14/02/2012 - 08:43

TIẾN SĨ NGUYỄN THỊ NGHĨA, THỨ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO:

Cần quan tâm đào tạo giáo viên mầm non

 

So với 5 năm trước, giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) nói chung, giáo dục mầm non (MN) nói riêng ở ĐBSCL có bước phát triển mạnh mẽ về mạng lưới trường lớp, qui mô, đội ngũ cán bộ, giáo viên. Tuy nhiên, TP Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế; đặc biệt là đội ngũ giáo viên- vừa thiếu, vừa yếu. Làm gì để nâng cao chất lượng giáo dục MN, nhất là đội ngũ cán bộ giáo viên? Tiến sĩ Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho biết:

- Trong những năm qua, mặc dù nền kinh tế của vùng ĐBSCL có chuyển biến tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng cơ cấu công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp nhưng nhìn chung thì kinh tế nông nghiệp vẫn là cơ bản. Điều đáng quan tâm, ĐBSCL là vùng có xuất phát điểm về GD&ĐT nói chung, giáo dục MN nói riêng thấp hơn so với các vùng và khu vực khác trong cả nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: Dân cư phân bố phân tán, nhiều gia đình thay đổi chỗ ở, trong khi hệ thống giao thông chưa phát triển, địa bàn bị chia cắt bởi nhiều sông ngòi, kênh rạch chằng chịt... nên việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc tổ chức hoạt động giáo dục của các trường MN. Khó khăn nhất của giáo dục MN vùng ĐBSCL là hằng năm phải đối mặt với nhiều đợt lũ lớn, mỗi khi mùa mưa lũ đến, trẻ thường nghỉ học; trường lớp bị ngập lụt lâu ngày nên cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi,... bị hư hỏng nặng. Việc huy động trẻ đến trường rất khó khăn, tỷ lệ chuyên cần của trẻ không ổn định.

Những năm qua, qui mô mạng lưới trường, lớp, đội ngũ giáo viên mầm non tuy phát triển nhanh nhưng ĐBSCL vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về nguồn lực. Chẳng hạn về cơ sở vật chất, cả vùng còn 769 phòng tạm và 3.316 phòng học nhờ/ mượn, chiếm 27,5% (cả nước hiện còn 11.720 phòng học tạm, 14.645 phòng học nhờ, chiếm 18,89%). Các tỉnh còn nhiều phòng học nhờ, mượn là Sóc Trăng (540 phòng), Kiên Giang (454 phòng), Đồng Tháp (438 phòng), An Giang (358 phòng), Trà Vinh (276 phòng), Cà Mau (269 phòng); tiến độ xây dựng trường MN đạt chuẩn quốc gia còn chậm (chỉ đạt 10%), thấp so với bình quân chung của cả nước (18,9%)... ảnh hưởng huy động trẻ đến trường. Nhất là đội ngũ cán bộ giáo viên MN thiếu về số lượng, lẫn chất lượng.

* Tiến sĩ có thể nói rõ hơn về đội ngũ cán bộ giáo viên MN thiếu, yếu ra sao?

Giờ sinh hoạt ngoài trời của cô trò Trường MN Trường Long, huyện Phong Điền.

- Không thể phủ nhận trong thời gian qua, các địa phương đã nỗ lực xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, phục vụ cho GD&ĐT nói chung, MN nói riêng. Nếu như năm học 2009-2010, toàn vùng có 26.969 cán bộ, giáo viên, nhân viên, đến năm 2010-2011 đã có 31.460 cán bộ, giáo viên, nhân viên (tăng 4.491 người); trong đó có 21.305 giáo viên. Dù đội ngũ giáo viên đã tăng nhanh trong thời gian qua nhưng giáo viên đứng lớp vẫn còn thiếu. Theo thống kê của các địa phương, toàn vùng hiện còn thiếu 2.284 giáo viên. Các tỉnh còn thiếu giáo viên là Tiền Giang (488 người), Cà Mau (253 người), Hậu Giang (248 người), Long An (212 người), Cần Thơ (200 người). Toàn vùng vẫn còn 15% giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Năng lực chuyên môn của giáo viên không đồng đều; năng lực quản lý, tham mưu của một số cán bộ quản lý hạn chế; nhiều hiệu trưởng, phó hiệu trưởng chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nên việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học thiếu nhạy bén, chưa chủ động trong việc xây dựng kế hoạch công tác, đặc biệt là lúng túng trong tự chủ thực hiện nhiệm vụ và quản lý tài chính. Số lượng giáo viên MN được đào tạo hệ chính quy trung học sư phạm, cao đẳng sư phạm của trường sư phạm hàng năm rất ít, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; năng lực chuyên môn của một bộ phận giáo viên còn hạn chế. Trong khi đó, việc tuyển dụng giáo viên lại gặp khó khăn, thiếu nguồn tuyển.

* Để vực dậy GD&ĐT nói chung, giáo dục MN nói riêng của vùng ĐBSCL, theo Tiến sĩ cần có những giải pháp đột phá như thế nào?

- Để phát triển giáo dục MN vùng ĐBSCL, trước hết là thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Quyết định 1033/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL. Quyết định này giúp các tỉnh, thành ĐBSCL có điều kiện thuận lợi để phát triển GD&ĐT nói chung, giáo dục MN nói riêng. Ngoài ra cần tập trung vào các giải pháp cụ thể sau: Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức xã hội; nhất là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể tại các địa phương trong vùng, coi phát triển giáo dục MN là tiền đề để phát triển, nâng cao chất lượng GD&ĐT nói chung, từ đó có những giải pháp đồng bộ huy động nguồn lực cho phát triển giáo dục MN. Hoàn thiện mạng lưới trường lớp và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giáo dục, như quy hoạch mạng lưới trường lớp, đảm bảo các xã, phường, thị trấn phải có trường MN, từ đó đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đồ chơi, các công trình vệ sinh... nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục cho trẻ.

Huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho giáo dục MN, ngoài kinh phí của Trung ương, các địa phương cần ưu tiên nguồn kinh phí hoặc từ nguồn xã hội hóa giáo dục để chăm lo cho bậc học MN. Tuy nhiên, để đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục, nuôi dạy trẻ cần quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên MN. Việc đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ, giáo viên là trách nhiệm của địa phương. Các địa phương phải xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, trong đó chú ý đến đào tạo giáo viên MN. Về phía Bộ GD&ĐT cũng sẽ chỉ đạo các trường đào tạo sư phạm (cao đẳng, đại học) phải đổi mới nội dung, chương trình đào tạo giáo dục MN, gắn việc đào tạo giáo dục MN với thực tiễn đổi mới giáo dục MN; gắn việc tuyển sinh hằng năm với nhu cầu giáo dục MN ở các địa phương. Quan trọng hơn các địa phương cần có chính sách thu hút, ưu tiên trong việc tuyển dụng giáo viên MN, tiền lương... Tất nhiên, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tham mưu các bộ ngành trung ương cải tiến chính sách tiền lương cho cán bộ, giáo viên nói chung, giáo dục MN nói riêng để giáo viên an tâm công tác.

Bên cạnh đó, vai trò của phụ huynh cũng rất quan trọng, tác động lớn đến việc huy động các cháu đi nhà trẻ, mẫu giáo. Bởi lẽ, khi đã nhận thức được vai trò quan trọng của giáo dục MN thì họ mới thật sự cùng ngành giáo dục quan tâm, đầu tư cho con em mình đến trường, lớp học nhà trẻ, MN.

* Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Bài, ảnh: B. KIÊN

Chia sẻ bài viết