24/07/2008 - 07:48

Cần dứt khoát và mạnh hơn !

K ết thúc kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2008, phụ huynh, thí sinh cùng thở phào nhẹ nhõm trước quyết định chính thức do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa ra: Năm 2009 vẫn tiếp tục thi “ba chung”. Theo kết luận của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc trung học đạt được sự nghiêm túc và tin cậy như kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hiện nay thì việc tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sẽ được thực hiện vào năm 2010.

Trước khi Bộ GD - ĐT đưa ra quyết định chính thức này, trên các diễn đàn thông tin đại chúng, xuất hiện nhiều ý kiến bàn thảo xoay quanh Đề án tổng thể về “Đổi mới công tác thi và tuyển sinh”. Tựu trung lại, các ý kiến chia thành 2 luồng chính: ủng hộ và phản đối. Tuy nhiên, điều mà ai cũng thấy là việc tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia và lấy kết quả này để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sẽ giảm bớt lãng phí về tiền của, thời gian, sức lực của thí sinh, gia đình thí sinh và xã hội. Vấn đề là tổ chức thi như thế nào để đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh. Đồng thời, đề thi phải có khả năng phân hóa thí sinh và phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo của thí sinh.

Điều mà các trường đại học đều mong mỏi ở Bộ GD-ĐT là trao quyền tự chủ mạnh hơn nữa cho các trường trong khâu tuyển sinh. Theo Đề án tổng thể về “Đổi mới công tác thi và tuyển sinh” mà Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến, khi các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp xét tuyển sinh, số thí sinh được chọn tham gia kỳ thi phụ có từ điểm sàn trở lên tối đa bằng 1,5 lần số chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành. Vấn đề không phải ở chỗ 1,5 lần hay 2 lần, 3 lần mà vấn đề chính là Bộ GD - ĐT làm thế nào để kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia trở thành một thang chuẩn đáng tin cậy để các trường dựa vào đó đánh giá thí sinh. Những chuyện còn lại hãy để các trường tự quyết định tùy theo điều kiện cụ thể của từng nơi.

Còn điều mà cả xã hội mong mỏi đối với Bộ GD-ĐT là đừng “ú tim” với thí sinh, phụ huynh. Đổi mới công tác thi và tuyển sinh là vấn đề nhạy cảm, tác động đến toàn xã hội. Cho dù sự đổi mới đó mang đến những điều tốt hơn thì tâm lý chung vẫn là lo lắng trước những thay đổi. Thực tế, trước kỳ tuyển sinh năm 2008, khi Bộ GD-ĐT vẫn chưa có quyết định chính thức về việc đổi mới tuyển sinh vào năm 2009 thì đã có một số thí sinh nộp đến 5- 7 bộ hồ sơ đăng ký dự thi vào các ngành học. Lý do được nêu ra là cứ nộp hồ sơ rồi chọn ngành có tỷ lệ chọi thấp dự thi để có cơ hội vào đại học ngay năm cuối còn thi tuyển sinh chứ để sang năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi phương án tuyển sinh, chưa biết khó dễ thế nào. Việc này không chỉ làm tăng số lượng hồ sơ ảo mà điều quan trọng hơn là tác động đến tâm lý của thí sinh, phụ huynh.

Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức về việc có thực hiện đổi mới công tác thi và tuyển sinh vào năm 2010 hay không. Vẫn là công bố “nước đôi”: Nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc trung học đạt được sự nghiêm túc và tin cậy như kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hiện nay thì sẽ tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vào năm 2010. Như vậy, có thể hiểu nếu như kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc trung học chưa đạt được sự nghiêm túc và đáng tin cậy như kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng thì tuyển sinh năm 2010 vẫn chưa thực hiện theo phương án mới. “Nghiêm túc và đáng tin cậy”- một khái niệm hết sức chung chung. Và cũng không thể xem sự nghiêm túc và đáng tin cậy của kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hiện nay sẽ là nền tảng cho sự nghiêm túc, đáng tin cậy của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia bởi cách thức tổ chức, qui mô của 2 kỳ thi này rất khác nhau.

Nếu đã khẳng định phương án đổi mới công tác thi và tuyển sinh mang lại nhiều lợi ích cho thí sinh, gia đình thí sinh và xã hội thì Bộ GD-ĐT nên sớm quyết định và công bố thời gian thực hiện. Thời điểm công bố đến thời điểm chính thức thực hiện ít nhất phải từ 2- 3 năm để học sinh có sự chuẩn bị tốt về tâm lý, tránh gây hoang mang theo kiểu: Đây là năm cuối theo cách cũ, phải cố gắng thi đậu, biết đâu sang năm khó hơn. Đó cũng là quá trình để chuẩn bị các điều kiện, đảm bảo tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và để các trường xây dựng hoàn chỉnh, cụ thể phương án xét tuyển đối với từng ngành học.

NGUYỄN KHUÊ

Chia sẻ bài viết