09/04/2013 - 19:43

Thu hồi đất thực hiện dự án

Cần công khai quy hoạch, đảm bảo tái định cư cho dân

Những năm qua, TP Cần Thơ chú trọng mời gọi các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, dự án các khu dân cư mới… Tuy nhiên, việc triển khai các dự án trong điều kiện không có quỹ đất công mà phải thu hồi đất từ người dân đang sử dụng đã vướng phải không ít khó khăn. Mới đây, Khoa Luật –Trường Đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo "Xác định khó khăn và đề xuất giải pháp khi thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn TP Cần Thơ".

Còn nhiều nút thắt

Dự án Kè sông Cần Thơ chậm tiến độ một phần ảnh hưởng bởi công tác giải phóng mặt bằng. 

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, công tác thu hồi đất là một công việc phức tạp, nhạy cảm liên quan đến nhiều vấn đề, tác động đến nhiều mặt của xã hội và cộng đồng dân cư. Thực tiễn cho thấy, thu hồi đất là điều kiện tiên quyết để dự án có thể thực hiện đúng tiến độ. Song, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (gọi tắt là công tác giải phóng mặt bằng- GPMB) đang tồn tại một số khó khăn và hạn chế, đó là: thiếu sự đồng thuận của người dân, cơ chế trong công tác GPMB chưa thật sự phù hợp và đồng bộ, sự phối hợp của các bên tham gia thực hiện công tác GPMB chưa chặt chẽ…

Bà Đặng Thị Anh Đào, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND TP Cần Thơ, cho biết: Các dự án đầu tư xây dựng được nhà nước giao đất trên địa bàn thành phố thực hiện chủ yếu từ 3 nguồn vốn, gồm: ngân sách nhà nước, vốn ODA và vốn của nhà đầu tư. Từ đó nảy sinh nhiều cơ chế khác nhau trong công tác GPMB dẫn đến khiếu nại về sự công bằng trong thực hiện các chính sách đối với các dự án khác nhau về nguồn vốn, nhưng liền kề ranh giới và trên cùng một địa bàn phường, xã. Công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa chặt chẽ; cơ sở dữ liệu về đất đai chưa được cập nhật, chỉnh lý thông tin đầy đủ, kịp thời, không sát thực tế. Kết quả, khi thực hiện công tác đo đạc, lập hồ sơ kỹ thuật mất thời gian xác minh, tiến độ áp giá chậm, thời gian thu hồi đất kéo dài, ảnh hưởng tiến độ dự án…

Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, thu hồi đất ở không có chính sách hỗ trợ như đất nông nghiệp, trong khi giá đất chưa sát với giá thị trường nên gặp không ít khó khăn. Việc xác định giá đất thị trường là rất khó, hơn nữa giá đất bị ảnh hưởng bởi khung giá đất ban hành hằng năm của Chính phủ. Bên cạnh đó, việc tạo quỹ đất sạch, quỹ đất tái định cư trên địa bàn thành phố thời gian qua gặp không ít khó khăn, do thiếu nguồn vốn đầu tư. Vì vậy, nhà nước, nhà đầu tư phải bỏ ra số tiền không nhỏ để hỗ trợ tiền thuê nhà tạm cư. Công tác quản lý đô thị còn yếu kém, xảy ra tình trạng nhà xây dựng không phép, trái phép…

Mặt khác, tâm lý người dân thích gắn liền với mảnh đất nơi sinh ra nên ngại thay đổi về nơi ở, điều kiện sống mới. Lẽ đó, khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án thường người dân mong muốn được bố trí tái định cư tại chỗ. Một bộ phận người dân khi bị thu hồi đất để thực hiện các dự án có sinh lợi có tâm lý muốn được nhận giá bồi thường cao, được mua nhiều nền tái định cư theo giá hỗ trợ để cho con, cháu; một số cơi nới đối phó để được hưởng lợi thêm khi dự án triển khai…

Giải pháp tháo gỡ

Theo khảo sát của tiến sĩ Phan Trung Hiền, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện ở 376 hộ dân bị giải tỏa bởi các dự án trên địa bàn TP Cần Thơ có 69,48% người dân cho rằng bảng giá đất thành phố ban hành hằng năm để áp giá bồi thường không sát giá thị trường. Vì vậy 92,5% số người dân chưa hài lòng khi bị thu hồi đất với lý do liên quan đến việc tính giá tiền bồi thường không hợp lý. Yêu cầu trước tiên mà người dân đặt ra là bảo đảm giá bồi thuờng về đất là giá giao dịch trên thị trường. Khi thu hồi đất phải đảm bảo khu tái định cư có thể "định cư" và đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp thực sự tạo ra nghề cho người nông dân mất đất sản xuất.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, chia sẻ: Thời gian qua, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Cần Thơ thực hiện tái định cư theo 3 phương án. Thứ nhất, đối với các dự án khu dân cư trên 10 ha, chủ đầu tư nộp lại 10% đất thành phẩm bố trí tái định cư. Thứ hai, khoảng 75% người dân bán nền tái định cư đi nơi khác sinh sống do thói quen không thích sống ở khu tái định cư, trung tâm thực hiện tái định cư phân tán, hỗ trợ bằng tiền 1,15 triệu đồng/m2 cho người dân để họ tự tìm nơi ở. Thứ ba, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư các khu tái định cư, chính quyền thu hồi 70% còn 30% chủ đầu tư tự kinh doanh và tỷ lệ thay đổi theo các quận huyện 6/4, 5/5. Trung tâm thực hiện quản lý tốt quỹ đất công, xây dựng tái định cư, cho thuê hay đấu giá nộp vào ngân sách nhà nước, tạo thêm nguồn thu. Bên cạnh đó, khai thác quỹ đất, khi làm đường mỗi bên thu hồi 200m mở rộng làm khu dân cư, tiến hành đấu giá giao cho nhà thầu thứ cấp tạo hiệu quả kinh tế và mang lợi ích xã hội.

Giáo sư- Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Thu hồi đất, GPMB chắc chắn không bao giờ đạt được 100% ý kiến đồng thuận, ở một số nước trên thế giới khi đạt được 70-80% ý kiến đồng thuận thì nhà nước quyết định áp dụng cơ chế thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Các nước đã và đang thực hiện công nghiệp hóa thường áp dụng 2 cơ chế chủ yếu, đó là: cơ chế "chia sẻ lợi ích", người mất đất được gắn lợi ích lâu dài với dự án đầu tư hạ tầng loại này. Hay cơ chế "góp đất và điều chỉnh lại đất", người bị thu hồi đất luôn có đất trong khu phi nông nghiệp mới và sự phát triển của họ luôn gắn với sự phát triển của dự án đầu tư. Về cách tính giá đất theo giá thị trường, địa phương có thể căn cứ giá đất 3 năm liên tiếp gần nhất, trên cơ sở đó tính ra giá đất theo giá thị trường…

Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác GPMB, hầu hết các chuyên gia, nhà khoa học cũng như cán bộ địa phương cho biết rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên. Chính quyền địa phương phải thường xuyên đối thoại với người dân, tìm phương pháp giải thích cho phù hợp. Từ đó tác động và tạo chuyển biến trong nhận thức của người bị thu hồi đất về sự cần thiết phải thực hiện dự án. Trước khi thực hiện dự án cần điều tra xã hội học để thu thập các số liệu chính xác, phân tích điều tra. Xây dựng nhiều phương án bồi thường phù hợp với từng thành phần cư dân đang sinh sống trong vùng dự án. Về phía nhà đầu tư phải cân nhắc tất cả các vấn đề có thể phát sinh, nhất là trong công tác GPMB; đặc biệt là chi phí và thời gian để thực hiện công tác này. Cần công khai, minh bạch mọi vấn đề về công tác GPMB của dự án để người dân có thể hiểu và hợp tác.

Bải, ảnh: T.Trinh

Chia sẻ bài viết