29/09/2010 - 20:38

Cải cách hành chính trong thẩm định, kiểm tra và xử lý văn bản

Cần sự phối hợp đồng bộ của các ngành hữu quan

Công tác thẩm định, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) là một khâu quan trọng trong xây dựng và ban hành văn bản QPPL. Thời gian qua, công tác này được Sở Tư pháp TP Cần Thơ thực hiện khá nghiêm túc, đảm bảo tính pháp lý, phù hợp quy định pháp luật. Tuy nhiên, để việc thẩm định, kiểm tra và xử lý văn bản QPPL thực hiện theo đúng thời gian, chính xác, phù hợp quy định pháp luật... rất cần sự hợp tác của các ngành chức năng trong việc bàn giao dự thảo văn bản QPPL đến Sở Tư pháp đúng quy định.

* Thẩm định chính xác, đảm bảo tính pháp lý

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp TP Cần Thơ thực hiện kiểm tra, giải quyết hồ sơ, thẩm định văn bản QPPL theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008. 

Sau khi Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND năm 2004 có hiệu lực, hoạt động thẩm định văn bản của Sở Tư pháp TP Cần Thơ được tổ chức thực hiện theo quy định này. Thể chế hóa quy định của Trung ương, Sở Tư pháp TP Cần Thơ đã xây dựng và trình UBND thành phố ban hành văn bản quy định về trình tự, thủ tục soạn thảo và ban hành văn bản QPPL, trong đó có quy định về công tác tổ chức thẩm định, kiểm tra và xử lý văn bản trên địa bàn thành phố. Công tác này được Sở Tư pháp thực hiện nghiêm túc và đạt hiệu quả cao, đảm bảo tính pháp lý của từng văn bản, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây cũng là hiệu quả của nguyên tắc làm việc khoa học, phương pháp cải cách hành chính của Sở Tư pháp TP Cần Thơ.

Theo Sở Tư pháp TP Cần Thơ, thời gian thẩm định, kiểm tra và xử lý văn bản QPPL bình quân đối với một dự thảo được thực hiện trong vòng 7 ngày kể từ ngày tiếp nhận. Riêng các dự thảo là chỉ thị hoặc văn bản ban hành đột xuất theo chỉ đạo của UBND thành phố, Sở tiếp nhận thẩm định trong thời gian ngắn hơn, tùy theo nội dung văn bản. Từ khi triển khai thực hiện thẩm định, kiểm tra và xử lý văn bản QPPL theo quy trình mới, dự thảo văn bản được thẩm định hoàn trả đúng kế hoạch, phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND năm 2004. Từ năm 2009 đến tháng 8-2010, Sở Tư pháp TP Cần Thơ đã thẩm định trên 160 dự thảo văn bản, trong đó đã thẩm định và tham mưu cho UBND thành phố ban hành 95 quyết định, 20 chỉ thị, thẩm định 45 dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố... Nhìn chung văn bản dự thảo trước khi trình ký, đều được triển khai thẩm định đảm bảo theo đúng phạm vi, trình tự thẩm định quy định tại khoản 3, Điều 38 Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND năm 2004. Đó là: sự cần thiết ban hành; đối tượng, phạm vi điều chỉnh; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật; ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo; về tính khả thi của văn bản.

Trong báo cáo thẩm định, Sở Tư pháp luôn nêu rõ ý kiến về từng vấn đề, có sự phân tích, dẫn chiếu chặt chẽ các quy định của pháp luật trong từng ý kiến thẩm định hoặc đưa ra các dẫn chứng minh hoạ. Đặc biệt tập trung thẩm định tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật. Nếu như dự thảo văn bản có nhiều nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật và không sát thực tiễn của địa phương, Sở đưa ra nhận định sâu sắc về tính khả thi của những nội dung cần lưu ý hoặc cả dự thảo văn bản để cơ quan soạn thảo lưu ý.

Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ: “Sau khi được Sở Tư pháp thẩm định, chất lượng văn bản QPPL do UBND thành phố ban hành chứa đựng nhiều vấn đề mới, tiến bộ, đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, luật và văn bản QPPL của Trung ương, cũng như tính thống nhất, thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản trong hệ thống pháp luật và phù hợp với Nghị quyết của HĐND. Đặc biệt, các văn bản ban hành tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh trong đầu tư, xây dựng, đất đai, sản xuất kinh doanh, các vấn đề về quyền con người, quyền tự do, dân chủ, xây dựng và phát triển văn hóa xã hội, giữ vững an ninh chính trị tại địa phương, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng TP Cần Thơ đạt tiêu chí là đô thị loại I”.

* Những khó khăn cần giải quyết

Theo Sở Tư pháp TP Cần Thơ, qua thẩm định, kiểm tra và xử lý văn bản QPPL từ các cơ quan chuyên môn gởi đến, mức độ sai sót, khiếm khuyết vẫn còn nhiều, ngoại trừ các dự thảo văn bản là chỉ thị có nội dung đơn giản. Từ năm 2009 đến nay, Sở Tư pháp đã kiểm tra 190 văn bản QPPL do HĐND, UBND các quận, huyện ban hành (gồm 101 Nghị quyết, 67 Quyết định, 22 chỉ thị). Qua đó, Sở đã phát hiện 7 văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trong đó có sai sót về căn cứ ban hành, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản, dẫn chiếu văn bản QPPL cấp trên chưa chính xác, không quy định hiệu lực văn bản... Đồng thời trong quá trình tự kiểm tra, Sở cũng phát hiện 2 quyết định sai sót về mặt nội dung do cấp thành phố ban hành. Ông Huỳnh Văn Hiếu, Trưởng phòng Xây dựng văn bản QPPL Sở Tư pháp TP Cần Thơ, cho biết: “Những văn bản sai sót đều được Sở Tư pháp TP Cần Thơ có công văn đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định. Đến nay đã có một số văn bản được sửa đổi, tuy nhiên vẫn còn văn bản chưa sửa đổi. Sở tiếp tục đề nghị các cơ quan thẩm quyền kiểm tra, sửa đổi các văn bản sai sót để đảm bảo tính pháp lý của từng văn bản”.

Đối với công tác tổ chức thẩm định, Sở luôn quan tâm và đề cao mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan thẩm định với cơ quan soạn thảo. Một số cơ quan đã có nhận thức và thực hiện tương đối tốt việc phối hợp gửi dự thảo đến Sở Tư pháp thẩm định và tiếp thu ý kiến thẩm định. Tuy nhiên, sự phối hợp này vẫn còn hạn chế, nhiều cơ quan gửi hồ sơ thẩm định không đầy đủ, thiếu các tài liệu cơ bản. Trong thẩm định các dự thảo Nghị quyết của HĐND phục vụ cho các kỳ họp, các cơ quan chuyên môn gởi đến Sở Tư pháp thẩm định đôi khi không đúng thời gian quy định. Có Trường hợp dự thảo Nghị quyết gởi đến trong buổi sáng và yêu cầu nhận lại (sau thẩm định) trong buổi chiều vì UBND thành phố tổ chức cuộc họp thông qua trong ngày. Trường hợp này, Sở Tư pháp không đủ thời gian để nghiên cứu, thẩm định văn bản. Ở một số quận, huyện, việc tự kiểm tra và kiểm tra văn bản QPPL còn chậm, chưa mang tính tự giác nên ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL ở cấp thành phố...

Ông Trần Phước Hoàng, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, lực lượng thẩm định, kiểm tra và xử lý văn bản QPPL của Sở Tư pháp còn thiếu, chỉ có 3 biên chế, trong khi khối lượng công việc rất nhiều, thời gian thực hiện thẩm định, kiểm tra và xử lý văn bản (nhận và trả dự thảo văn bản) trong thời gian 7 ngày, theo đúng chương trình cải cách hành chính. Sở đề nghị các cơ quan chuyên môn gởi dự thảo văn bản thẩm định đúng thời gian quy định để Sở thẩm định dự thảo văn bản QPPL theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008. Đề nghị thành phố có kế hoạch mở lớp đào tạo, bồi dưỡng về công tác văn bản cho lãnh đạo các sở chuyên ngành, đội ngũ làm công tác pháp chế để từng bước nâng cao chất lượng công tác dự thảo văn bản. Các sở ban ngành soạn thảo văn bản phải thông qua Tổ pháp chế có ý kiến đối với nội dung dự thảo trước khi gởi đến Sở Tư pháp thẩm định...”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết