28/11/2011 - 15:29

Cần giải pháp đột phá phát triển giáo dục và đào tạo ở ĐBSCL

Vì sao ĐBSCL là vựa trái cây, vựa lúa lớn nhất cả nước nhưng lại là “vùng trũng” trong giáo dục cả nước? Đây là vấn đề được nhiều đại biểu tập trung thảo luận trong Hội thảo “Phát triển giáo dục và đào tạo ở ĐBSCL” do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Báo Nông thôn Ngày nay và Trường Đại học Tây Đô tổ chức vào ngày 26-11-2011 tại TP Cần Thơ, với sự tài trợ của Trường Cao đẳng nghề iSPACE.

* Vẫn còn khó khăn, hạn chế

Những năm qua, giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) ở vùng châu thổ Cửu Long đã có những chuyển biến tích cực. Mạng lưới trường lớp ngày càng mở rộng, toàn vùng hiện có khoảng 6.700 trường mầm non, phổ thông, trong đó, có khoảng 11% trường đạt chuẩn quốc gia. Số lượng trường tăng đều ở các bậc học: mầm non tăng 685 trường, tiểu học tăng 180 trường, THCS tăng 230 trường, THPT tăng 68 trường. Các trường trên đã thu hút hơn 3,1 triệu học sinh các cấp đến trường. Ngoài việc đầu tư nhiều cho cơ sở vật chất, trường lớp, các địa phương còn quan tâm thực hiện “3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) cho học sinh nghèo. Tuy nhiên tình hình bỏ học vẫn là nỗi lo của các tỉnh, thành ĐBSCL. Theo thống kê của các tỉnh, thành trong khu vực năm học 2010-2011, gần 21 ngàn học sinh bỏ học, chiếm tỷ lệ khoảng 0,75% (bình quân cả nước là 0,43%). Nguyên nhân do học sinh thiếu ý thức học tập, gia đình ít quan tâm, hoàn cảnh khó khăn... Ông Thái Văn Long, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, cho biết: “Cuối năm học 2008-2009, học sinh phổ thông tỉnh Cà Mau có tỷ lệ bỏ học cao nhất so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Học sinh tiểu học bỏ học 2,29%, học sinh THCS bỏ học 6,52%, học sinh THPT bỏ học 7,14%. Trong nhiều nguyên nhân làm cho học sinh phải bỏ học, thì lý do gia đình không lo nổi tiền đò giang cho con em mình đến lớp hằng ngày chiếm trên 30% trong tổng số học sinh bỏ học”.

Một trong những giải pháp nhằm vực dậy giáo dục và đào tạo ĐBSCL một cách bền vững là đầu tư mạnh cho giáo dục (nhất là bậc học mầm non). Trong ảnh: Giờ học của cô trò điểm Trường Thới Hòa, Trường Mầm non Thới Thạnh (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ). Ảnh: L.G. 

Không thể phủ nhận những thay đổi tích cực trong GD&ĐT ở ĐBSCL thời gian qua. Tuy nhiên, dường như sự thay đổi này đã không theo kịp sự phát triển của kinh tế- xã hội. Với nền tảng giáo dục phổ thông còn nhiều bất cập dẫn đến hệ lụy: trình độ dân trí thấp, nguồn nhân lực được đào tạo không theo kịp nhu cầu xã hội. Theo ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI - Chi nhánh Cần Thơ mức độ hài lòng của các doanh nghiệp đối với lao động ĐBSCL ở mức độ thấp so với bình quân cả nước 70,45%/ 72,81%. ĐBSCL cũng có tỷ lệ đào tạo học sinh tốt nghiệp nghề thấp, chỉ 1,76%, so với bình quân cả nước là 4,18%. Số lượng đã ít, chất lượng cũng không thật sự đảm bảo khi hầu hết doanh nghiệp ĐBSCL phải đào tạo lại khi tuyển dụng. Ông Dũng nói: “ĐBSCL không thiếu trường đại học, cao đẳng hay dạy nghề mà là thiếu về chất lượng. Lao động có kỹ năng cũng đang thiếu hụt”.

* Hiến kế để vực dậy GD&ĐT đồng bằng

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT vùng ĐBSCL. Ông Trần Hữu Hiệp- Vụ trưởng Vụ Kinh tế- Xã hội Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết: “Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tăng cường đôn đốc các địa phương thực hiện tốt Quyết định số 1033 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển GD&ĐT, dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015 nhằm nâng cao chất lượng GD toàn diện”. Từ việc thực hiện Quyết định này, ĐBSCL hướng đến mục tiêu: năm 2015 sẽ có 100% tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, nâng tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường lên 99% ở bậc tiểu học, 85% ở bậc THCS và 60% ở bậc THPT. Để thực hiện được mục tiêu trên, các tỉnh, thành cần có kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và chất lượng. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt chương trình kiên cố hóa trường lớp, xây dựng hoàn chỉnh các phòng chức năng, phòng bộ môn để tiến tới chuẩn hóa trường học. Ngoài ra, để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học, cần thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi, miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, đi lại đối với học sinh nghèo, con em đồng bào dân tộc...

Một khi đã làm tốt công tác trên thì tình trạng học sinh bỏ học sẽ giảm đáng kể, như Cà Mau là một ví dụ điển hình. Những năm gần đây, một trong số những giải pháp tích cực mà tỉnh đã thực hiện nhằm hạn chế tình trạng học sinh bỏ học là: Quan tâm thực hiện tốt “4 đủ”, thay vì “3 đủ” và đủ thứ 4 là giúp học sinh khó khăn có đủ tiền đi đò. Ông Thái Văn Long, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, cho biết: “Theo thống kê của ngành, đầu năm học 2009-2010, hằng ngày, có trên 6.500 học sinh phổ thông phải đi đò ngang đến lớp, trên 31.000 học sinh đi đò dọc, trong đó có khoảng 14.000 em có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bình quân hằng tháng, một học sinh phải trả tiền đi đò ngang khoảng 45.000 đồng, tiền đi đò dọc khoảng 200.000 đồng. Vấn đề hỗ trợ tiền đò cho học sinh là hết sức bức thiết. Do đó, chúng tôi đã phát động chủ trương hỗ trợ tiền đò cho học sinh. Ngay ngày đầu tiên phát động, chúng tôi đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, tới thời điểm này, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ hơn 21 tỉ đồng, đã chi khoảng 19 tỉ đồng”. Sau khi thực hiện chương trình hỗ trợ tiền đò cho học sinh thì tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi học đến lớp đã tăng; số học sinh bỏ học đã giảm nhiều so với cùng kỳ năm học trước, đặc biệt là số học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Theo thống kê, cuối năm học 2009-2010 tỷ lệ học sinh phổ thông trong toàn tỉnh bỏ học 4,23% giảm 0,28% so cùng kỳ năm học 2008-2009. Cuối học kỳ I năm học 2010-2011 tỷ lệ học sinh phổ thông toàn tỉnh bỏ học 0,94% giảm 0,6% so cùng kỳ năm học 2009-2010. Đây là giải pháp điển hình và tích cực trong việc huy động học sinh tới trường. Tuy nhiên, ông Long vẫn băn khoăn: “Số tiền đó vẫn không hỗ trợ được 100% học sinh nghèo, chỉ được khoảng 1/3 số em. Chúng tôi phân loại 7 đối tượng học sinh khó khăn để hỗ trợ khoản tiền này, nhưng chủ yếu là hỗ trợ đò dọc. Do đó đây vẫn là giải pháp tình thế, cần có giải pháp tổng thể để gỡ nhiều vấn đề khó”.

Một khía cạnh khác cũng khiến nhiều đại biểu trăn trở là: Đào tạo nghề và đào tạo bậc cao phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng ĐBSCL. Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI- Chi nhánh Cần Thơ, cho rằng: “Các trường cần nghiên cứu để đào tạo “trúng”, nghĩa là phải chú trọng đào tạo khả năng làm nghề tốt và tính kỷ luật của người học”. Ngoài ra, vấn đề đầu tư cho GD&ĐT cũng được nhiều đại biểu quan tâm. GS.TS Võ-Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Tân Tạo, đề suất: “Để vực dậy GD&ĐT đồng bằng một cách bền vững cần phải có một kế hoạch cải tiến cơ bản, toàn diện nền GD&ĐT Việt Nam cho phù hợp với thời kỳ toàn cầu hóa. Trong đó, việc cần làm ngay là đầu tư mạnh cho GD mầm non, tiểu học và dạy nghề; nâng cao chất lượng giáo viên ở nông thôn. Nhất là cần có chính sách khuyến học- bất cứ nghề nào cũng cần phải có bằng cấp liên quan tới nghề làm việc; tạo điều kiện cho người lớn học tập”.

****

Không thể phủ nhận thời gian qua, các tỉnh, thành ĐBSCL đang cố gắng thực hiện nhiều giải pháp nhằm thoát khỏi “vùng trũng” GD&ĐT. Tuy nhiên, các vùng, miền khác trong cả nước cũng không đứng chờ để ĐBSCL theo kịp. Vì vậy, ngoài vấn đề tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục GD&ĐT, ĐBSCL rất cần sự quan tâm cụ thể của các địa phương. Trong đó, có những giải pháp mang tính chiến lược nhằm “đánh thức” GD&ĐT vùng ĐBSCL.

THANH NGỌC

Chia sẻ bài viết