28/05/2018 - 22:14

Đồng bằng Sông Cửu Long

Cần gỡ nút thắt chất lượng nguồn lao động 

Theo kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vùng ĐBSCL  là khu vực có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, là điểm đến lý tưởng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để gia tăng sức hút của mình, các địa phương trong vùng cần quan tâm hơn nữa đến yếu tố nguồn nhân lực, nguồn lao động có tay nghề cao để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập. 

Dây chuyền sản xuất của Chi nhánh Biti’s Miền Tây (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ).

Điểm yếu nguồn lao động

Theo VCCI, thời gian qua ĐBSCL đã có sự cải thiện ở chỉ số đào tạo lao động, nhưng chỉ số này vẫn thấp hơn so với các vùng khác trong cả nước. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI, cho biết: Theo thang điểm số đào tạo lao động trung bình giữa các vùng năm 2017, ĐBSCL có cùng điểm số với Tây Nguyên là 5,79 điểm và xếp cuối cùng so với 4 vùng còn lại. Thực tế cho thấy, điểm số này đã có sự cải thiện liên tục qua từng năm, với năm 2014 là 4,99 điểm, 2015 là 5,1 điểm, 2016 là 5,33 điểm và năm 2017 là 5,79 điểm song vẫn là điểm yếu qua nhiều năm khi ĐBSCL không có sự cải thiện về thứ hạng so với các vùng khác. Nguồn cung lao động chất lượng cao là vấn đề lớn của vùng. Nhiều doanh nghiệp được khảo sát cho rằng gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng các chức danh giám đốc điều hành/quản lý là 82%; 69% doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển chức danh quản lý, điều hành; 60% doanh nghiệp khó khăn khi tuyển dụng cán bộ kỹ thuật; việc tuyển dụng kế toán và công nhân, lao động phổ thông doanh nghiệp cho biết ít gặp khó khăn hơn với tỷ lệ lần lượt là 33% và 23%.

Kết quả xếp hạng PCI năm 2017, chỉ số về đào tạo lao động của TP Cần Thơ tăng 0,24 điểm so với năm 2016. Dù chỉ số này có cải thiện nhưng theo ông Châu Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, hiện nay, cơ cấu ngành nghề đào tạo trên địa bàn thành phố chưa thật sự đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế trọng điểm và xuất khẩu lao động, chủ yếu vẫn là các nghề phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, chưa phát triển mạnh các nghề thuộc lĩnh vực dịch vụ. Công tác tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp gặp nhiều khó khăn, chưa đảm bảo chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, một số ngành nghề không tuyển sinh được người học như hàn, may, thiết kế thời trang, chế biến thực phẩm. Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, cơ sở vật chất tuy được quan tâm nhưng chưa hoàn thiện... Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người học của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa phong phú, thường xuyên, chưa có nhiều thông tin về nhu cầu tuyển dụng, nơi tuyển dụng để hỗ trợ tốt việc tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp cho học sinh, sinh viên. Việc làm trái nghề của người lao động sau khi học nghề còn phổ biến nhất là ở trình độ cao đẳng và trung cấp… 

Kết nối, huy động nguồn lực

Các tỉnh, thành ĐBSCL có nhiều điểm tương đồng ở các chỉ số thành phần của PCI. Nếu chỉ số về tính năng động của chính quyền địa phương tăng đều qua các năm ở hầu hết các tỉnh, thành thì ở chỉ số về đào tạo lao động lại duy trì ở vị trí thấp qua nhiều năm. Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ, phân tích: Khoảng 3 năm trở về trước, trong danh sách 15 tỉnh đứng cuối cả nước, bị đánh giá thấp nhất về chỉ số tỷ lệ lao động được đào tạo/tổng số lao động và tỷ lệ lao động được đào tạo/tổng lao động chưa đào tạo thì có 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Tuy nhiên đến năm 2017, một số địa phương đã bức phá vươn lên khỏi top cuối bảng nhưng vẫn chưa vươn lên top đầu. Như vậy, điểm yếu cốt tử về nguồn lao động ở ĐBSCL cần được nhận diện và cải thiện nhiều hơn nữa vì sự thay đổi diễn ra rất chậm.

Kế hoạch cải thiện chỉ số PCI của TP Cần Thơ, chỉ số thành phần về đào tạo lao động là một nội dung quan trọng cần được cải thiện mạnh mẽ. Ông Châu Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, cho biết: Chúng tôi xác định sẽ tập trung chuyển đổi sang mô hình chỉ đào tạo “những gì thị trường cần” và hướng tới chỉ đào tạo “những gì thị trường sẽ cần”. Theo mô hình mới này, việc gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp là yêu cầu được đặt ra. Trên cơ sở trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hướng tới doanh nghiệp thực sự là “cánh tay nối dài” trong hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhằm sử dụng có hiệu quả trang thiết bị và công nghệ của doanh nghiệp phục vụ cho công tác đào tạo, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học trong quá trình đào tạo và thực tập tại doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải chủ động đẩy mạnh công tác khảo sát, nắm bắt nhu cầu thị trường lao động để thực hiện điều chỉnh cơ cấu ngành nghề đào tạo cho phù hợp đáp ứng nhu cầu của người lao động và của doanh nghiệp... 

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI, nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL cho biết sau khi tuyển dụng lao động thì chi phí phải đào tạo lại lao động còn cao. Trong khi các dịch vụ giới thiệu việc làm chưa hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm được nguồn lao động phù hợp. Bên cạnh đó, ĐBSCL muốn thu hút các nhà đầu tư lớn thì chất lượng nguồn lao động cũng phải được nâng cao tương ứng với nhu cầu này. Do đó, ĐBSCL cần tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và huy động các nguồn lực địa phương để khắc phục các hạn chế về đào tạo lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn với đào tạo lao động có tay nghề, có trình độ chuyên môn cao. Đây là vấn đề lớn, không thể thay đổi trong ngày một ngày hai nhưng cần phải có những bước chuyển động mạnh mẽ ngay từ bây giờ.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN 

Chia sẻ bài viết