17/09/2014 - 20:49

Cần giao quyền tự chủ mạnh mẽ hơn cho các cơ sở giáo dục đại học

Một trong những nội dung quan trọng mà Luật Giáo dục đại học (ĐH) đề cập là giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH nhằm tạo sự đột phá trong giáo dục và đào tạo. Song, theo các nhà quản lý giáo dục, giao quyền tự chủ cần đi đôi với đầu tư nguồn lực cho các trường.

* Tăng cường đầu tư nguồn lực

Trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có 5 trường ĐH công và ngoài công lập, gồm: Cần Thơ, Y Dược Cần Thơ, Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, Tây Đô và Nam Cần Thơ. Trong đó, Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ (nâng cấp trên cơ sở Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ) là trường trực thuộc UBND TP Cần Thơ. Theo Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, thời gian qua, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Cần Thơ đã quan tâm đầu tư nguồn lực cho trường. Tuy nhiên, do đặc thù của trường chuyên đào tạo nhân lực khối ngành kỹ thuật, công nghệ nên mức đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành thực tập khá lớn. Vì thế, trường rất cần sự quan tâm đầu tư nhiều hơn từ bộ, ngành Trung ương và địa phương, bởi lẽ trường có nhiệm vụ đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ cho riêng thành phố mà cho các tỉnh vùng ĐBSCL. Ông Công nói: "Tuy trường mới thành lập hơn 1 năm nhưng có quá trình trên 32 năm phát triển. Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, trường đang thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 (kinh phí 64 tỉ đồng), nhằm nâng cao chất lượng đào tạo". Thực tế, tuy trường đã "lên" ĐH nhưng cơ sở vật chất hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn, vì cơ sở 2 của trường (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) vẫn chưa giải phóng mặt bằng vì thiếu kinh phí.

Tăng cường đầu tư nguồn lực cho các trường sẽ tạo điều kiện giúp đơn vị phát triển hơn nữa. Trong ảnh: Một góc Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ.

Trong khuôn khổ Hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, cao đẳng năm 2014 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tháng 8-2014 vừa qua, lãnh đạo một số trường ĐH ngoài công lập cũng bày tỏ tâm trạng tương tự. Tiến sĩ Phan Văn Thơm, Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Đô, cho biết: Trường công hay trường tư thì công năng hoạt động như nhau, cũng đào tạo, nghiên cứu khoa học,… nhưng mức đầu tư cho trường tư có phần "vênh" so với trường công. Đó là chưa kể phải đóng thuế như doanh nghiệp; trong khi đó, trường không được đầu tư nhiều từ phía nhà nước. Để trường phát triển bền vững rất cần sự đầu tư từ bộ, ngành Trung ương. Đồng tình quan điểm này, Thạc sĩ Nguyễn Cao Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, cho rằng: "Chúng tôi không được hỗ trợ nhiều từ nhà nước, còn đóng thuế như doanh nghiệp. Tuy là trường tư nhưng cũng là cơ sở đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế- xã hội cho địa phương. Thiết nghĩ, nhà nước cần quan tâm đầu tư để trường tư an tâm cống hiến nhân lực cho các địa phương".

* Tự chủ gắn với trách nhiệm

Tại Hội nghị, các đại biểu đại diện các cơ sở giáo dục ĐH đã tích cực đóng góp nhiều ý kiến thiết thực về thực trạng hoạt động đổi mới giáo dục, cũng như những giải pháp cho các vấn đề khó khăn còn tồn tại, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà… Trong đó, vấn đề giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH được nhiều đại biểu quan tâm. Lãnh đạo các trường cho rằng: Trước mắt cần có giải pháp quy hoạch tổng thể cơ sở vật chất, nhân lực của từng trường, phải đủ nguồn lực nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Phía Bộ GD&ĐT nên giao quyền tự chủ hơn cho các trường; trong đó có việc tuyển sinh vào các trường nên rộng "đầu vào" và siết "đầu ra". Theo Tiến sĩ Phan Văn Thơm, Luật giáo dục đại học có quy định về tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học nhưng chưa thật sự tự chủ đối với các trường ngoài công lập. Như việc xây dựng đề án tuyển sinh riêng, rất phức tạp nên kỳ tuyển sinh 2014 vừa qua, trường có làm đề án nhưng không kịp thực hiện. Ông Thơm cho biết: Học sinh đủ năng lực học đại học, trường sẽ cấp bằng cử nhân; còn năng lực đến cao đẳng, trung cấp hoặc nghề thì cấp bằng tương xứng để có thể tìm việc làm phù hợp. Để thực hiện điều này, Bộ GD&ĐT cần giao quyền tự chủ hơn cho các trường; nhất là đối với trường ngoài công lập.

Thực tế cho thấy, việc đẩy nhanh hơn, mạnh hơn giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học nhằm tạo đột phá trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học, tạo điều kiện cho các trường phát triển bền vững hơn. Điều này được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại cuộc họp về giao quyền tự chủ đối với các trường đại học công lập cuối tháng 8 vừa qua. Bởi lẽ, mục đích xã hội hóa giáo dục, trong đó có giao quyền tự chủ, không chỉ vì ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, quan trọng hơn để tạo động lực, nền tảng, đột phá, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, tạo điều kiện cho các trường ĐH phát triển bền vững hơn; nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sẽ có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề tăng cường đầu tư cho các trường ĐH cũng như tăng cường tự chủ cho các trường. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, giao quyền tự chủ cho các trường phải gắn với việc tự chịu trách nhiệm để các trường nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo; thực hiện hiệu quả mục tiêu: Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết