nên Nguyễn Thị Thu nhà ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền xin mẹ cho mua rau, củ bán ở chợ . Thu nói: “Mỗi ngày, cháu thức sớm một chút, bán tới trưa cũng lời được gần 20.000 đồng. Cháu dành tiền lời đến tựu trường là đủ mua quần áo, đồ dùng học tập để bước vào năm học mới, ba mẹ cháu khỏi phải lo lắng”.

Thực tế không phải học sinh nào cũng chọn được chỗ sinh hoạt vui chơi phù hợp trong những ngày hè. Theo cô Nguyễn Thị Hoa, Tổng phụ trách Trường Tiểu học Trường Xuân 2, thì Trường Tiểu học Trường Xuân 2 có 4 điểm lẻ và 1 điểm trung tâm với khoảng 600 học sinh. Số lượng đăng ký tham gia các CLB chỉ mới có khoảng 10% học sinh của trường. Ngoài nguyên nhân từ điểm phụ đến điểm chính ở trung tâm khá xa, các trường cũng thiếu người phụ trách. Đó là chưa kể trong những ngày hè giáo viên phải thường xuyên tham gia các lớp chuẩn hóa, nâng chuẩn hoặc các lớp bồi dưỡng hè nên các buổi sinh hoạt ở các CLB đều phải dừng lại. Học sinh khi đến sinh hoạt 1,2 lần không có giáo viên hầu hết các em đều không đến sinh hoạt nữa.

Chị Nguyễn Thị Dung, nhà ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều, nói: “Hai vợ chồng tôi lo mua bán suốt ngày nên không có thời gian dành cho con trai tôi vừa học xong lớp 3. Mấy ngày hè, cháu không ở tiệm Internet chơi game thì cũng xem ti-vi suốt. Hai vợ chồng tôi định gởi cháu đến nhà cô học thêm để khỏi tụ tập đi chơi hay chơi game nữa”. Trường hợp của chị Dung cũng là trường hợp khó xử của nhiều phụ huynh hiện nay: Cho con học hè thì thêm mệt nhọc cho các cháu làm mất đi thời gian vui chơi sau một năm học vất vả. Thế nhưng, nếu không cho các cháu học thêm thì thời gian rảnh của các cháu quá nhiều, không thể quản lý. Nhiều cháu quá nhỏ, lại không lường hết được sự nguy hiểm của các trò chơi khi tham gia chơi cùng các bạn hoặc dán mắt vào Internet.

Trước đây, cũng có một số học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương nhưng những năm gần đây, số lượng học sinh ít hẳn đi nên rất khó tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể. Chị Mai Thị Hiền, Phó Bí thư Đoàn ủy thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, cho biết: “Từ đầu hè đến nay, không có học sinh nào chuyển về sinh hoạt tại thị trấn nên Đoàn ủy không thể tổ chức sinh hoạt được”. Hỏi nguyên nhân vì sao Q. không đến sinh hoạt tại địa phương, em cười nói: “Lâu lâu mấy anh, chị Đoàn thanh niên mới sinh hoạt một lần nên ngoài thời gian học võ em chơi game”. Không thu hút được học sinh sinh hoạt tại địa phương nên hầu như nghỉ hè là học sinh được “thả lỏng” và nhiều em đã vùi đầu vào chơi game. Giải pháp cho các cháu tham gia “học kỳ quân đội” cũng là một giải pháp hay, nhưng không phải ai cũng có điều kiện thực hiện bởi không dám cho con đi xa và học phí khá đắt (3,5- 5 triệu đồng/ 10 ngày học).

Sân chơi cho học sinh trong dịp hè đã và đang bị bỏ ngỏ nhiều năm. Tình hình hiện nay vẫn không thay đổi ở các quận, huyện vùng ven và cả trung tâm thành phố do thiếu sân chơi, thiếu đầu tàu và thiếu cả kinh phí. Trong khi đó, bất cứ nơi nào từ trung tâm đến vùng ven các tiệm Internet cũng đều có mặt. Không quản lý được thời gian và chủ động tạo sân chơi lành mạnh thì khả năng các em bỏ rơi một mùa hè vui tươi, bổ ích là không tránh khỏi. Vì vậy, rất cần sự phối hợp của nhà trường và các đoàn thể địa phương để các em có một mùa hè thật sự có ý nghĩa.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết