28/11/2018 - 08:05

Cần giải pháp “đặc trị” đánh bắt thủy sản bằng xung điện 

Trước đây, ở các dòng kênh, con sông có nguồn lợi thủy sản khá dồi dào, với nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao. Sự gia tăng của các công cụ đánh bắt bằng xung điện không chỉ làm mất đi nguồn lợi thủy sản quý giá này, mà còn gây nên những hệ lụy khôn lường về môi trường.

Các ghe cào sử dụng xung điện trong đánh bắt thủy sản bị bắt giữ.

Đêm cũng như ngày, trên sông Hậu đoạn đi qua khu vực giáp ranh giữa TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Đồng Tháp có nhiều ghe được trang bị cào điện, xung điện nổ máy xình xịch qua lại. Từ lâu, các địa phương đã có văn bản nghiêm cấm việc sử dụng cào điện, xung điện để đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt, nhưng tình trạng này vẫn còn tồn tại. Bà Trần Thị Liễu, một người dân sống ở khu vực sông Hậu, thuộc phường Thới An, quận Ô Môn, cho biết: “Ở địa phương còn rất nhiều người dân kiếm sống bằng nghề ghe cào, có sử dụng xung điện để đánh bắt cá. Dù chính quyền và ngành chức năng thường xuyên vận động, tuyên truyền về tác hại của kiểu khai thác hủy diệt, nhưng vì cái lợi trước mắt, một số hộ dân vẫn lén lút hoạt động”.

Khoảng giữa tháng 11-2018, Trạm Cảnh sát đường thủy Thới An kết hợp liên Trạm thủy sản Ô Môn, Thới Lai, Cờ Đỏ và Công an phường Thới An tổ chức tuần tra và bắt quả tang 13 ghe cào, trong đó có 10 ghe cào có gắn xung điện tận diệt thủy sản trên sông Hậu, sông Ô Môn. Các ghe cào bị tạm giữ của các hộ ngư dân ở TP Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh An Giang. Các ghe trên sử dụng lưới cào có mắt lưới rất nhỏ và gắn dinamo phát điện 220V. Từ đầu năm 2018 đến nay, Trạm Cảnh sát đường thủy Thới An đã phát hiện, bắt quả tang 17 ghe cào gắn xung điện trong đánh bắt thủy sản; đồng thời, phối hợp ngành chức năng xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền gần 50 triệu đồng. Trong số đó, có trường hợp của ông Nguyễn Văn L., ở phường Thới An. Ông L. cho biết: “Tôi hành nghề ghe cào để đánh bắt thủy sản từ nhiều tháng nay. Khi bị phát hiện, tôi đành chịu xử phạt”. Trường hợp của ông Nguyễn Văn Đ., ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, cũng tương tự. Ông Đ. nói: “Hằng ngày, tôi kiếm được tầm khoảng 500.000 đồng từ việc khai thác, đánh bắt thủy sản bằng ghe cào. Đây là nguồn sống duy nhất của gia đình. Ngoài ra, tôi không có nghề nào khác”.

Ở đồng ruộng, ao mương thuộc khu vực nông thôn tại nhiều địa phương khác trên địa bàn TP Cần Thơ, nạn sử dụng các phương tiện xung điện để khai thác thủy sản cũng tràn lan. Tại các xã thuộc huyện Thới Lai, hiện vẫn còn rất nhiều người sử dụng ắc-quy và xung điện để đánh bắt cá. Gần đây, trong các đợt vận động người dân tự giác giao nộp dụng cụ xung điện, cơ quan chức năng địa phương đã tiêu hủy hàng trăm bộ ắc-quy và xung điện cùng vợt, lưới. Theo ông Phạm Phi Hùng, Trưởng Công an xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, sức hủy diệt của bộ xung điện đánh bắt cá không thua kém cào điện, xuyệt điện trên ghe, nhưng lực lượng chức năng rất khó phát hiện. Việc xử lý hành vi vi phạm này cũng gặp không ít khó khăn, bởi các đối tượng thường lén lút hoạt động ở ngoài đồng ruộng hoặc hoạt động vào ban đêm…

Tình trạng sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản đã gây ra những hậu quả khôn lường. Mặc dù chính quyền và ngành chức năng đã nỗ lực tuyên truyền, giáo dục pháp luật về vấn đề này nhưng hiệu quả chưa cao, bởi nguồn lợi trước mắt khiến các đối tượng bất chấp hậu quả. Hơn nữa, đó cũng là nguồn thu chính của không ít gia đình. Vì vậy, bên cạnh việc xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng công cụ đánh bắt bằng xung điện trong đánh bắt thủy sản, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần có những giải pháp hỗ trợ về vốn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... để giải quyết triệt để tình trạng trên, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản nói riêng, bảo vệ môi trường nói chung.

Bài, ảnh: Chấn Hưng

Chia sẻ bài viết