24/03/2017 - 08:55

Cần giải quyết những bất cập các dự án giao thông BOT

Để phát triển hạ tầng giao thông cho TP Cần Thơ và ĐBSCL, Bộ Giao thông Vận tải quyết định đầu tư 2 dự án giao thông BOT trên địa bàn thành phố. Các dự án này đang phát huy hiệu quả, thúc đẩy kinh tế-xã hội TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL phát triển; nhưng cũng phát sinh một số bất cập cần giải quyết để hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Hiệu quả hai dự án BOT

 Quốc lộ 91 sau khi được nâng cấp rộng rãi, phương tiện lưu thông thông thoáng, thuận lợi.

Bộ Giao thông Vận tải quyết định đầu tư 2 dự án giao thông theo hình thức hợp đồng BOT trên địa bàn TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang là: Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 (đoạn km 14 đến km 50+889 và bao gồm nâng cấp quốc lộ 91B dài hơn 15km) và Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ – Phụng Hiệp (km 2078-km 2100). Tổng nguồn vốn đầu tư 2 dự án hơn 3.869 tỉ đồng. Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 dự kiến thời gian thu phí và hoàn vốn là 17 năm 9 tháng 9 ngày (bắt đầu từ ngày 2-4-2016 và chuyển giao cho nhà nước dự kiến tháng 10-2033). Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ – Phụng Hiệp dự kiến thời gian thu phí và hoàn vốn là 10 năm 2 tháng 8 ngày (bắt đầu từ ngày 1-4-2016 và chuyển giao cho nhà nước dự kiến tháng 6-2026)…

Theo đánh giá của ngành chức năng TP Cần Thơ, các dự án này sau khi xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác đã cơ bản giải quyết được tình trạng quá tải của hạ tầng giao thông ở hai cửa ngõ của TP Cần Thơ đi các tỉnh trong khu vực. Đồng thời, gắn kết mạng lưới giao thông của thành phố với mạng lưới giao thông quốc gia, tạo điều kiện để Cần Thơ tiếp cận nhanh và trực tiếp với thị trường trong vùng, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của địa phương…

Theo chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 (Công ty cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ-An Giang), dự án triển khai thực hiện từ đầu năm 2014, đến năm 2016 triển khai thu phí ở 2 trạm (ở quận Ô Môn và Ngã Ba Lộ Tẻ - quận Thốt Nốt), mức thu từ 35.000-200.000 đồng/vé lượt.

Phát sinh bất cập

Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô An Giang, phương tiện đi từ An Giang qua hướng Kiên Giang qua đoạn nâng cấp quốc lộ 91 có vài trăm mét nhưng phải trả phí toàn tuyến là không hợp lý (nộp phí tại trạm thu phí T2 tại Ngã Ba Lộ Tẻ) và làm cho chi phí vận tải tăng. Do đó, Hiệp hội kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành Trung ương xem xét lại, nghiên cứu làm sao thu cho phù hợp vì phương tiện chỉ đi vài trăm mét…

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho rằng: Tháng 6-2016, Bộ đã tổng kết 5 năm triển khai thực hiện các dự án BOT đã nhìn nhận mặt được và chưa được để sửa lại một số cơ chế, chính sách, nghị định đang thiếu... Trong 1 năm nay, Bộ cũng không cấp phép trạm BOT, dừng lại để rà soát lại cơ chế, chính sách để triển khai các dự án BOT thời gian tới hiệu quả hơn. Hiện nay, Bộ đang quản lý 74 trạm thu phí, có một số trạm đang bức xúc giống như Hiệp hội Vận tải Ô tô An Giang nêu là các khoảng cách trạm ngắn, đi quãng đường ngắn không có giảm trừ thu phí... Tới đây, Bộ Giao thông Vận tải sẽ xử lý…

Khó kêu gọi đầu tư

Theo đánh giá của ngành chức năng TP Cần Thơ, giai đoạn 2011-2016, TP Cần Thơ tích cực kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng giao thông bằng các hình thức kêu gọi xã hội hóa. Tuy nhiên, do chính sách ưu đãi và nguồn vốn đối ứng các dự án chưa hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia thực hiện. Thành phố chủ yếu tập trung phát triển hạ tầng bằng nguồn vốn đầu tư phát triển cân đối từ ngân sách nhà nước hằng năm. Ngoài ra, các dự án giao thông kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT trên địa bàn TP Cần Thơ chưa hấp dẫn nhà đầu tư do là những tuyến đường liên huyện, liên tỉnh thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố, có lưu lượng xe qua lại tương đối ít; chi phí đầu tư thường cao hơn các địa bàn khác do đặc điểm địa hình có hệ thống sông ngòi chằng chịt, đất yếu phải xử lý rất tốn kém, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng cao nên khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư rất khó… Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nói chung và hệ thống hạ tầng giao thông BOT tương đối mới trong giai đoạn 2011-2016: khung pháp lý cho mô hình PPP còn chưa hoàn thiện, chưa có luật về PPP và các văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ; cán bộ thực hiện chưa được đào tạo bài bản về lĩnh vực PPP và chưa có kinh nghiệm về mô hình đầu tư này.

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương triển khai đầu tư xây dựng một số công trình giao thông cấp bách của TP Cần Thơ theo hình thức BT và đề nghị thanh toán bằng tiền sau khi xây dựng công trình hoàn thành. Nhưng trong quá trình kêu gọi đầu tư, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 2-1-2014 (về những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014) có quy định chấm dứt khởi công mới các dự án dưới hình thức BT sử dụng kinh phí nhà nước, dẫn đến khó kêu gọi nhà đầu tư và phải đợi Chính phủ ban hành quy định mới về PPP…

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho rằng: Đối với đầu tư giao thông theo hình thức BOT, TP Cần Thơ đã tính toán, đề xuất các tuyến đường và tích cực mời gọi đầu tư. Nhưng do đặc thù của Cần Thơ, ngoài các tuyến quốc lộ thì các tuyến đường tỉnh phương tiện đi lại rất ít. Bên cạnh đó, sông ngòi chằng chịt, sức đầu tư lớn nên nhà đầu tư không mặn mà, thành phố chưa triển khai được dự án nào. Giai đoạn từ nay đến năm 2020, TP Cần Thơ tiếp tục tập trung kêu gọi đầu tư với hình thức đối tác công tư, đồng thời nghiên cứu, ban hành danh mục các dự án ưu tiên có tính khả thi cao để kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước… 

Bài, ảnh: ANH KHOA

Quốc hội bắt đầu giám sát dự án BOT

Sau hai ngày (20 và 21-3) cùng đoàn Quốc hội giám sát việc thực hiện hai dự án BOT về giao thông tại thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trưởng đoàn, đã trả lời báo chí xoay quanh hiệu quả của các dự án này.

 Thưa ông! Như vậy là Quốc hội đã bắt đầu giám sát các dự án BOT. Thưa ông, trước những thực tế bất cập như vậy, tới đây, Quốc hội sẽ giải quyết ra sao?
- Quốc hội đặt ra đoàn giám sát để đi tìm hiểu thực tế cái gì được và chưa được. Trên cơ sở báo cáo của đoàn giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận. Có những vấn đề nào của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Quốc hội sẽ xử lý. Những thẩm quyền nào thuộc Chính phủ, thuộc cơ quan điều hành thì Quốc hội sẽ có văn bản giám sát gửi các bộ, các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện. Với địa phương cũng vậy, nếu có vấn đề gì bất cập thì chúng tôi sẽ gửi văn bản để địa phương điều chỉnh.
  Có ý kiến cho rằng dự án đường giao thông BOT nên làm hẳn tuyến đường mới tốt hơn thay vì cải tạo tuyến đường cũ như hai dự án ở Cần Thơ. Ý ông ra sao?
- Với địa hình miền Tây, làm dự án hoàn toàn mới so với cải tạo lại tuyến đường cũ, phương án nào tốt hơn và có lợi cho người dân thì làm chứ chúng ta không thể máy móc là làm BOT thì phải làm mới. Với một nền đất yếu và hệ thống kênh rạch dày đặc của miền Tây như thế này, nếu chúng ta biết kết hợp hài hòa giữa vận tải đường bộ với vận tải đường thủy nội địa thì tốt hơn.

Huỳnh Kim (ghi)

Chia sẻ bài viết