02/11/2018 - 08:48

Cần phát huy vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay

Trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, một trong những bài học kinh nghiệm hàng đầu được rút ra là thành công chỉ có được khi người dân tin tưởng, hưởng ứng các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước cũng như tích cực đóng góp trí tuệ, công sức trong xây dựng nông thôn về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Do đó, thời gian tới, cần tiếp tục khơi dậy mọi tiềm năng và phát huy vai trò chủ thể của người nông dân trên khắp mọi miền Tổ quốc trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Chủ thể phát triển kinh tế và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn

Phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời có vai trò to lớn, vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa X, ngày 05-8-2008 về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 04-6-2010, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 đề ra mục tiêu xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn thì nông dân chính là chủ thể của quá trình xây dựng và phát triển nông thôn mới, Nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành tiêu chí và đề ra các chính sách, cơ chế giúp người dân thực hiện có hiệu quả. Thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở nước ta thời gian qua cho thấy, ở địa phương nào huy động được càng nhiều trí tuệ, công sức của người dân xây dựng nông thôn mới thì địa phương đó càng sớm thực hiện được các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới và ngược lại.

Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là chương trình mang tính tổng hợp, sâu rộng và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, an ninh - quốc phòng. Trong 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, tiêu chí về nâng cao thu nhập cho người dân được các cấp, ngành, địa phương coi trọng và xem đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của quá trình xây dựng nông thôn mới. Vì thế, việc người dân lựa chọn ngành nghề, sản xuất kinh doanh để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống không chỉ có ý nghĩa với riêng hộ gia đình mình mà còn góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên cả nước.

Để có nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao thì phải tiến hành dồn điền, đổi thửa để cơ giới hóa trong sản xuất. Điều này không chỉ thay đổi cách thức sản xuất của người dân mà còn liên quan quyền lợi kinh tế của nhiều hộ nông dân. Vì vậy, chỉ có phát huy vai trò chủ thể, tính tự giác, tự nguyện của người dân, công tác dồn điền, đổi thửa mới diễn ra thuận lợi. Bên cạnh đó, để nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, người nông dân phải tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Do vậy, trên cơ sở sự hướng dẫn cách thức tổ chức các mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao của Nhà nước và chính quyền địa phương, người nông dân chính là những chủ thể tham gia các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức và trực tiếp áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật đó vào sản xuất. 

Những năm gần đây, nhờ áp dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật, nông dân nước ta đã sản xuất ra số lượng nông sản ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Qua đó, người nông dân có điều kiện nâng cao thu nhập, tích lũy vật chất, ổn định cuộc sống và góp phần làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, tạo cơ sở cho việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Nhờ vậy, nền nông nghiệp nước ta vượt qua nhiều khó khăn để đạt mức tăng trưởng khá nhanh và ổn định trong một thời gian dài, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực. Cả giai đoạn 2011 - 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 140,6 tỷ USD, bình quân tăng 9%/năm. So với năm 2010, tổng kim ngạch đã tăng từ 19,5 tỷ USD lên 30,38 tỷ USD năm 2014 và 30,14 tỷ USD năm 2015 (tăng 54,6%). Năm 2017, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự phục hồi đáng kể với mức tăng 2,90% (cao hơn mức tăng 1,36% của năm 2016). Trong 6 tháng đầu năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012 - 2018, trong đó ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 3,28%.

Thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở nước ta cho thấy nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, thu hút được đông đảo hội viên, nông dân tham gia, như mô hình các hộ gia đình chăn nuôi hợp tác với nhau thông qua tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, câu lạc bộ cùng sở thích (THT-TLK-CLB) (các thành viên được tập huấn kỹ thuật và chia sẻ, hỗ trợ nhau về kiến thức, kinh nghiệm, ký hợp đồng với doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, tiến hành phòng chống dịch bệnh ngay từ khi thả con giống; ký hợp đồng dài hạn với các nhà hàng, thương lái, bảo đảm sản phẩm làm ra được tiêu thụ ổn định, tạo thành thương hiệu tập thể và có uy tín trên thị trường); mô hình hợp tác xã chuyên sản xuất các loại nấm ăn và nấm dược liệu (với mức lãi khoảng 30 - 50 triệu đồng/thành viên/năm); mô hình trang trại, gia trại hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp… Hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã phi nông nghiệp, hợp tác xã tổng hợp được chú trọng củng cố, phát triển, thu hút sự tham gia đông đảo của người nông dân. Hoạt động này đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, tạo thu nhập, việc làm, bảo vệ môi trường nông thôn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhiều hợp tác xã đã tích cực đầu tư theo chiều sâu, tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, đa dạng về hình thức hoạt động, phát huy tốt năng lực lợi thế, đẩy mạnh liên doanh liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân; qua đó nâng cao thu nhập của các xã viên (từ 120 - 150 triệu đồng/hộ/năm), góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. 

Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới được người nông dân trên cả nước tích cực tham gia hưởng ứng. Nông dân không chỉ là chủ thể phát triển kinh tế nông thôn mà còn đóng góp nhiều trí tuệ, công sức vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn. Với nhiều hình thức hoạt động phong phú, nông dân các địa phương đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng, hàng triệu ngày công, hiến nhiều diện tích đất để làm mới, sửa chữa và nâng cấp đường giao thông liên thôn, các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn điện, đường, trường, trạm, thủy nông nội đồng…; chỉnh trang, xây mới được nhà cửa... Nhiều thôn, làng trên toàn quốc đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, trạm bơm và nhà văn hóa... tạo nên một diện mạo mới cho các làng quê trong thời kỳ đổi mới. Đồng thời, người nông dân cũng chính là người giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo hệ thống đường sá, các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn.

Chủ thể xây dựng đời sống văn hóa - xã hội ở nông thôn

Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 đề ra mục tiêu xây dựng nông thôn nước ta trở nên văn minh, tiên tiến hiện đại nhưng mang đậm bản sắc văn hóa và nét đẹp truyền thống của nông thôn Việt Nam. Như vậy, bên cạnh các tiêu chí về quy hoạch nông thôn, về thu nhập, kết cấu hạ tầng, giáo dục, môi trường… thì việc giữ gìn những giá trị văn hóa cũng là một nội dung quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, nhằm xây dựng một đời sống văn hóa tinh thần tốt đẹp ở các vùng nông thôn. Và không ai khác, người nông dân cũng chính là chủ thể của hoạt động này. Chỉ khi nào khơi dậy được tính tích cực, nhiệt tình tham gia của quần chúng thì những hoạt động trên mới mang lại những hiệu quả thiết thực. 

Hiện nay, trước tác động của kinh tế thị trường, tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc ta, nhất là các giá trị văn hóa làng xã được lưu giữ ở các làng quê Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức to lớn. Điều này đòi hỏi người nông dân hơn lúc nào hết, cần không ngừng phát huy vai trò chủ thể của mình trong việc gìn giữ, sáng tạo và phát huy các giá trị văn hóa thể hiện ở những lễ hội, phong tục, tập quán, lối sống, quan hệ ứng xử giữa con người với con người, cách tư duy, hoạt động văn hóa - nghệ thuật...; qua đó, củng cố thêm khối đoàn kết toàn dân, tình nghĩa xóm làng, tạo cơ sở cho việc người dân giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xóm, làng văn hóa. 

Thời gian qua, nông dân trên cả nước đã và đang tích cực thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa, tham gia xây dựng làng, xã văn hóa; thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội… Phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, được đông đảo cán bộ, hội viên nông dân hưởng ứng. Nhiều tấm gương người tốt, việc tốt trong thực hiện phong trào, gia đình và làng xóm văn hóa đã được tuyên dương và nhân rộng; qua đó, giúp cho bà con nông dân các địa phương nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về ý nghĩa và tác dụng thiết thực của phong trào; thấy rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Cùng với đó, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo nếp sống văn minh, lành mạnh, tiết kiệm đã dần đi vào nền nếp, phù hợp với phong tục tập quán và truyền thống văn hóa của dân tộc. Ở nhiều địa phương trên cả nước, các hội viên Hội Nông dân còn triển khai mô hình “lắp đặt đèn đường phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội” tại một số xã; “xây dựng hành lang giao thông thông thoáng, mỗi nhà làm hàng rào cây xanh, cột cờ thẳng tắp”, mô hình “tổ cất nhà từ thiện”, mô hình “ấp tự quản về môi trường”, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, hội viên và nông dân không vi phạm pháp luật và các loại tệ nạn xã hội, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương; chủ động, tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh sạch đẹp, trồng cây xanh lấy bóng mát; phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh hoạt động khuyến học khuyến tài,… Người nông dân còn trực tiếp tham gia đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân. 

Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015, cả nước có 6.098/11.161 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể dục, thể thao (chiếm tỷ lệ 54,6%, trong đó có 30% đạt tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); có 29.402 sân thể thao phổ thông, 1.311 phòng tập hoặc nhà tập, 510 hồ bơi hoặc bể bơi, 37.760 sân tập từng môn được đưa vào sử dụng; có 68.470/118.200 thôn, làng, ấp, bản có nhà văn hóa, khu thể thao thôn (đạt tỷ lệ khoảng 57,9%, trong đó có 47% đạt tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn cả nước đã đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động, cơ sở vật chất được tăng cường, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân được nâng lên; có sự gắn kết ngày càng cao giữa Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần khơi dậy niềm tin, sự thi đua sáng tạo trong từng thôn, xóm và mỗi người nông dân, phát huy vai trò tự quản, ý thức chủ động, tích cực của cộng đồng, ý thức tự giác, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện tốt các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Từ những kết quả đạt được cũng cho thấy, nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về xây dựng nông thôn mới, phát triển văn hóa nông thôn vẫn chưa đầy đủ, còn tâm lý thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; ở một số địa phương, vai trò chủ thể của người nông dân chưa thực sự được phát huy. Nhiều công trình được xây dựng lãng phí, chạy theo phong trào, không khai thác hiệu quả. Thực tế cho thấy nhiều gia đình đạt chuẩn văn hóa nhưng vẫn còn nạn bạo hành gia đình, các tệ nạn xã hội như nghiện ma túy, đánh bạc, gây mất trật tự an ninh vẫn còn xảy ra. Mặt trái của kinh tế thị trường, của quá trình công nghiệp hóa nông thôn đã có những tác động không nhỏ tới văn hóa làng xã, tới từng gia đình ở nông thôn Việt Nam, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đáng đứng trước nguy cơ mai một, tình làng nghĩa xóm phai nhạt… 

Tiếp tục phát huy vai trò của người nông dân trong xây dựng nông thôn mới

Thời gian tới, để đạt được mục tiêu năm 2020, số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trên cả nước đạt khoảng 50%; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí; đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được nâng cao, các cấp ủy, chính quyền và toàn dân cần chung tay thực hiện đồng bộ các giải pháp để không ngừng phát huy vai trò chủ thể của người nông dân - nhân tố bảo đảm sự thành công trong xây dựng nông thôn mới, cụ thể là:

Thứ nhất, đẩy mạnh các hoạt động thông tin truyền thông, vận động để nâng cao hơn nữa nhận thức của người nông dân về vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới (người dân vừa là người thực hiện vừa là người thụ hưởng), về mục tiêu và ý nghĩa của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển nông thôn toàn diện, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của chính người dân nông thôn. Do đó, cần khơi dậy ở người dân tinh thần chủ động, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Thứ hai, đổi mới hoàn thiện chính sách đối với nông dân, phát huy dân chủ và mọi tiềm năng của nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Thực hiện có hiệu quả giữa chính sách kinh tế, chính sách xã hội, an sinh xã hội trong quá trình phát triển, bảo đảm tính bền vững. Giải quyết tốt những bức xúc trong nhân dân trong quá trình công nghiệp hóa nông thôn, bảo đảm lợi ích cho người nông dân. Tạo điều kiện để nhân dân tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. 

Thứ ba, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở nông thôn. Giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Tăng cường hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền cơ sở. Củng cố tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là Hội Nông dân. Nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức địa phương. Cán bộ chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương phải gương mẫu trong việc đóng góp tiền của, ngày công trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời phải huy động sức dân một cách vừa phải, từng bước, phù hợp với điều kiện từng hộ gia đình, tránh tình trạng áp đặt hay nóng vội.

Thứ tư, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao dân trí cũng như chất lượng đời sống văn hóa - xã hội trên địa bàn nông thôn cả nước. Tích cực đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức cho nông dân, nhất là những tiến bộ khoa học - kỹ thuật để người nông dân có thể tự mình sản xuất, kinh doanh trên chính quê hương mình, “ly nông bất ly hương”, đặc biệt những hộ nông dân mất đất do phát triển công nghiệp và đô thị hóa.

Thứ năm, tiếp tục tổ chức và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; “phong trào sản xuất kinh doanh giỏi”, “chung sức xây dựng nông thôn mới” với các hình thức hiệu quả. Đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, với chất lượng cao hơn, toàn diện hơn, thu hút được đông đảo nhân dân tham gia hơn. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra các nội dung xây dựng đời sống văn hóa ở từng địa phương. Tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới. 

Thứ sáu, nâng cao chất lượng và hiệu quả các thiết chế văn hóa, khuyến khích, động viên các lực lượng tham gia, kịp thời phê phán các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới lành mạnh, bảo vệ thuần phong mĩ tục ở nông thôn. Tăng cường xã hội hóa, quán triệt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để huy động mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục. Xây dựng môi trường văn hóa, đội ngũ cán bộ văn hóa thông tin cơ sở,… thực hiện dân chủ hoá đời sống tinh thần ở nông thôn. Duy trì thường xuyên các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao. Quản lý khai thác tốt các thiết chế văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng và hiệu quả khám chữa bệnh cho nhân dân, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái xanh - sạch - đẹp, hiện đại giữ vững an ninh trật tự và an toàn xã hội ở nông thôn.

Theo Tạp chí Cộng sản

Chia sẻ bài viết