02/05/2013 - 21:06

Cần sớm có cơ chế chính sách cho ngành mía đường

Thu hoạch, vận chuyển thủ công chiếm 60% tổng chi phí sản xuất mía.

Vừa qua, tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị tổng kết niên vụ sản xuất mía 2012-2013 tại UBND huyện Cù Lao Dung. Tại đây, những khó khăn, lợi thế của ngành mía đường khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung đã được các đại biểu tập trung thảo luận, nhất là các giải pháp nhằm giữ vững diện tích mía trước thực trạng hiệu quả sản xuất mía ngày càng suy giảm.

Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong bối cảnh khó khăn chung của các mặt hàng nông sản Việt Nam, cây mía và ngành mía đường cũng không là ngoại lệ. Hiện nay, lượng đường thế giới đang thừa 10 triệu tấn, còn lượng đường sản xuất trong nước theo ước tính sẽ vào khoảng 1,5 triệu tấn, trong khi nhu cầu sử dụng cao nhất cũng chỉ khoảng 1,2 triệu tấn, nên số dư thừa khoảng 400.000 tấn. Đó là chưa kể một lượng lớn đường nhập lậu vẫn thường xuyên được đưa vào thị trường nội địa, nên giá đường thời gian qua liên tục bị sụt giảm là điều dễ hiểu. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng thừa đường trong nước, theo ông Nguyễn Thành Long là do giá mía khá ổn định trong một thời gian dài từ chính sách bao tiêu của các nhà máy, nên diện tích mía tại nhiều địa phương tăng dần và đến nay đã đạt khoảng 280.000ha, với khoảng 2 triệu nông dân sản xuất.

Không chỉ dư thừa do sản xuất trong nước và đường nhập lậu, tới đây, giá đường trong nước còn phải cạnh tranh với lượng đường được sản xuất từ 2 nhà máy đường công suất khá lớn do các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào và Campuchia. Ông Nguyễn Thành Long cho biết: “Về mặt nguyên tắc, lượng đường sản xuất từ 2 nhà máy trên sẽ được phép nhập vào Việt Nam, nên sẽ khó tránh khỏi sự cạnh tranh về giá”. Một trong những nhược điểm lớn nhất làm giảm sức cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam chính là ở quy mô sản xuất nhỏ lẻ và đầu tư một cách đơn độc. Sự nhỏ lẻ đó không chỉ có ở diện tích sản xuất nhỏ, manh mún của nông dân, mà ngay cả các nhà máy đường trong nước quy mô cũng không lớn và chưa được khép kín để tạo giá trị gia tăng cao. Ông Nguyễn Thành Long nhìn nhận: “Khi chúng ta mới triển khai chương trình mía đường, công suất ép 1.000 tấn mía cây/ngày đã được xem là lớn, nhưng hiện nay, một số nhà máy đã nâng công suất ép lên 5.000 tấn mía cây/ngày, nhưng cũng tỏ ra nhỏ bé so với một số nước trong khu vực, nhất là Thái Lan”.

Tại Thái Lan, các nhà máy đường có công suất ép lên đến 45.000 tấn mía cây/ngày, còn nông hộ trồng mía thấp gì cũng từ vài héc-ta trở lên. Chính vì vậy, dù năng suất mía ở Thái Lan chỉ tương đương với Việt Nam, nhưng nhờ hàm lượng đường trong mía của họ cao hơn chúng ta từ 2 CCS trở lên, nên chi phí sản xuất mía cũng như đường của họ thấp, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tính cạnh tranh của đường Thái Lan trên thị trường. Mặt khác, do hầu hết các nhà máy đường ở Thái Lan đều được đầu tư khép kín theo chuỗi sản xuất liên hoàn, nên cũng từ nguyên liệu mía, nhưng các nhà máy của họ có thể cho ra nhiều sản phẩm khác ngoài đường như: cồn, điện, phân hữu cơ…tạo nên giá trị gia tăng cao cho ngành mía đường.

Trong khi các chính sách phát triển ngành mía đường của Thái Lan được thực hiện một cách căn cơ thì hiện nay, cả nước chỉ mới có một Viện nghiên cứu mía đường tại Bến Cát (tỉnh Bình Dương), cho thấy cây mía chưa thật sự được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm như một số mặt hàng nông sản khác. Tuy nhiên, các đại biểu cũng thống nhất quan điểm rằng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có lợi thế về năng suất mía cao, nên chỉ cần tập trung nâng cao hàm lượng đường trong mía là có thể đảm bảo hiệu quả sản xuất. “Thực tế sản xuất ở niên vụ mía đường này cho thấy, trong khi năng suất mía ở khu vực ĐBSCL cao hơn rất nhiều so với các tỉnh miền Bắc và miền Trung, nhưng người trồng mía vẫn không có lời, còn người trồng mía ở miền Bắc và miền Trung thì vẫn có lời”-ông Nguyễn Thành Long so sánh.

Ngành mía đường chúng ta vẫn có những lợi thế nhất định về thị trường trong nước và cả một số nước trong vùng, nhất là thị trường Trung Quốc. Ông Nguyễn Thành Long cho biết, hiện nay Trung Quốc không chủ trương phát triển diện tích mía đường, mà tập trung cho nhập khẩu mỗi khi giá đường thế giới giảm. Do đó, các đại biểu thống nhất, ngoài việc kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm có cơ chế chính sách cho ngành mía đường, vấn đề các địa phương cần tập trung là cải thiện cơ cấu giống để nâng cao chữ đường, còn các nhà máy tập trung cho việc tiết giảm chi phí sản xuất, cải thiện công nghệ. Trong đó, các địa phương chỉ nên giữ vững những vùng trồng mía có hiệu quả, vùng nào không hiệu quả nên mạnh dạn chuyển đổi sang cây trồng hay vật nuôi khác. Đặc biệt là công tác cơ giới hóa trong sản xuất, nhất là khâu thu hoạch, vì chỉ riêng khâu này đã chiếm gần 60% chi phí sản xuất. Ông Lê Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Long Phú, nêu ý kiến: “Máy móc thì không thiếu, nhưng để cơ giới hóa  được chúng ta phải tổ chức lại sản xuất”.

Bài, ảnh: Xuân Trường

 

Chia sẻ bài viết