27/04/2012 - 20:28

Ông Nguyễn Văn Dược, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản TP Cần Thơ (CaREA):

Cần phối hợp để khơi thông thị trường bất động sản

Hơn nửa tháng sau khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố mở van tín dụng bất động sản (BĐS), nhiều doanh nghiệp BĐS trên địa bàn TP Cần Thơ cho biết vẫn chưa thể tiếp cận được vốn tín dụng, trong khi thị trường vẫn tiếp tục trầm lắng. Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Dược, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản TP Cần Thơ (CaREA). Ông cho biết:

- Trước tình hình khó khăn, trầm lắng của thị trường BĐS, Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ sẽ tiếp tục có ý kiến và kiến nghị đề ra giải pháp khơi thông thị trường. Trong các giải pháp đưa ra, CaREA kiến nghị cần có biện pháp tổng thể để giảm giá BĐS, vẫn đang ở mức cao so với mặt bằng khu vực. Riêng về vốn, thực hiện ngay chủ trương của Chính phủ về giảm lãi suất cho vay ở mức 14 - 16%/năm. Có lộ trình cụ thể đưa lãi suất cho vay trở về mức 11 - 12%/năm như trước đây để nền kinh tế và thị trường BĐS phát triển bình thường, ổn định. Thực tế thời gian qua cho thấy khi lãi suất tăng lên, ngân hàng ngay lập tức yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh tăng lãi suất vay, nhưng khi lãi suất huy động giảm, ngân hàng lại cho rằng phải có thời gian “xem xét” mới giảm lãi suất cho vay được. Đây là điều bất hợp lý cho chủ đầu tư dự án BĐS và cả khách hàng có nhu cầu nhà ở đã vay mua BĐS trước đây, do đó cần phải sớm tháo gỡ bất cập này.

Ngoài ra, CaREA cũng đề xuất các bộ, ngành Trung ương cần xem xét việc thu tiền sử dụng đất các dự án BĐS. Bởi theo các quy định hiện hành, doanh nghiệp vừa phải bồi thường giải phóng mặt bằng (mua đất của dân theo giá thị trường) vừa phải nộp tiền sử dụng đất (mua lại một lần nữa) của Nhà nước. Điều này góp phần đẩy mặt bằng giá BĐS lên cao so với các nước trong khu vực. Chính phủ cần xem xét có chủ trương cho DN tiếp cận nguồn vốn dài hạn mua máy móc, thiết bị và đầu tư kinh doanh BĐS (3-5 năm), vì vay ngắn hạn 1 năm để đầu tư dài hạn không phù hợp.

* Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường BĐS, CaREA có đề xuất gì đối với các doanh nghiệp BĐS TP Cần Thơ, thưa ông?

Thị trường địa ốc TP Cần Thơ kỳ vọng sẽ được nhiều khách hàng, nhà đầu tư biết đến nhiều hơn từ lễ hội tháng tư này.

- TP Cần Thơ đang tưng bừng diễn ra Triển lãm - Hội chợ thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển vùng ĐBSCL thu hút người dân, các thành phần kinh tế đến tham quan tìm hiểu về những thành tựu, tiềm năng kinh tế của ĐBSCL nói chung. Nhưng quan trọng hơn là lễ hội này diễn ra trên đất TP Cần Thơ - tại khu đô thị mới Nam Cần Thơ, nơi có hàng chục dự án khu dân cư, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đang đầu tư từng bước hoàn chỉnh và là khu đô thị mới có quy mô lớn nhất vùng ĐBSCL. Đây là cơ hội lớn để các nhà đầu tư dự án BĐS nói chung giới thiệu dự án khu dân cư, dự án nhà ở cao tầng, các khu đa chức năng... để nhà đầu tư, khách tham quan tìm hiểu kỹ hơn các dự án BĐS trên địa bàn thành phố. Các nhà đầu tư BĐS cần tận dụng cơ hội này để giới thiệu sản phẩm đến khách hàng, nếu không giao dịch được ngay, thì cũng tạo dấu ấn trong lòng nhà đầu tư thứ cấp, bạn bè, khách tham quan, khi có điều kiện thuận lợi sẽ quay lại vùng đất này đầu tư.

Tuy nhiên, về lâu dài, các doanh nghiệp BĐS cần phải tính đến các chính sách khuyến mãi, ưu đãi lãi suất vay cho khách hàng hay bán trả góp trực tiếp (lãi suất thấp), hậu mãi tốt nhất có thể, để giữ chân khách hàng. Ngoài ra, các chủ đầu tư cũng sớm hoàn tất các thủ tục pháp lý để khách hàng an tâm khi giao dịch và cũng có thể lấy “giấy đỏ” để thế chấp vay ngân hàng khi có nhu cầu sử dụng vốn...

* Vậy thị trường BĐS tại Cần Thơ sẽ sớm “ấm lại”, thưa ông?

- Có thể nói, giá BĐS đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua và là cơ hội tốt cho người có nhu cầu mua nhà để ở. Tuy nhiên, đối với những khách hàng có nhu cầu nhà ở thì phần lớn họ chỉ tích lũy được 40%-50% giá trị căn hộ. Do đó, họ rất cần ngân hàng hỗ trợ vốn. Nhưng nếu lãi suất cho vay của ngân hàng không giảm nhiều trong thời gian tới, sẽ rất khó so với thu nhập của người làm công ăn lương, trong khi đây chính là phân khúc lớn nhất của thị trường BĐS. Như đã nói, khó khăn lớn nhất của thị trường BĐS hiện nay chính là thanh khoản kém, do đó, muốn “cứu” BĐS trước hết phải tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu về nhà ở vay được vốn với lãi suất chấp nhận được để mua nhà. Đó chính là lãi suất cho vay cần phải giảm mạnh hơn để khuyến khích người dân và họ an tâm mua nhà, đất, chứ không nên để người mua BĐS trong tâm trạng vay mà thấp thỏm lo lãi suất tăng bất thường như thời gian qua. Dự báo của CaREA, thị trường BĐS Cần Thơ từ nay đến cuối năm vẫn còn tiếp tục khó khăn. Đặc biệt là đầu ra của thị trường BĐS liên quan đến bài toán vốn, tính thanh khoản, số lượng nhà, đất đang tồn đọng trên thị trường hiện nay...

* Xin cảm ơn ông.

THIỆN KHIÊM (thực hiện)

Chia sẻ bài viết