17/10/2011 - 20:56

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Cần giải pháp phát triển lúa vụ 3 bền vững

Nhờ có đê bao ngăn lũ và chọn lựa giống lúa phù hợp, nông dân ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ vẫn kịp thu hoạch lúa trước khi
nước lũ dâng cao.

Vụ lúa thu đông (vụ 3) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chính thức công nhận là vụ sản xuất chính trong năm. Năm 2011, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã khuyến khích các địa phương có điều kiện sản xuất ở ĐBSCL mở rộng thêm diện tích trồng lúa lên khoảng 100.000ha. Song, năm nay lũ đầu nguồn đạt đỉnh cao và xấp xỉ đỉnh lũ lịch sử năm 2000, làm hàng ngàn héc-ta lúa thu đông ở ĐBSCL bị mất trắng và ngập chìm trong nước, nông dân phải thu hoạch lúa chạy lũ... Từ thực tế này cho thấy, sản xuất lúa vụ 3 ở ĐBSCL cần một giải pháp căn cơ hơn.

* Thiếu chiến lược

Trong năm 2011, lúa liên tục có giá đã khuyến khích nông dân trồng lúa ở ĐBSCL phát triển sản xuất lúa vụ 3. Đây cũng là năm đầu tiên Bộ NN&PTNT khuyến khích các địa phương có điều kiện sản xuất mở rộng diện tích. Tuy nhiên, công tác dự báo, chiến lược phát triển tổng thể chưa đồng bộ và phải trả giá bằng hàng ngàn héc-ta lúa thu đông trong vùng bị mất trắng vì lũ. Tại TP Cần Thơ, tính đến nay có hơn 90ha lúa thu đông bị mất trắng và hàng ngàn diện tích lúa bị giảm năng suất do phải thu hoạch sớm chạy lũ. Song, nhiều nông dân ở TP Cần thơ vẫn khẳng định sản xuất lúa vụ 3 là cần thiết, nếu chủ động được trong sản xuất, có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh.

Ông Đỗ Thành Nhơn ở ấp Thới Hiệp, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, cho biết: “Ở đây đê bao khép kín, chủ động được với nước lũ nên năm nào tôi cũng sản xuất vụ 3, có năm trồng màu, có năm làm lúa. Năm nay, tôi thu hoạch gần 30 giạ/công lúa vụ 3, giá bán hơn 7.000 đồng/kg, tính ra tôi lời hơn 1,5 triệu đồng/công, mức lời này tương đương với vụ hè thu 2011”. Theo ông Nguyễn Văn Út ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, hầu như năm nào ông cũng sản xuất lúa vụ 3 vì nếu bỏ đất trống vừa phí, vừa không có việc làm. Còn nuôi trồng thủy sản và trồng hoa màu sợ không có đầu ra tốt. Vụ thu đông 2011, 8 công lúa của ông đã đạt năng suất trên 30 giạ/công, nhờ bán được giá cao, tính ra ông có lời gần 2 triệu đồng/công...

Theo dự báo của ngành chức năng, mực nước lũ ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười tiếp tục lên trong tháng 10 này, và đến nay, đã có hàng ngàn héc-ta lúa thu đông 2011 ở các tỉnh, thành ĐBSCL bị mất trắng do lũ. Từ thực tế này đã có nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc phát triển sản xuất lúa vụ 3. Có ý kiến cho rằng, không nên mở rộng diện tích sản xuất lúa vụ 3, vì có thể bị thiệt hại do lũ, hoặc hiệu quả sản xuất thấp, phải tốn nhiều chi phí đầu tư, gia cố đê bao... Sản xuất lúa vụ 3 lâu dài có thể làm năng suất lúa bị giảm và ảnh hưởng đến các vụ sản xuất khác, do đất không đủ thời gian “nghỉ ngơi” để cắt đứt mầm bệnh và dịch hại lúa. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, phát triển sản xuất lúa vụ 3 là có hiệu quả và cần thiết nhằm tạo công ăn việc làm, giúp cải thiện điều kiện sống, nâng cao thu nhập cho nông dân trong điều kiện dân số ngày càng tăng, diện tích đất sản xuất trên đầu người giảm. Vấn đề là chúng ta chưa làm tốt hệ thống đê bao chống lũ, mặn và các giải pháp quy hoạch, phát triển sản xuất chưa đảm bảo bền vững.

Thời gian qua, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã mạnh dạn đầu tư hệ thống đê bao khép kín tại nhiều cánh đồng để tạo thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất. Theo Viện Lúa ĐBSCL, trong 10 năm qua, diện tích sản xuất lúa thu đông ở ĐBSCL đạt từ 480.000-550.000ha/năm. Nông dân sản xuất lúa vụ 3 tại nhiều địa phương ở ĐBSCL như: An Giang, Đồng Tháp... đã sớm nhận thấy những hạn chế của lúa vụ 3. Và khắc phục hạn chế này bằng cách là không sản xuất lúa 3 vụ liên tiếp nhiều năm mà thường luân canh trồng hoa màu và khoảng 2-3 năm sản xuất liên tục, nông dân đồng loạt nghỉ 1 năm vụ 3 để xả lũ vào đồng ruộng...

* Cần giải pháp bền vững

Thống kê của Bộ NN&PTNT, diện tích sản xuất lúa thu đông 2011 tăng ở ĐBSCL hơn 100.000ha so với năm 2010. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện Trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: “Hầu hết đê bao chống lũ ở ĐBSCL có nền đất yếu, chủ yếu được đắp bằng đất bùn. Trong 10 năm qua, tại ĐBSCL không có lũ lớn, nên nhiều địa phương chủ quan, không đầu tư, gia cố hệ thống đê bao đúng mức. Năm nay, lũ về sớm và đỉnh lũ cao hơn mọi năm, nhưng việc dự báo và cảnh báo sớm cho người dân biết còn hạn chế”. Song, nhìn trên tổng thể chung, sản xuất nông nghiệp thường chịu nhiều rủi ro, diện tích thiệt hại do lũ hiện chỉ chiếm khoảng 1,1% diện tích lúa thu đông 2011 sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sản lượng chung và khả năng ĐBSCL sẽ đạt 3 triệu tấn lúa hàng hóa trong vụ này.

Thời gian qua, diện tích sản xuất lúa vụ đông xuân ở ĐBSCL thường khoảng 1,5 triệu ha, vụ hè thu khoảng 1,6 triệu ha, còn vụ thu đông dao động ở mức 480.000-550.000ha, riêng vụ thu đông 2011 khoảng 630.000ha. Nếu tính trên diện tích gieo sạ 3 vụ lúa trong năm thì nghịch lý là vụ hè thu năng suất thấp hơn vụ đông xuân, giá lúa thấp hơn và điều kiện sản xuất cũng khó, nhưng diện tích gieo sạ lại cao nhất trong năm. Trong vụ đông xuân, nhiều địa phương ven biển ở ĐBSCL chịu ảnh hưởng bởi nước mặn, nên không dám tăng diện tích sản xuất. Còn vụ thu đông, lúa có giá nhưng nhiều năm qua diện tích gieo sạ chỉ dao động ở mức trên dưới 500.000 ha, vì hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều địa phương ngại bị ảnh hưởng lũ.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh cho rằng, để sản xuất lúa bền vững, các địa phương ở ĐBSCL phải cảnh giác 2 chuyện: lũ đối với các tỉnh đầu nguồn và mặn đối với các địa phương ven biển. Do vậy, Nhà nước cần có quy hoạch sản xuất cụ thể cho từng vùng, xác định vùng nào đủ điều kiện sản xuất lúa vụ 3, thời gian nào sản xuất tốt nhất và chọn cơ cấu giống phù hợp, quản lý chặt việc sản xuất, tránh gieo sạ ngoài vùng đê bao, những nơi chưa đảm bảo... Hiện nay, do tác động của biến đổi khí hậu và nhiều yếu tố khách quan, nên công tác dự báo có thể gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu làm tốt công tác này và chủ động được hệ thống đê bao chống lũ, mặn thì việc ĐBSCL sản xuất 500.000ha lúa thu đông hay tăng lên 600.000ha sẽ không khó.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Nhờ có đê bao ngăn lũ và chọn lựa giống lúa phù hợp, nông dân ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ vẫn kịp thu ho&

Chia sẻ bài viết