02/07/2012 - 20:55

Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012 giai đoạn II

Cần có sự phối hợp để đạt kết quả cao

Điều tra viên đang điều tra, thu thập số liệu tại một hộ sản xuất, kinh doanh ở ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai.

Từ ngày 1-7 đến 30-7, TP Cần Thơ cùng cả nước thực hiện giai đoạn II đợt Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012 (gọi tắt là Tổng điều tra). Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, đợt tổng điều tra có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đánh giá sự phát triển của các loại hình doanh nghiệp, các cơ sở kinh tế tư nhân, cá thể...; giúp lãnh đạo địa phương có những chính sách quản lý, điều hành kinh tế - xã hội. Vì vậy, ngoài ngành thống kê, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành hữu quan để cuộc tổng điều tra thành công tốt đẹp...

Cuộc tổng điều tra được triển khai hai giai đoạn: Giai đoạn I, từ ngày 1-4 đến ngày 31-5, với đối tượng điều tra là khối doanh nghiệp. Giai đoạn II, từ ngày 1-7 đến ngày 30-7, với khối cơ sở hành chính, sự nghiệp, kinh doanh cá thể và khối tôn giáo, tín ngưỡng. Đến đầu tháng 7, TP Cần Thơ đã cơ bản hoàn thành công tác điều tra giai đoạn I với khoảng 6.500 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Ông Lê Ngọc Bảy, Cục trưởng Cục Thống kê TP Cần Thơ kiêm Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tổng điều tra TP Cần Thơ, cho biết: Kết quả này nhờ sự phối hợp của các sở, ngành có liên quan với ngành thống kê trong việc thành lập Ban chỉ đạo, tổ thường trực các cấp đúng thời gian, đúng thành phần nhằm đảm bảo tổ chức, chỉ đạo các bước công việc của cuộc Tổng điều tra tại các địa phương.

Ngày 1-7, cùng với cả nước, 85/85 xã, phường, thị trấn của TP Cần Thơ đồng loạt tổ chức ra quân thực hiện giai đoạn II đợt tổng điều tra. Theo đó, từ ngày 1-7 đến 30-7, trên 1.200 điều tra viên, tổ trưởng của các xã, phường, trị trấn tiến hành thu thập thông tin, điều tra... gần 72.500 cơ sở, cá thể sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, 1.400 cơ sở hành chính sự nghiệp và khoảng 460 cơ sở tôn giáo trên địa bàn thành phố. Ông Nguyễn Văn Đen, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, cho biết: Hiện nay, đang thời điểm mùa mưa, dù đã có bước chuẩn bị cơ bản danh sách, đối tượng phỏng vấn nhưng chắc chắn ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tiến độ cuộc Tổng điều tra. Ngoài ra, cơ sở, cá thể sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp ở địa phương, nhất là các phường, thị trấn rất đông. Việc tiếp cận, thu thập các thông tin liên quan đến các vấn đề như: tình trạng đăng ký kinh doanh, lao động và thu nhập của người lao động, doanh thu, tài sản, nguồn vốn... của điều tra viên chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Vấn đề này, chị Trương Thị Thủy, điều tra viên ở ấp Thới Phong A, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, cho biết: Trước khi tiến hành các cuộc điều tra, các điều tra viên đều được tập huấn, huấn luyện khá kỹ nên ít khi gặp trở ngại trong việc thu thập thông tin. Tuy nhiên, đối với các cá thể, hộ kinh doanh... buôn bán tại chợ, điều tra viên phải biết lựa thời gian đến điều tra, chủ yếu vào buổi trưa để tránh thái độ không hợp tác của người được điều tra. Đồng thời, điều tra viên phải có kỹ năng, trình độ, am hiểu địa bàn... thì mới có thể hoàn thành tốt việc điều tra và ghi biểu mẫu.

Ông Lê Minh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho rằng: Đợt tổng điều tra nói chung và giai đoạn II nói riêng quy mô lớn, phức tạp; đối tượng điều tra bao gồm toàn bộ các cơ sở thuộc hai lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và hành chính sự nghiệp. Vì vậy, các ngành hữu quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh địa phương thông qua đĩa CD, tài liệu hỏi đáp, dán pano, áp phích... ở những nơi công cộng, nhất là các chợ, nơi tập trung cơ sở kinh doanh mua bán... Từ đó, giúp mọi người hiểu và hợp tác với điều tra viên hoàn thành tốt công tác điều tra. Vì tính chất quan trọng của cuộc tổng điều tra, theo ông Lê Minh Sơn, điều tra viên và tổ trưởng phải thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, trực tiếp đến cơ sở thu thập thông tin, kiểm tra kết quả phiếu điều tra cả về nội dung, phương pháp tính... Đặc biệt lưu ý, công tác kiểm tra phiếu của điều tra viên cần được thực hiện trong ngày, không để dồn nhiều ngày và phải nộp về trên nhằm đảm bảo việc sửa lỗi (nếu có), hoàn chỉnh... đúng theo tiến độ đề ra.

Ông Lê Ngọc Bảy, Cục trưởng Cục Thống kê TP Cần Thơ, cho biết: TP Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL, tập trung nhiều cơ sở kinh tế, đơn vị hành chính, sự nghiệp của cả Trung ương, vùng và địa phương; có tốc độ phát triển nhanh cả về quy mô, số lượng, đa dạng về loại hình, ngành kinh tế... Kết quả của cuộc tổng điều tra sẽ phản ánh bức tranh đa dạng về sự phân bố tổng thể các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp, sự phân bổ lực lượng lao động trong các ngành kinh tế của địa phương. Số liệu của cuộc tổng điều tra sẽ giúp lãnh đạo địa phương có cơ sở để đánh giá kết quả những chính sách quản lý, những mặt tích cực, sự phát triển không ngừng của các loại hình doanh nghiệp, các cơ sở kinh tế tư nhân, cá thể; tình hình thu hút vốn đầu tư; chất lượng nguồn nhân lực trong các thành phần kinh tế của địa phương trong thời gian qua... Từ đó giúp lãnh đạo địa phương có những chính sách trong quản lý, điều hành để xây dựng TP Cần Thơ thực sự trở thành một thành phố động lực của ĐBSCL. Cuộc tổng điều tra nói chung và giai đoạn II nói riêng có liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nên cần có sự phân công và phối hợp nhịp nhàng của các ngành hữu quan trong việc tuyên truyền để các đối tượng điều tra hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của tổng điều tra từ đó có sự hợp tác, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ...; giúp kết quả điều tra có độ tin cậy cao.

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Điều tra viên đang điều tra, thu thập số liệu tại một hộ sản xuất, kinh doanh ở ấp Thới Thuận B, th&#

Chia sẻ bài viết