30/12/2008 - 21:05

Hơn 77 ha đất, ở ấp Đông Lợi, xã Đông Bình, huyện Cờ Đỏ thiếu nước sản xuất

Cần sớm có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân

Trời nắng thì ruộng khô cằn, không đủ nước tưới tiêu; còn trời mưa thì ruộng ngập úng, nước không có đường thoát. Đó là thực trạng đã và đang tồn tại trên cánh đồng hơn 77ha đất (ở ấp Đông Lợi, xã Đông Bình, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ). Nguyên nhân là do một đoạn kinh Bốn Trăm - nguồn cung cấp nước chủ yếu cho cánh đồng - bị san lấp, việc sản xuất của bà con trong vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thế nhưng, nhiều tháng qua, khó khăn của bà con ở địa phương vẫn chưa được tháo gỡ?

Có mặt tại các thửa ruộng không nước tưới tiêu, chúng tôi mới cảm thông được phần nào nỗi bức xúc của 27 hộ dân ở ấp Đông Lợi, xã Đông Bình. Dẫn chúng tôi đi quan sát thực tế, ông Lê Văn Tâm, người dân sống cố cựu ở địa phương, cho biết: “Con kinh Bốn Trăm (chiều ngang khoảng 2m; chiều dài 630m), trước đây là nguồn cung cấp nước tưới tiêu chủ yếu cho cánh đồng hơn 77ha này. Nhưng đến nay, việc sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn, do một đoạn của con kinh này bị san lấp...”. Vì sao con kinh bị san lấp?

Đến UBND xã Đông Bình tìm hiểu sự việc thì được biết: Do một đoạn của con kinh Bốn Trăm nằm trong qui hoạch xây dựng tuyến “Bốn Tổng - Một Ngàn” đi qua địa bàn xã Đông Bình. Đầu năm 2008, đơn vị thi công bắt đầu thi công đoạn đi qua địa bàn ấp Đông Lợi, xã Đông Bình. Khoảng tháng 5-2008, một đoạn của con kinh Bốn Trăm bị san lấp. Từ đó đến nay, con kinh này bị “tê liệt” hoàn toàn, nước và các phương tiện như xuồng, ghe... hầu như không ra vô được, việc sản xuất của bà con ở đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 Đoạn kinh Bốn Trăm, ở ấp Đông Lợi, xã Đông Bình, huyện Cờ Đỏ bị san lấp.

Hậu quả của việc san lấp này là 27 hộ trực canh tại các thửa đất hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn: Trời nắng thì ruộng khô cằn, không đủ nước tưới tiêu; còn trời mưa thì ngập úng, nước thoát không kịp. Ông Lê Văn Tâm cho biết: “Gia đình tôi canh tác 6.000m2 đất. Từ khi một đoạn kinh Bốn Trăm bị san lấp, để có nước tưới tiêu, tôi phải đặt máy bơm ở kinh Hai Trăm dẫn nước vào ruộng của ông Trương Văn Thuận. Sau đó, tôi dùng máy tiếp tục bơm nước từ ruộng ông Thuận sang ruộng của tôi”. Không riêng gì ông Tâm, nhiều hộ dân khác cũng trong tình trạng tương tự. Để có nước tưới tiêu, những hộ dân bị ảnh hưởng phải bơm nhờ qua hai hoặc ba thửa đất lân cận, rồi sau đó mới đưa nước vào ruộng của mình. Ông Nguyễn Đức Dưỡng tâm tư: “Tình trạng này cứ kéo dài, thì chi phí cho một vụ lúa chắc chắn sẽ tăng lên nhiều. Và điều làm cho chúng tôi băn khoăn: Nếu như chủ đất lân cận không cho dẫn nước nhờ qua ruộng, chúng tôi không thể tưởng tượng được chuyện gì sẽ xảy ra, trong khi bà con sống chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập từ ruộng lúa?”.

Trước thực trạng trên, UBND huyện Cờ Đỏ kết hợp cùng Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, khảo sát thực tế cần phải lắp đặt cống kinh Bốn Trăm, ở ấp Đông Lợi, xã Đông Bình thuộc công trình đường giao thông Bốn Tổng - Một Ngàn, để đảm bảo nguồn nước phục vụ cho việc sản xuất của người dân trong vùng.

Ngày 5-12-2008, UBND huyện Cờ Đỏ đã có tờ trình gởi UBND TP Cần Thơ và Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ về việc xem xét, lắp đặt cống tại kinh Bốn Trăm. Ông Lê Minh Cường, Trưởng phòng Kỹ thuật - Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: Trong dự án tuyến giao thông Bốn Tổng - Một Ngàn được duyệt tại kinh Bốn Trăm (km25+045) không làm cống thoát nước, do kinh nhỏ và phía trong kinh bị lấp, không có lưu thông với kinh nào khác. Hiện đang triển khai thi công phần đường đã hoàn thành cát nền K98, chuẩn bị thi công đá dăm 0x4 mặt đường. Theo tờ trình của UBND huyện Cờ Đỏ, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ trình đến Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ xem xét và có ý kiến, để chúng tôi có cơ sở thực hiện. Tuy nhiên đến nay, chúng tôi vẫn chưa đượcthông tin phản hồi”.

Nguyện vọng của 27 hộ dân ở ấp Đông Lợi, xã Đông Bình là chính đáng và cấp bách. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và các ngành chức năng của TP Cần Thơ cần sớm đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo nước tưới tiêu, để bà con an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: NGUYÊN BỬU

Chia sẻ bài viết