26/12/2011 - 08:46

Cần "cú hích" để tăng tốc mời gọi đầu tư

Những năm gần đây, môi trường đầu tư, kinh doanh của TP Cần Thơ được cải thiện đáng kể, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố đứng trong tốp tốt trên bảng xếp hạng. Tuy nhiên, việc mời gọi đầu tư của thành phố còn nhiều hạn chế, qui mô dự án nhỏ, chưa nhiều dự án đầu tư lĩnh vực công nghệ cao. Trong khi đó, thành phố đang phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, nếu không tạo được “cú hích” trong thu hút đầu tư thì đây thực sự là bài toán khó cho thành phố.

Loay hoay xây dựng dự án

Trong giai đoạn 2011- 2015, ngoài 26 danh mục dự án kêu gọi đầu tư đã được UBND thành phố ban hành vào năm 2010; các sở, ngành và quận, huyện đề xuất thêm 36 dự án mới. Song, qua tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, chỉ 3/36 dự án mới là khả thi và đề nghị đưa vào danh mục, các dự án còn lại thông tin sơ sài, không nêu được mục tiêu, căn cứ xây dựng dự án, chỉ có tên của dự án, nên chưa đủ cơ sở đánh giá dự án và không đảm bảo cung cấp đủ thông tin cho nhà đầu tư. Trong đó, 3 dự án khả thi gồm: dự án “Xây dựng và nâng cấp đường tỉnh 922 giai đoạn 1 (tuyến nhánh quốc lộ 91 nối quận Ô Môn, TP Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ làm chủ đầu tư; dự án Xây dựng trung tâm văn hóa Tây Đô (khu trung tâm văn hóa, khu vui chơi giải trí đa chức năng) và dự án “Nâng cấp, mở rộng đường Hoàng Quốc Việt”, phường An Bình- UBND quận Ninh Kiều làm chủ đầu tư được đánh giá là chi tiết, có thể mời gọi nguồn vốn nước ngoài đầu tư.

Lãnh đạo TP Cần Thơ làm việc với đoàn Hàn Quốc về dự án đầu tư xây dựng “Vườn ươm Công nghệ” trên địa bàn thành phố. Ảnh: MINH HUYỀN 

Lý giải việc xây dựng danh mục chưa bám sát yêu cầu thực tế, một số sở, ngành và quận, huyện cho biết do không được hướng dẫn cụ thể qui trình thực hiện, nên lúng túng trong xây dựng dự án. Theo UBND quận Bình Thủy, quận đề xuất 5 dự án (4 dự án mới và 1 dự án cũ) đã thông qua qui hoạch chi tiết 1/500. Trong đó, dự án Khu dân cư trên đường Nguyễn Thông (phường An Thới, qui mô 23,62ha) phục vụ tái định cư cho người dân thuộc dự án QL91B, đã thu hồi chủ trương đầu tư, hiện quận muốn tiếp tục mời gọi dự án này. Khu dân cư thuộc khu đô thị Tây Bắc (phường An Thới, qui mô 0,43ha) đã có doanh nghiệp xin đầu tư (Công ty cổ phần Miền Nam); khu nhà vườn cồn Khương (phường Bùi Hữu Nghĩa, qui mô 20,86ha) đã có chủ trương đầu tư, nhưng hiện triển khai rất chậm, chủ đầu tư không liên hệ với địa phương... Còn theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, các dự án mới của quận Bình Thủy đưa ra không nêu mục tiêu rõ ràng, chưa biết được hiện trạng đất, dòng đời dự án bao lâu, chưa xác định được nguồn vốn...

Ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, nói: “Sở đề xuất thêm 8 dự án mới, nhưng chỉ có tên dự án, còn qui mô, chi tiết cần phải bàn với sở khác. Bởi các dự án có liên quan đến ngành y tế, thông tin- truyền thông, như: Nhà máy sản xuất dụng cụ y tế kỹ thuật cao, Nhà máy lắp ráp điện tử và tin học. Riêng dự án xây dựng kho chứa hàng cấp khu vực, địa điểm đặt tại Ô Môn rất khó, bởi tương lai, cảng Cái Cui là cảng đầu mối khu vực, việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng ở đây sẽ thuận lợi hơn Ô Môn”. Theo ông Hiệp, thành phố có Ban chỉ đạo xây dựng khu công nghệ cao, nhưng còn lúng túng trong triển khai thực hiện, dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghệ cao đặt tại Khu công nghệ cao Bắc Ô Môn, qui mô 400ha; trong khi chưa thông qua qui hoạch chi tiết 1/500 khu công nghiệp này.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ cũng đề xuất 8 dự án, nhưng chỉ 1 dự án có thông tin chi tiết (xây dựng khu xử lý chất thải nguy hại tại Cần Thơ), còn lại 7 dự án chỉ có tên dự án, không có bất kỳ thông tin nào khác. Mặc dù thành phố đã xác định xã hội hóa trong mời gọi đầu tư, do ngân sách không kham nổi nhu cầu vốn cần cho một đô thị phát triển nhanh, nhưng chủ trương này chưa được triển khai tích cực, các sở, ngành thiếu quy chế phối hợp. Điều này làm tiến độ thu hút đầu tư vào thành phố gần như giậm chân tại chỗ.

Thay đổi tư duy

Ông Võ Thành Sang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết: “Trong danh mục 36 dự án mới, các sở, ngành và địa phương chưa nêu đầy đủ thông tin theo biểu mẫu yêu cầu (vốn, địa điểm, nhân lực...) nên không thể đưa vào danh mục mời gọi. Cũng phải thừa nhận trong quá trình rà soát, hướng dẫn các địa phương, sở, ngành lập danh mục dự án chưa có sự phối hợp nhịp nhàng. Sở nhận thiếu sót và sẽ tập hợp đầy đủ thông tin, để sớm trình UBND thành phố ban hành trong tháng 2-2012, làm cơ sở xúc tiến đầu tư năm 2012 và các năm tiếp theo”. Theo ông Sang, để có danh mục dự án hoàn chỉnh, dự án qui mô lớn cần sự phối hợp và đồng thuận giữa các sở, ngành trong việc xác lập dự án, tạo quỹ “đất sạch” sẵn sàng phục vụ nhà đầu tư khi họ đặt vấn đề.

Trong năm 2011, tác động suy thoái kinh tế, thành phố đã có 85 doanh nghiệp trong nước xin giải thể và thu hồi 10 giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài (vốn đăng ký 37,23 triệu USD). Song, thành phố đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 1.038 DN trong nước, vốn đăng ký 5.300 tỉ đồng; cấp 7 giấy chứng nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đăng ký 140 triệu USD, tăng 5,5 lần so với năm 2010. Hiện thành phố đã ban hành chính sách thu hút đầu tư, đang hoàn chỉnh kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011- 2015; đề án cơ chế thu hút các nguồn vốn BT, BOT, BO, PPP... tạo nền tảng cho thành phố trong việc mời gọi đầu tư, thúc đẩy sản xuất.

Năm 2012, thành phố xác định là năm tăng cường huy động và triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút các nguồn vốn cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư, đa dạng các nguồn vốn thông qua hình thức đầu tư BT, BOT, PPP... Trong đó, chú trọng những công trình, dự án đã ký kết ghi nhớ, hợp tác với nhà đầu tư. Nếu các chính sách này được triển khai đồng bộ sẽ hỗ trợ rất lớn cho thành phố trong xúc tiến đầu tư giai đoạn tới. Bên cạnh đó, công tác thẩm định dự án, thẩm định năng lực quản lý, tài chính nhà đầu tư cần chặt chẽ, nhằm tránh tình trạng nhà đầu tư “xí” dự án để giành đất. Công tác hậu kiểm dự án khi cấp chủ trương đầu tư cũng phải siết chặt, nhằm hạn chế dự án chậm tiến độ, phải thu hồi chủ trương đầu tư và tìm đối tác mới.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết