05/06/2016 - 15:19

Cần hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa

Vụ lúa hè thu 2016, trên địa bàn TP Cần Thơ xuống giống hơn hơn 77.828 ha lúa. Song, nông dân sản xuất lúa trong vụ hè thu năm nay không chỉ đối mặt với khó khăn do nắng hạn nghiêm trọng hồi đầu vụ mà đến nay bước vào thu hoạch lúa nỗi lo càng lớn khi mưa lớn kéo dài. Nhiều trà lúa chín bị mưa gió làm đổ ngã, ngập nước, do chưa chủ động trong khâu thu hoạch nên nhiều nông dân đành bất lực nhìn lúa bị phơi mưa, nảy mầm ngay trên đồng.

Nông dân rơi vào thế bị động

Vụ hè thu năm nay, nhiều nông dân khá phấn khởi do lúa đạt năng suất khá và được thương lái đến đặt cọc mua lúa trước ngày thu hoạch khoảng 2-3 tuần, với giá khá cao từ 4.600-5.100 đồng/kg. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi vào "phút chót" khi mùa mưa 2016 bắt đầu. Những hộ dân có lúa thu hoạch sớm, không gặp phải mưa đầu mùa liên tục trong hơn 1 tuần qua đã được hưởng niềm vui "trúng mùa, được giá", nhưng cũng có nhiều trường hợp hộ dân rơi vào tình cảnh rất khó khăn do lúa không được thu hoạch và tiêu thụ kịp thời.

Thu hoạch lúa ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Bà Lâm Thị Trúc Ly, ngụ ấp Định Khánh B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, cho biết: "Cách nay 3 tuần, 7 công lúa của gia đình tôi đã được thương lái đến đặt mua lúa tươi ngay khi còn trên đồng ở mức 4.650 đồng/kg và đã đặt cọc 1 triệu đồng để làm tin. Song, đến ngày thu hoạch, mưa lớn kéo dài, gọi điện cho thương lái thì họ bảo chờ thêm một vài ngày, sau đó bặt tin luôn, họ bảo không thu mua vì giá lúa trên thị trường giảm mạnh. Do không có nhân công và phương tiện phơi sấy lúa nên gia đình không dám kêu máy thu hoạch lúa, đành để lúa đổ ngã phơi mưa trên đồng và tập trung chạy đi tìm mối khác để bán. Đến ngày 1-6 cũng có người đến mua lúa với giá 3.900 đồng/kg; tính ra, mỗi ký lúa bị mất hơn 750 đồng/kg, mà lúa bị đổ rụng nhiều do đã quá ngày thu hoạch". Còn ông Lê Văn Xây cũng cho biết: "Thương lái đã đặt cọc mua 9 công lúa của tôi với giá 4.700 đồng/kg nhưng đến ngày thu hoạch họ bỏ luôn tiền cọc, dù tôi đã điện thoại năn nỉ hết lời. Phải chi họ chịu đến thương lượng hạ giá xuống, tôi cũng đồng ý, chấp nhận 2 bên cùng chia sẻ khó khăn. Quá nóng ruột với tình trạng lúa bị mọc mầm trên đồng, tôi phải kêu máy đến cắt và huy động toàn bộ nhân công trong gia đình đem lúa về nhà phơi. Tuy nhiên, việc phơi lúa không dễ dàng bởi những ngày qua trời tiếp tục mưa bất chợt và không theo một thời điểm nhất định nào trong ngày".

Trong vụ hè thu này, 5,5 công lúa của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn ngụ khu vực Bình An, phường Phước Thới, quận Ô Môn cũng bị thiệt hại hơn 30% về năng suất và sản lượng. Vụ hè thu năm trước, mỗi công lúa có thể đạt năng suất khoảng 900 kg, nhưng vụ này chỉ đạt gần 600 kg do lúa bị lên mộng và thất thoát. Ông Sơn cho biết: "Lúa của tôi lẽ ra phải thu hoạch hồi 23-5 nhưng do phải chờ máy gặt đập liên hợp và chờ thương lái nên mãi đến ngày 1-6 mới được cắt. Lúa nằm rạp đất và đã nẩy mầm lên xanh hết, nên thất thoát rất lớn". Tương tự ông Lê Tấn Hào có 14 công lúa phải thu hoạch vào thời điểm 22 và 23-5, song mưa lớn và phải chờ thương lái đến ngày 1-6 mới thu hoạch, thiệt hại trên 30 % sản lượng. Dù lúc đầu thương lái đã đặt cọc mua lúa với giá 4.600 đồng/kg nhưng đến ngày cắt lúa, giá xuống còn 4.200 đồng/kg và ông phải thuyết phục thương lái đến thu mua. Giá thuê máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa cũng tăng từ 280.000 lên mức 380.000 đồng/công.

Cần có những điều chỉnh kịp thời

Những năm gần đây, phần lớn nông dân đều bán lúa tươi ngay tại ruộng cho thương lái sau thu hoạch. Điều này đã giúp nhà nông tiết kiệm được nhiều chi phí trong phơi sấy và bảo quản lúa, đồng thời chất lượng lúa gạo cũng được nâng lên nhờ việc phơi sấy lúa được thực hiện tốt hơn bởi các tiểu thương và doanh nghiệp. Đặc biệt, nhờ có các máy gặt đập liên hợp đã giúp nông dân rút ngắn được thời gian thu hoạch lúa và tiết kiệm chi phí. Các tháng mùa nắng, nhất là trong vụ lúa đông xuân hằng năm, đồng ruộng khô ráo, thuận lợi cho máy gặt đập vận hành và không lo lúa bị ướt nước nên việc tổ chức thu hoạch, tiêu thụ khá thuận lợi. Tuy nhiên, vụ hè thu và thu đông đòi hỏi việc tổ chức thu hoạch và tiêu thụ lúa của nông dân cần có sự điều chỉnh kịp thời để tránh thiệt hại.

Trên thực tế, hầu hết nông dân thỏa thuận bán lúa tươi cho thương lái chủ yếu bằng các "hợp đồng miệng", không có tính ràng buộc về pháp lý. Dù nông dân có nhận một khoảng tiền cọc của thương lái để làm tin, nhưng khoản tiền này khá ít, thường chỉ từ 150.000-300.000 đồng/công lúa nên khi giá lúa giảm mạnh hoặc khó tiêu thụ, thương lái sẵn sàng bỏ cọc để tránh bị thua lỗ nặng. Ông Nguyễn Văn Hạnh, tiểu thương kinh doanh lúa gạo ngụ ấp Định Mỹ, xã Định Môn, huyện Thới Lai, bộc bạch: "Vụ hè thu này, tôi đã đặt cọc tiền để thu mua trên 130 công lúa của nông dân tại địa phương vì có doanh nghiệp hợp đồng thu mua gạo lứt nguyên liệu với giá 6.900 đồng/kg. Tuy nhiên, thời điểm này doanh nghiệp đã "bẻ kèo" không chịu thu mua, còn nhiều doanh nghiệp khác chỉ mua gạo lứt nguyên liệu với giá khoảng 6.200 đồng/kg. Với giá như đã bỏ cọc ban đầu cho nông dân ở mức trên 4.600 đồng/kg, tiểu thương sẽ bị lỗ vốn nặng, thậm chí phá sản vì gạo không tiêu thụ được, nhất là khi chất lượng gạo bị sụt giảm do ảnh hưởng mưa. Hiện tôi phải thương lượng với nông dân để giảm giá thu mua xuống, nếu nông dân không chịu, tôi sẽ bỏ luôn tiền cọc". Theo ông Hạnh để giải quyết tốt bài toán tiêu thụ lúa của nông dân, vai trò của các doanh nghiệp rất quan trọng. Bởi thực tế tốc độ thu hoạch lúa nông dân tại nhiều nơi bị chậm, không chỉ do ảnh hưởng của mưa gió mà còn do doanh nghiệp chậm thu mua và giá mua thấp, khiến nhiều tiểu thương không dám đẩy mạnh hoạt động thu mua.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, vụ lúa hè thu 2016, nông dân đã xuống được hơn 77.828 ha lúa, đạt 100% kế hoạch. Qua thống kê, đã có hơn 6.500 ha có bị mưa gió làm đổ ngã, trong đó có hơn 4.000 ha lúa bị đổ ngã từ 30% trở lên. Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp TP Cần Thơ, cho biết: "Dự kiến lúa hè thu 2016 tại thành phố sẽ thu hoạch rộ trong khoảng 2 tuần nữa. Cùng với việc yêu cầu các địa phương quan tâm giúp nông dân chủ động các phương tiện, máy móc phục vụ thu hoạch lúa và tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, ngành nông nghiệp thành phố đang theo dõi sát tình hình thời tiết và diễn biến của giá lúa gạo để có các khuyến cáo kịp thời cho nông dân". Theo bà Nguyễn Thị Kiều, các ruộng lúa khi bị mưa làm ngập nước, nông dân cần lưu ý xả nước ra từ từ để tránh sức nước chảy mạnh làm lúa đổ ngã nặng thêm. Đồng thời, tiếp tục quan tâm thực hiện các biện pháp bón phân cân đối, cột đứng các chùm lúa bị đổ ngã, thu hoạch đúng tiến độ… để tránh thiệt hại.

Trong vụ hè thu 2016, nông dân trên địa bàn thành phố đã tham gia mô hình "cánh đồng lớn" với diện tích hơn 18.000 ha, trong đó có khoảng 50-60% diện tích có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Trong tình hình hiện nay, nông dân cần sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương để hỗ trợ việc thu hoạch lúa và thực hiện các hợp đồng bao tiêu được tốt, giúp nông dân có vụ mùa thắng lợi như mong muốn.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết