02/06/2011 - 09:45

Sản xuất nông nghiệp TP Cần Thơ

Cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác

Liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp đang là yêu cầu cấp thiết nhằm xóa bỏ tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, khó tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, tổ chức các mô hình liên kết, hợp tác như thế nào vừa đạt hiệu quả cao, vừa bền vững là bài toán khó và cần có thêm nhiều những mô hình, những “minh chứng sống”...

Nhân rộng mô hình HTX, tổ hợp tác...

Sản xuất rau muống tại HTX Rau an toàn Hòa Phát ở phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ.
Ảnh: ANH KHOA 

Thời gian qua, việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, không gắn với thị trường đã làm cho nhiều loại nông sản thường xuyên gặp cảnh bấp bênh về đầu ra. Khắc phục tình trạng trên, các ngành chức năng của thành phố đã tạo điều kiện và khuyến khích nông dân tại thành phố liên kết, hợp tác trong sản xuất thông qua việc xây dựng các câu lạc bộ, tổ sản xuất và hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Tính đến nay, toàn thành phố có 233 HTX, tăng 3 HTX so với cuối năm 2010. Trong đó, có 78 HTX nông nghiệp, với trên 1.500 xã viên tham gia, vốn điều lệ hơn 57,8 tỉ đồng. Ngoài ra, toàn thành phố còn có 3.237 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, 134 câu lạc bộ khuyến nông, với 1.330 hộ đạt tiêu chí sản xuất theo trang trại... Ông Nguyễn Quốc Hải, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, cho rằng: “Việc ra đời và hoạt động có hiệu quả của nhiều câu lạc bộ, tổ hợp tác sản xuất và HTX kiểu mới đã khẳng định việc liên kết, hợp tác là một xu hướng phát triển tất yếu, phù hợp với yêu cầu về sản xuất hàng hóa và dịch vụ đáp ứng sự đòi hỏi ngày càng cao của thị trường. Thời gian tới, cần phải tích cực phát huy và nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả”.

Theo Liên minh HTX TP Cần Thơ, các tổ hợp tác và HTX nông nghiệp có cơ cấu rất đa dạng, hoạt động trong lĩnh vực như: sản xuất lúa, lúa giống, nuôi trồng thủy sản, trồng hoa kiểng, rau màu, chăn nuôi bò, heo... Ngoài ra, còn có nhiều tổ hợp tác và HTX làm các dịch vụ bơm tưới nước và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo khảo sát của Liên Minh HTX thành phố, hiện có khoảng 50% các HTX nông nghiệp đang hoạt động có hiệu quả tương đối tốt. Trong đó, có nhiều mô hình HTX nông nghiệp đã thể hiện vai trò tích cực trong việc xóa bỏ thế đơn độc của những hộ sản xuất cá thể, hình thành nên các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và giúp các xã viên và nông dân giải quyết “mắc mứu” về bấp bênh của đầu ra sản phẩm. Điển hình như HTX Giống nông nghiệp Thốt Nốt; HTX chăn nuôi bò sữa Long Hòa (quận Bình Thủy); HTX thủy sản Thới An (quận Ô Môn) và nhiều HTX sản xuất lúa giống khác...

HTX thủy sản Thới An (Ô Môn) có cách làm khá hay là liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra để nuôi cá theo dạng gia công cho doanh nghiệp. Nhờ cách làm này mà có nhiều thời điểm giá cá tra bị giảm mạnh, nhiều người nuôi cá tra khó tiêu thụ cá tra, bị thua lỗ mạnh và phải nghỉ nuôi, nhưng các xã viên HTX thủy sản Thới An vẫn an tâm sản xuất do đầu ra sản phẩm đã có doanh nghiệp lo.

Ông Nguyễn Minh Phương, Chủ nhiệm HTX Giống nông nghiệp Thốt Nốt, cho biết: Hằng năm, HTX cung ứng thị trường hàng trăm tấn lúa giống cấp nguyên chủng và cấp xác nhận các loại. Do HTX đặt mục tiêu chính là giúp cho xã viên dễ dàng tiêu thụ sản phẩm làm ra, nên khi bán lúa giống ra thị trường luôn cân đối để các xã viên vừa có lời mà bà con mua lúa giống cũng không phải thiệt thòi về giá. Nhờ vậy, chẳng những HTX giúp cho các xã viên giải quyết tốt được đầu ra sản phẩm mà còn giúp cho nhiều nông dân tại TP Cần Thơ mua được lúa giống có chất lượng, với giá thường rẻ hơn so với thị trường. Tại quận Bình Thủy, HTX bò sữa Long Hòa đã có vai trò quan trọng trong việc hình thành nên phong trào nuôi bò sữa tại địa phương, giúp tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân nơi đây. Theo ông Võ Thanh Cần, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi bò sữa Long Hòa (quận Bình Thủy), hiện nay HTX có 25 xã viên, với tổng đàn bò 236 con. Nhờ có được HTX mà phong trào nuôi bò sữa của nông dân phường Long Hòa đã phát triển mạnh trong thời gian qua, nông dân HTX nuôi bò hiệu quả nhiều người tham gia nuôi theo. Hiện HTX còn cung cấp các loại thức ăn cho bò cho các xã viên và hộ dân nuôi bò tại địa phương.

Khắc phục hạn chế, yếu kém

Thời gian qua, dù phong trào liên kết hợp tác trong sản xuất nông nghiệp có phát triển nhưng hiện vẫn còn hạn chế. Hiện số hộ dân tham gia các HTX, tổ hợp tác vẫn còn khá khiêm tốn. Một trong những hạn chế lớn nhất của các HTX nông nghiệp hiện nay chính là trình độ, năng lực quản lý và tổ chức hoạt động của ban chủ nhiệm các HTX. Ngoài ra, nhiều HTX trong lĩnh vực nông nghiệp còn gặp khó và yếu kém do có quy mô nhỏ, làm dịch vụ đơn điệu, chưa mở rộng được quy mô và đa dạng hóa dịch vụ do yếu về nội lực cán bộ, thiếu vốn... Từ đó, dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao và chưa thu hút được nhiều xã viên.

Ông Phạm Văn Út, ở xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho rằng: “Theo tôi, tham gia HTX sẽ rất thiết thực, nhưng phải sản xuất cùng ngành nghề, cùng một loại nông sản thì liên kết, hợp tác mới tạo sức mạnh chung, chứ không phải vào HTX chỉ để được dễ vay vốn hay chỉ tham gia cho có. Ngoài ra, để HTX hoạt động hiệu quả, người đứng đầu HTX phải có năng lực và luôn quan tâm cho lợi ích của xã viên... Cách đây 7-8 năm, tôi đã từng tham gia một HTX nông nghiệp tại địa phương (HTX nông nghiệp Thới Bình -xã Giai Xuân), lúc đầu HTX này hoạt động rất hiệu quả, nhưng sau đó khi thay đổi lãnh đạo mới, HTX chỉ hoạt động mang tính hình thức, rồi từ từ giải thể luôn...”. Ông Trần Ngọc Liêm, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tân Thới 1 (xã Tân Thới, huyện Phong Điền), cho rằng: “Việc tổ chức liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp rất cần thiết, bởi nếu mạnh ai nấy làm sẽ dễ dẫn đến manh mún, phân tác, tự cạnh tranh với nhau!”.

Theo ông Nguyễn Quốc Hải, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, để khắc phục yếu kém, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, tới đây Liên minh HTX thành phố sẽ chọn công tác nâng cao trình độ, năng lực của các cán bộ HTX làm khâu đột phá. Trong đó, Liên minh HTX TP Cần Thơ sẽ phối hợp với ngành nông nghiệp và sở, ngành có liên quan tăng cường công tác tập huấn, đào tạo nhằm giúp các HTX nâng cao về trình độ tổ chức hoạt động, quản lý kinh tế, lập dự án... Mặt khác, hỗ trợ và định hướng cho người dân xây dựng những mô hình hợp tác có quy mô lớn nhằm phát huy cao hơn nữa hiệu quả của việc liên kết, hợp tác. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Hướng tới, ngành nông nghiệp thành phố tiếp tục củng cố các HTX hoạt động hiệu quả hơn, phát triển các tổ hợp tác nâng lên HTX. Ngoài ra, ngành nông nghiệp thành phố sẽ đẩy mạnh xây dựng cánh đồng mẫu, đây được xem là hình thức nhóm liên kết sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn, có chất lượng hơn và có tính dân chủ cao hơn mô hình HTX. Mô hình cánh đồng mẫu sau này có thể hướng dẫn nông dân kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, chẳng hạn như dịch vụ về phân bón... Thành phố đang thực hiện mô hình cánh đồng mẫu diện tích 400 ha tại ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh trong vụ lúa hè thu 2011 này, để làm tiền đề phát triển mô hình trong các vụ lúa tới...

VĂN CÔNG - ANH KHOA

Chia sẻ bài viết