11/10/2013 - 22:33

GS.BS Ramesh B. Daggubati, Giám đốc Chương trình Tim mạch can thiệp của Đại học East California (Hoa Kỳ):

Cần hiểu đúng về can thiệp mạch vành

GS.BS Ramesh B. Daggubati.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chọn chủ đề của Ngày sức khỏe thế giới năm nay là "tăng huyết áp – bệnh tim mạch", vì bệnh lý tim mạch đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, so với các bệnh không lây nhiễm và lây nhiễm như: HIV/AIDS. Đây là căn bệnh gia tăng theo đà phát triển của đời sống công nghiệp, được điều trị bằng kỹ thuật can thiệp tim mạch. Để người bệnh hiểu rõ về bệnh lý mạch vành, tránh nguy cơ đột quỵ, GS.BS Ramesh B. Daggubati, Giám đốc Chương trình Tim mạch can thiệp của Đại học East California (Hoa Kỳ), chủ trì Hội thảo khoa học chuyên đề về Hội chứng mạch vành cấp do Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hoàn Mỹ Cửu Long vừa tổ chức, đã đưa ra những lời khuyên hữu ích:

Nguyên nhân và hậu quả

Tim là một bộ phận có chức năng bơm máu đến nuôi các cơ quan trong cơ thể. Sự làm việc liên tục, suốt ngày đêm của con người sẽ cần một lượng lớn năng lượng. Động mạch vành là các động mạch dẫn máu (chất dinh dưỡng, năng lượng) đến nuôi tim. Khi lòng động mạch vành bị hẹp đến một mức độ nào đó thì dòng máu đến nuôi tim sẽ không đủ và dẫn đến tình trạng thiếu máu cơ tim. Để giúp mọi người bệnh nhận biết nhanh sức khỏe tim mạch và dự đoán sớm nguy cơ mắc bệnh đột quỵ, các chuyên gia ở Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) vừa nghiên cứu và phát triển danh sách dự báo nhanh nguy cơ đột quỵ, có tên Life's Simple (LS7), gồm các yếu tố: Trọng lượng cơ thể, huyết áp, lượng đường huyết, cholesterol và thói quen hút thuốc lá. Tỷ lệ bệnh mạch vành sẽ tăng theo sự gia tăng của mỗi yếu tố.

Hẹp lòng động mạch vành sẽ gây ra tình trạng thiếu máu cơ tim, có thể kéo dài. Bệnh nhân sẽ bị cơn đau ngực, suy tim, rối loạn nhịp tim và nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cấp. Khi mảng xơ vữa trong lòng động mạch vành vỡ ra, sẽ làm bít tắc hoàn toàn động mạch vành và gây ra thiếu máu cơ tim cấp tính, nặng nề, hoại tử cơ tim – còn được gọi là nhồi máu cơ tim cấp. Tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim cấp rất cao. Trường hợp bệnh nhân qua được cơn nhồi máu cơ tim cấp có thể sẽ bị suy tim, rối loạn nhịp tim sau nhồi máu cơ tim. Chất lượng cuộc sống giảm sút, tuổi thọ bị rút ngắn.

Cần lưu ý triệu chứng bệnh mơ hồ

Triệu chứng thiếu máu cơ tim thường gặp nhất là đau thắt ngực. Đau khởi phát khi gắng sức, đau ở ngay sau xương ức, đau nhói, thắt chặt, lan ra vai trái, cánh tay, bàn tay trái. Đau giảm đi khi nghỉ dưỡng hoặc khi dùng thuốc giãn mạch. Nếu cơn đau xuất hiện lúc người bệnh đang nằm nghỉ hoặc cơn đau kéo dài trên 30 phút thì đó là triệu chứng bị nhồi máu cơ tim cấp. Tuy nhiên, có trường hợp, bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim mà không có triệu chứng đau ngực, gọi là thiếu máu cơ tim yên lặng. Trường hợp này, bệnh nhân có thể có biểu hiện như: hở van hai lá, suy tim, rối loạn nhịp tim…

Bệnh nhân nên khai rõ bệnh sử

Chẩn đoán dựa vào điện tâm đồ và siêu âm tim. Tình trạng thiếu máu cơ tim ảnh hưởng sự co bóp của tim. Thiếu máu cơ tim ở vùng nào thì cơ tim ở vùng đó sẽ bị rối loạn. Siêu âm tim là phương tiện giúp bác sĩ thấy sự co bóp cơ tim. Vì vậy, những vùng giảm động do thiếu máu cơ tim gây ra sẽ được phát hiện bởi siêu âm tim. Cũng cần lưu ý, có những trường hợp bệnh lý khác nhưng khi đo điện tim hoặc siêu âm tim lại có những dấu hiệu như bệnh lý thiếu máu cơ tim. Do vậy, quá trình thăm khám, bác sĩ và người bệnh nên phối hợp khai thác triệt để bệnh sử. Ở các bệnh viện tại Mỹ, việc khai thác bệnh sử của người bệnh là quy định khắt khe, vì hầu hết bệnh nhân chỉ khai những bệnh lý căn cứ trên triệu chứng "đau đớn" đang xuất hiện, tức là quên những bệnh lý liên quan (đã có) trước đó. Điều này giúp bệnh nhân được phát hiện bệnh sớm để điều trị bảo tồn (dùng thuốc), bảo vệ sức khỏe tốt hơn, so với biện pháp can thiệp bằng nội soi (đặt stent).

Thực tế, còn có các xét nghiệm khác như xạ hình tưới máu cơ tim: Dùng chất đồng vị phóng xạ bơm vào mạch máu. Những vùng nào của cơ tim bị thiếu máu nuôi sẽ giảm hoặc không bắt được chất đồng vị phóng xạ. Hoặc chụp động mạch vành chọn lọc, cản quang. Phương pháp này được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh động mạch vành. Thông qua biện pháp này, bác sĩ biết tình trạng hệ thống động mạch vành của bệnh nhân: hẹp, tắc tại đâu, bao nhiêu mạch máu bị tổn thương…Tuy nhiên, các xét nghiệm này tốn nhiều chi phí, bệnh nhân chỉ nên sử dụng trong trường hợp bệnh nặng, để điều trị bằng phương pháp can thiệp (đặt stent).

Tóm lại, cần chẩn đoán sớm để xác định đúng mức nguy cơ là yêu cầu quan trọng, vì có trường hợp bệnh nặng, nhưng không thể can thiệp bằng nội khoa, tức không thể đặt stent mà phải điều trị ngoại khoa (mổ hở). Đồng thời, các trường hợp bị nhồi máu cơ tim đều phải theo dõi liên tục. Có trường hợp bệnh nhân bị suy thận, đang lọc thận thì bị nhồi máu cơ tim cấp. Trong trường hợp này, phải đưa ngay bệnh nhân vào phòng đặt stent, sau đó mới tiếp tục lọc thận.

ĐÌNH KHÔI (lược ghi)

 

Chia sẻ bài viết