13/12/2012 - 20:38

Cần nhà quản lý tâm huyết…

Khóm VietGAP ở Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

Làm sao để phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng và bền vững đã được đặt ra nhiều năm nay. Đây là xu hướng tất yếu giúp ngành nông nghiệp tồn tại trong hội nhập kinh tế quốc tế. Nhưng trên thực tế, nhiều mô hình sản xuất theo GAP, Global GAP, VietGAP đang có dấu hiệu xuống dốc, nông dân tham gia mô hình không mặn mà vì đầu ra sản phẩm không khác biệt so với phương thức sản xuất truyền thống.

Tại Diễn đàn hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (MDEC-Tiền Giang 2012) vừa qua, vấn đề này một lần nữa được đặt lên bàn nghị sự. "Không khởi đầu thì không bao giờ có sự thay đổi"- PGS.TS Võ Thị Thanh Lộc (Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL - Trường Đại học Cần Thơ) khẳng định như thế khi đề cập đến xây dựng phát triển nông sản theo chất lượng và bền vững. Bởi không có nông sản chất lượng, làm gì có nền nông nghiệp bền vững.

Thực tế nhiều năm qua, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã xây dựng mô hình sản xuất GlobalGAP, VietGAP, an toàn trên cây ăn trái, lúa, thủy sản. Nhiều mô hình trong số đó được cấp chứng nhận nhưng rồi bị "chết" sau đó không lâu. Nông dân lần lượt xin ra khỏi mô hình, do hiệu quả kém và lòng tin giảm. Điển hình là mô hình GlobalGAP của Hợp tác xã vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đạt chứng nhận GlobalGAP đầu tiên ở khu vực ĐBSCL, ai cũng nghĩ đến viễn cảnh xán lạn cho một loại trái cây đặc sản của Tiền Giang. Song, chưa đầy 5 năm sau mô hình đã "tan đàn xẻ nghé". Mô hình lúa đạt tiêu chuẩn Global GAP của HTX Mỹ Thành (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) được xem là mô hình kiểu mẫu của khu vực và cả nước nhưng giờ cũng đang bên bờ vực thẳm. Có nhiều lý giải biện minh cho sự thất bại của các mô hình như: đầu ra không có, trình độ nông dân thấp, hợp tác xã còn yếu kém…Rồi nhiều giải pháp khắc phục được đưa ra, nhưng chưa đột phá được gì. Vấn đề là quyết tâm của những nhà thực hiện mô hình (4 nhà). GS.TS. Võ Tòng Xuân cho rằng: nông nghiệp bền vững cần chọn một biện pháp sản xuất để cây trồng, vật nuôi đều có lãi mỗi năm, chất lượng nguồn nước và đất đai được duy trì tốt để thế hệ con cháu chúng ta tiếp tục hưởng cái lợi này, nếu chỉ khai thác vài năm rồi đất đai trở nên cằn cỗi và môi trường bị hủy hoại sẽ không bền vững.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, nhắc lại rất nhiều lần vấn đề: "Sản xuất nông sản GAP là xu hướng tất yếu, là con đường phải đi và không có cách nào khác. Nhưng phải đi vào thực chất, không chỉ là phong trào". Thực tế, việc xây dựng nền nông nghiệp theo hướng an toàn và bền vững hiện nay có vẻ ngược lại, hầu hết mô hình thực hiện chỉ chú trọng được chứng nhận mà chưa đi vào thực chất. Một thời gian dài, nhiều tỉnh, thành đua nhau đưa loại trái cây đặc sản của tỉnh mình được chứng nhận GAP. Nhưng chứng nhận xong thì mô hình phát triển cầm chừng đến khi tái chứng nhận lại phản ánh thiếu kinh phí.

Một chuyên gia trong lĩnh vực cây ăn trái bày tỏ nỗi thất vọng khi mô hình vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đạt chứng nhận GlobalGAP không có vùng chuyên canh tập trung, nhà đóng gói cũng chỉ xây để đủ các yếu tố đạt chứng nhận. Chuyên gia này kể: "Trong lần hướng dẫn một đại diện của Hoa Kỳ đến đặt mã vườn cho mô hình chôm chôm xuất khẩu qua Mỹ, vị đại diện này buột miệng nói: "Mô hình 20 ha mà xuất khẩu cái gì". Trở lại câu chuyện xây dựng, phát triển nền nông nghiệp chất lượng và bền vững, người dân mong rằng: "đừng đánh trống bỏ dùi, người dân sẽ làm theo nếu những nhà quản lý có tâm huyết và đầu tư bài bản cho mô hình...".

Bài, ảnh: KHẢI CA

Chia sẻ bài viết