21/09/2008 - 09:24

Kts Trần Kiều Định, Chủ tịch Hội KTS TP Cần Thơ:

Cần nghiên cứu chuyên sân để khắc phục tình trạng ngập nước trong đô thị

 

Hàng năm, cứ mỗi mùa mưa đến hoặc khi triều cường dâng cao là khu vực trung tâm TP Cần Thơ lại bị ngập và tình trạng này ngày càng xảy ra trên diện rộng, kéo dài hơn. Là người rất trăn trở với vấn đề này và luôn quan tâm với diện mạo đô thị thành phố trong nhiều năm qua, Kiến trúc sư (KTS) Trần Kiều Định (ảnh), Chủ tịch Hội KTS thành phố tâm sự: “Nhiều lần khi trời mưa dứt, tôi lại đi lòng vòng quan sát xem nước ngập có nhiều không, người dân sinh hoạt khó khăn ra sao?”.

* Ông có thể chỉ ra những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng ngập nước tại nội ô TP Cần Thơ khi trời mưa hoặc khi có triều cường?

- Theo tôi có rất nhiều nguyên nhân khiến đô thị TP Cần Thơ bị ngập nước, tuy nhiên cần phải phân ra từng nhóm nguyên nhân khác nhau. Có thể nói tổng lượng nước mưa với nước thủy triều và nước thải của đô thị đã quá khả năng tiêu thoát của hệ thống thoát nước tự nhiên và nhân tạo, cộng với khả năng tự thấm của đất kém gây ra ngập. Nên nhớ đất của khu vực chúng ta là đất “ngậm” nước, nên khả năng rút nước là rất ít. Thế nhưng, việc tìm ra nguyên nhân ngập nước phải nhìn trên toàn thể các đô thị lớn nhỏ của thành phố và trên từng lưu vực thoát nước tự nhiên hoặc nhân tạo trong mỗi một đô thị đó.

* Thời gian qua, có nhiều con hẻm, tuyến đường nội ô tuy đã được lắp đặt hệ thống thoát nước nhưng vẫn bị ngập sâu và kéo dài. Lý giải về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Một tuyến đường nội ô của TP Cần Thơ chìm trong nước chỉ sau 1 cơn mưa. Ảnh: TRUNG DÂN 

- Chúng ta cảm nhận được riêng trong địa phận quận Ninh Kiều mùa mưa này ngập nước nặng, kéo dài và xảy ra ở nhiều nơi hơn vài năm vừa qua. Việc này cần có khảo sát cụ thể trên địa bàn và trên từng lưu vực thoát nước mới xác định rõ được. Có thể nói khái quát rằng: giả định lượng mưa, nước thủy triều, khả năng thấm nước của đất là không thay đổi thì do mật độ cư trú, mật độ xây dựng tăng cao, trong khi khả năng thoát nước không tăng, mà còn bị giảm do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân chúng ta chú ý nhiều đến xây dựng công trình trên mặt đất mà thiếu lưu tâm đến xây dựng, nâng cao khả năng thoát nước như khơi thông dòng chảy của thiên nhiên, của cống rãnh và xây dựng thêm cống thoát nước. Đô thị có thể hình dung như là một mặt phẳng, đổ nước vào thì nước sẽ chảy đến những chỗ thấp. Nếu ngập chỗ nào nâng chỗ đó thì những khu vực trũng sẽ lãnh hậu quả, do đó đô thị cần có độ nghiêng thích hợp.

* Theo ông, làm cách nào để chống ngập cho thành phố, những giải pháp ngắn hạn và dài hạn cần phải làm là gì?

- Chắc hẳn là phải bàn thảo sâu rộng về các nguyên nhân gây ra ngập nước đô thị trên từng lưu vực thoát nước tự nhiên và trên toàn thể từng đô thị của thành phố để đi đến những giải pháp chống ngập. Chắc chắn khi đó chúng ta sẽ có nhiều giải pháp chống ngập, từ đó, lựa chọn trong sức tự lực của mình rồi mới đến các giải pháp phải vay mượn kỹ thuật và tài chính. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra tại đô thị, theo tôi không đến nỗi chúng ta cần phải vay mượn mới giải quyết được. Chống ngập nước cần phải có sự phối hợp liên ngành mà UBND thành phố phải là đơn vị chủ trì. Cần thành lập tổ, hoặc ban nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề ngập nước trong đô thị, tổ nghiên cứu này sẽ đưa ra những chương trình hành động cụ thể để thực hiện. Trong vấn đề này, có lẽ việc làm vệ sinh và khơi thông dòng chảy trong toàn thể các đô thị của thành phố là việc cần làm trước tiên. Người dân sống trong đô thị cũng phải chung tay cùng chống ngập, chẳng hạn như việc không xả rác bừa bãi gây nghẹt cống dẫn đến vấn nạn trên.

* Tình trạng ngập nước có ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố không, thưa ông?

- Ai cũng mong muốn nạn ngập nước trong đô thị ngày càng giảm đi để không gây xáo trộn cuộc sống của mọi người, môi trường đô thị ít mầm bệnh... Khi đưa ra các chỉ tiêu phát triển kinh tế để phấn đấu hàng năm thì chúng ta chỉ đưa về chỉ tiêu phát triển thương mại- dịch vụ, công nghiệp... chứ ít ai quan tâm đến chỉ tiêu hạn chế ngập nước trong đô thị. Thế nhưng, tình trạng thành phố ngập nước ngoài việc đô thị mất vệ sinh, mất mỹ quan còn trì kéo sức phát triển kinh tế, mà việc trì kéo này chúng ta chưa thống kê được.

* Xin cảm ơn ông!

TRUNG DÂN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết