14/07/2016 - 08:52

ĐBSCL dưới tác động kép BĐKH và khan nguồn nước ngọt:

Cần quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước

Trong ngày thứ 3 diễn ra MDEC – Hậu Giang 2016, chiều 13-7, tại tỉnh Hậu Giang, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thảo "Các giải pháp kiểm soát mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh vùng ĐBSCL". Đây là hoạt động rất quan trọng nhằm tập hợp "tiếng nói chung" của các bộ, ngành Trung ương, địa phương và nhà khoa học trong việc tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ cho sản xuất và dân sinh trong vùng trước tác động kép ngày càng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH) và khan hiếm nguồn nước ngọt.

Thiếu hụt nguồn nước ngọt vào mùa khô

ĐBSCL là vùng sản xuất lương thực trọng điểm, đóng góp trên 50% sản lượng lương thực và trên 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, 65% sản lượng nuôi thủy sản và 70% trái cây của cả nước. Thời gian qua, nông dân tại nhiều địa phương trong vùng đã tích cực thâm canh tăng vụ, phát triển sản xuất 3 vụ/năm, góp phần đáng kể vào việc tăng sản lượng lúa gạo cho quốc gia. Tuy nhiên, do gặp phải trình trạng khan hiếm nguồn nước ngọt trong các tháng mùa khô, kéo dài từ thời điểm sản xuất vụ lúa đông xuân đến vụ hè thu, nên sản xuất lúa tại ĐBSCL gặp nhiều khó khăn.

 Nhiều địa phương vùng ĐBSCL cũng đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong ảnh: Phát triển trồng cây ăn trái tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: V.CỘNG

Theo bà Nguyễn Thu Phương, Cục quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài Nguyên và Môi trường), từ năm 2014 đến nay, do tác động của El Nino, mùa khô kéo dài, mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm nên hạn hán và mặn xâm nhập sâu vào đất liền tại nhiều nơi ở ĐBSCL, gây thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Đặc biệt, từ năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, lượng dòng chảy từ sông Mê Công về ĐBSCL giảm mạnh, mực nước ở mức thấp nhất trong 90 năm qua và không còn khả năng đẩy mặn. Thêm vào đó, các tác động của BĐKH và nước biển dâng nên mặn trên các sông đã xuất hiện sớm gần 2 tháng so với cùng kỳ nhiều năm và xâm nhập sâu về phía thượng lưu, nơi xa nhất lên đến 90km. Theo số liệu quan trắc, độ mặn lớn nhất đo được trong năm 2016 đều cao hơn so với trung bình nhiều năm, ranh giới độ mặn 4g/lít đã lấn sâu tới 90-95km trên sông Vàm Cỏ, 45-65km trên sông Tiền, 55-60km trên sông Hậu và 60-65 km ở khu vực ven biển Tây (sông Cái Lớn).

Việc nghiên cứu giải pháp ngăn mặn, trữ ngọt phù hợp tình hình mới để đáp ứng tốt nhu cầu người dân là vô cùng cấp thiết. Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, chế độ thủy văn ở ĐBSCL chịu tác động trực tiếp của dòng chảy thượng nguồn, chế độ thủy triều biển Đông, biển Tây, một phần của triều vịnh Thái Lan và chế độ mưa toàn vùng đồng bằng. Tổng lượng dòng chảy sông Mê Công hằng năm khoảng 475 tỉ m3, chuyển trên 420 tỉ m3 nước vào ĐBSCL, nhưng chủ yếu tập trung vào mùa lũ từ tháng 7 đến tháng 11, chiếm đến 90% tổng lượng nước hằng năm, còn mùa kiệt chỉ là 10% tổng lượng nước còn lại, trong đó dòng chảy kiệt nhất vào tháng 3 và 4. Với lượng mưa trung bình toàn vùng vào khoảng 1.600-1.800 mm, lượng nước sinh ra tại vùng đồng bằng khoảng 52 tỉ m3. Hiện nay, nguồn nước ngầm tại ĐBSCL cũng có xu hướng bị suy giảm mạnh do khai thác quá mức trong khi việc bổ cập cho nguồn nước này khá hạn chế.

Hiện nay, trên sông thượng nguồn sông Mê Công thuộc lãnh thổ Trung Quốc đã xây dựng và đưa vào vận hành 6 công trình thủy điện, Lào đang xây 2 thủy điện và có kế hoạch xây 9 công trình trên dòng chính, Thái Lan đã xây dựng và đang có kế hoạch xây dựng thêm nhiều trạm bơm cố định và dã chiến dọc sông Mê Công để lấy nước. GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, nhấn mạnh: "Mùa khô năm 2015-2016, hầu như không có mưa trong hạ lưu khu vực ĐBSCL, điều này đã cho thấy sự lệ thuộc của nguồn nước sông Mê Công chảy về hạ lưu dựa vào lượng nước xả ra từ các đập của chuỗi đập thủy điện Trung Quốc". Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, trước khi có các đập thủy điện trên sông Mê Công, tổng lượng phù sa tới vùng hạ lưu sông Mê Công khoảng 85 triệu tấn/năm (cả phù sa lơ lửng và bùn cát đáy). Tuy nhiên, cho tới nay, theo tính toán sử dụng mô hình phù sa bùn cát, tổng lượng phù sa đã sụt giảm mạnh chỉ còn 10,4 triệu tấn/năm (giảm 78%).

Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước

Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần đổi mới mô hình sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL, nhất là ngành sản xuất lúa gạo nhằm tránh tài nguyên đất bị khai thác kiệt quệ và lãng phí trong sử dụng nước. Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, tài nguyên đất tại ĐBSCL đang bị khai thác kiệt quệ và lãng phí trong sử dụng nước do lũ về lại đuổi lũ để sản xuất vụ 3, trong khi hiệu quả do tăng vụ sản xuất lúa mang lại thấp. Chúng ta cần thay đổi nhận thức và thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL để sử dụng hiệu quả hơn các tài nguyên đất, nước và nâng cao thu nhập người dân. Việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước ngọt trong sản xuất nông nghiệp cần thay đổi căn bản trong nhận thức. Trong bối cảnh mới, cần rà soát lại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, các quy hoạch phát triển ngành, địa phương theo hướng tiết kiệm nước ngọt, chung sống với hạn mặn, khai thác nước lợ và nước mặn như là một tài nguyên mà nhiều nước đã làm thành công, đồng thời đảm bảo nước ngọt cho sinh hoạt người dân. Đặc biệt, cần tháo gỡ ngay sự chồng chéo ở nhiều tầng nấc trong chức năng quy hoạch, quản lý, nhất là lĩnh vực tài nguyên nước để giúp quản lý tốt tài nguyên nước và ứng phó BĐKH một cách đồng bộ, hiệu quả nhất.

Theo các nhà khoa học, ở ĐBSCL, xét về không gian có thể chia 2 vùng chính: vùng ảnh hưởng ngập lũ (Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp và Long An) và ảnh hưởng của triều cường (Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau); một số tỉnh, thành bị ảnh hưởng của 2 yếu tố trên như: Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long và Tiền Giang. Hiện có khoảng 1,9 triệu ha đất tại ĐBSCL bị ảnh hưởng lũ, có từ 1,2-1,4 ha đất bị chua, phèn tại các vùng trũng và có khoảng 2,1 ha đất tại các địa phương ven biển có khả năng bị thiếu nước ngọt. Thời gian qua, sản xuất lúa, nhất là trong vụ hè thu và thu đông tại ĐBSCL tăng nhanh trong các vùng lũ và vùng ven biển, trong khi các quy hoạch và hệ thống công trình kiểm soát lũ và mặn chưa hoàn chỉnh khiến nhiều diện tích lúa có nguy cơ bị thiệt hại do lũ và ảnh hưởng mặn, thiếu nước tưới, chi phí sản xuất tăng cao. Từ thực tế đó, cần phải kịp thời quy hoạch lại cơ cấu cây trồng, mùa vụ sản xuất gắn với các vùng sản xuất cho phù hợp với tình hình khan hiếm nguồn nước ngọt.

Ông Nguyễn Trọng Uyên, Phân Viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp Miền Nam, cho rằng: "Cần tập trung nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng ĐBSCL. Trong đó, giảm diện tích sản xuất lúa 3 vụ, tăng diện tích lúa-màu hay lúa tôm và diện tích rau màu chuyên canh, cây công nghiệp lâu năm, cây ăn trái, chú ý phát triển các loại vật nuôi". Ông Nguyễn Trọng Uyên cũng đề nghị, tới đây, cần giảm và ổn định quỹ đất chuyên dung trồng lúa khoảng 1,7 triệu ha, chuyển đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác, tăng diện tích luân canh lúa-màu (bắp, đậu nành, rau, đậu…) lên 185-200 ngàn ha và lúa –thủy sản (cá-lúa vùng nước ngọt, tôm-lúa vùng nước mặn lợ ven biển) lên 240-300 ngàn ha; tăng đất lâm nghiệp lên khoảng 330 nghìn ha, tăng đất nuôi thủy sản lên khoảng 542 ngàn ha…

Hạn hán, xâm nhập mặn và BĐKH cũng như tình trạng khan hiếm nguồn nước, suy giảm chất lượng tài nguyên đất là những khó khăn, thách thức hiện hữu tại ĐBCSL. Tại hội nghị, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, ngoài các giải pháp đồng bộ của của Chính phủ Việt Nam, rất cần có sự tham gia của 6 quốc gia chung dòng sông Mê Công để tăng cường công tác điều phối, giám sát hoạt động khai thác, đảm bảo an ninh nguồn nước.

Khánh Trung

Thu hoạch dâu Hạ Châu ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh: Những thách thức đặt ra cho vùng là hết sức to lớn và đáng lo, nhất là việc hạ thấp mực nước sông, sử dụng quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên, suy giảm rừng ngập mặn... Hướng tới, các cấp, các ngành và các địa phương ĐBSCL cần quan tâm công tác ứng phó biến đổi khí hậu, có giải pháp và hành động kịp thời. Cần khắc phục tình trạng khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng không mở rộng diện tích mà tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích; phục hồi rừng ngập mặn; chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm dòng sông và kênh rạch; đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, chú ý phát huy lợi thế từng vùng sinh thái. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nước cho vùng đồng bằng, có các giải pháp sử dụng nước hết sức hiệu quả...

Chia sẻ bài viết