12/01/2010 - 21:13

NÂNG CAO GIÁ TRỊ VÀ SỨC CẠNH TRANH CỦA HÀNG NÔNG SẢN, SẢN PHẨM LÀNG NGHỀ Ở ĐBSCL

Cần có sự kết nối giữa nhà sản xuất, doanh nghiệp chế biến và nhà phân phối, bán lẻ

Trong khuôn khổ Chương trình “Hàng Việt về nông thôn” tại tỉnh Đồng Tháp (diễn ra ngày 8 đến 10-1-2010), Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp với Báo Sài Gòn Tiếp Thị và Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp tổ chức buổi tọa đàm: Kết nối nhà sản xuất và doanh nghiệp (DN) chế biến, nhà phân phối về nông sản, đặc sản làng nghề “Làm gì để tăng sức cạnh tranh khi đưa hàng về TP Hồ Chí Minh”. Tại tọa đàm này, các nhà sản xuất ở Đồng Tháp đã có điều kiện gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các DN và chuyên gia về đầu ra, các biện pháp nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của nông sản và sản phẩm làng nghề.

ĐẦU RA NÀO CHO SẢN PHẨM?

Nhiều nhà sản xuất nông sản và sản phẩm làng nghề ở Đồng Tháp cho rằng: Khó khăn lớn nhất mà họ đang gặp là vấn đề đầu ra của sản phẩm. Người sản xuất còn trong thế bị động, không biết trước đầu ra của sản phẩm, cũng như giá cả và nhu cầu của thị trường, trông chờ nhiều vào sự may rủi và còn phụ thuộc nhiều ở hoạt động thu mua của các thương lái. Đa phần nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản theo tập quán lâu đời. Họ dốc vốn, công sức đầu tư trong suốt ba tháng, thậm chí ba năm để làm ra một loại hàng hóa chưa biết chắc giá cả, không rõ sẽ bán cho ai. Vì vậy, giá cả đầu ra của sản phẩm rất bấp bênh, nhiều lúc họ phải bán sản phẩm dưới giá thành sản xuất.

Người tiêu dùng đến mua sắm tại Phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” được tổ chức ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp ngày 8 đến 9-1-2010. 

Ông Trần Văn Tuấn, nhà vườn trồng cây ăn trái ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, bộc bạch: “Đồng Tháp hiện có nhiều loại trái cây ngon như: xoài cát chu, xoài cát Hòa Lộc, quýt hồng, các loại nhãn, thanh long... Nhưng phần lớn nhà vườn trồng cây ăn trái tại tỉnh vẫn còn nghèo do giá bán sản phẩm rất bấp bênh, sản xuất mà không được quyền định giá. Nông dân phải chịu rất nhiều thiệt thòi khi gặp cảnh trúng mùa mất giá, rộ mùa rớt giá”.

Ông Phạm Hữu Thiện ở ấp An Hòa, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, cho biết thêm: “Việc sản xuất cây ăn trái, rau củ cũng như nhiều loại nông sản khác của bà con đang trong tình trạng nhỏ lẻ, tự phát, thiếu liên kết, quy hoạch và sự đầu tư đồng bộ về vốn, giống, kỹ thuật... Sản phẩm làm ra không đồng đều và đồng bộ, không có thương hiệu nên chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng của các khách hàng lớn, khó cung cấp hàng trực tiếp cho các siêu thị, DN chế biến, nhà phân phối, xuất khẩu. Hiện hầu hết các sản phẩm nông sản của nông dân chủ yếu được bán thông qua thương lái và tại các chợ truyền thống. Do đầu ra sản phẩm còn rất bấp bênh, giá trị và sức cạnh tranh kém, nhà sản xuất bỏ ra nhiều công sức nhưng thu lợi thấp và có xu hướng ngày càng nghèo, còn các DN, nhà phân phối, bán hàng lại giàu lên”.

Hiện nay, nhiều sản phẩm làng nghề cũng đang trong tình trạng sản xuất còn tự phát, bán hàng qua trung gian, chưa nắm bắt được khách hàng và kịp cải tiến theo nhu cầu của thị trường nên đầu ra bấp bênh. Nhiều người sản xuất chưa biết cách xây dựng thương hiệu và quảng bá, giới thiệu những nét đặc trưng riêng trong sản phẩm làng nghề tại địa phương mình. Ông Huỳnh Văn Bé, chủ cơ sở chế biến muối sấy Ngọc Yến ở thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, tâm sự: “Hiện nay, nhiều sản phẩm làng nghề ở các địa phương trong nước còn trùng lắp, giống nhau, chưa thể hiện rõ nét đặc trưng riêng do phát triển còn tự phát, thiếu một quy hoạch chung. Trình độ quản lý sản xuất tại các làng nghề chưa đồng đều (nhiều người chưa được đào tạo chuyên môn một cách bài bản), sản phẩm thiếu thương hiệu, trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hẹp. Điều đó làm cho sản phẩm làng nghề chưa nâng cao được giá trị và số lượng sản phẩm đầu ra dẫn đến thu nhập của những người tham gia sản xuất còn thấp và bấp bênh”.

CẢI TIẾN SẢN PHẨM VÀ KẾT NỐI CÁC DN - GIẢI PHÁP KHẢ THI

Theo các nhà nghiên cứu và chuyên gia thị trường, để nâng cao giá trị và tăng sức cạnh tranh của nông sản, sản phẩm làng nghề tại Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, người sản xuất cần định hướng lại việc sản xuất, đẩy mạnh việc nâng cao các kiến thức khoa học, tích cực nắm bắt thông tin và thị trường, liên kết và tập hợp lại để thoát khỏi tình trạng nhỏ lẻ, đi lên sản xuất hàng hóa có tính cạnh tranh cao. Người sản xuất cần phải liên kết và kết nối với các DN chế biến và nhà phân phối, bán lẻ hàng nhằm phát triển thêm các kênh bán hàng mới. Đó là các kênh bán hàng trực tiếp cho các DN chế biến, các DN, nhà phân phối, bán lẻ hàng, thay vì chỉ bán hàng thông qua các thương lái như trước đây. Mặt khác, công tác tiếp thị cho sản phẩm cần được quan tâm nhiều. Người sản xuất cần có cách tiếp thị mới cho sản phẩm của mình, phải làm cho người tiêu dùng thấy được công năng, tác dụng mới và sự đặc trưng, độc đáo riêng của sản phẩm, cũng như sự tiện lợi và an toàn cho người sử dụng.

Công ty Vinamit là DN nghiên cứu bảo quản, chế biến các loại rau, củ, quả phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Hiện công ty có hơn 20 sản phẩm rau, củ, quả chế biến như: mít sấy, xoài sấy, chuối sấy... Nói về việc định hướng sản xuất cho nông dân, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Vinamit, kiêm Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp và Trang trại nông dân- nông thôn Việt Nam, cho rằng: “Hiện nay nông sản Việt Nam đang rất bấp bênh trên thị trường, cả nội địa và xuất khẩu. Để tránh được tình trạng đó, nông dân nhất thiết phải xây dựng thêm các phương thức và kênh bán hàng mới, hiện đại như: cung cấp cho hệ thống siêu thị, các nhà máy chế biến. Nông dân Việt Nam cần phát triển hướng tới hệ thống siêu thị và các thị trường lớn, phục vụ xuất khẩu, chứ không chỉ là các chợ nhỏ và bán hàng cho thương lái như lâu nay. Làm như vậy mới giúp việc sản xuất gắn với yêu cầu của thị trường, tránh tình trạng thừa hàng rớt giá và bị thương lái ép giá. Ngoài ra, đó còn là điều kiện để nông dân kịp thời điều chỉnh việc sản xuất của mình một cách phù hợp để sản phẩm làm ra đáp ứng các yêu cầu về số lượng, chất lượng và có giá trị gia tăng ngày càng cao”.

Theo chuyên gia thị trường Hoàng Trọng, Công ty Tư vấn Người mở đường, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, nông sản của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, vấn đề là chúng ta phải biết tiếp thị và tạo sự tiện lợi cho người tiêu dùng khi sử dụng. Người phương Tây rất thích đi xe đạp vì họ được tuyên truyền rằng xe đạp là phương tiện dành cho người quan tâm đến môi trường và muốn bảo vệ sức khỏe. Còn ở nước ta nhiều người dân ngại đi xe đạp vì quan niệm rằng nó là phương tiện dành cho người nghèo. Tương tự, đối với mặt hàng nông sản là khoai lang, nhiều người vẫn quan niệm nó là thực phẩm dành cho người nghèo, muốn cho khoai lang nâng cao được giá trị và được nhiều người tiêu dùng ở các thành phố lớn (như TP Hồ Chí Minh) sử dụng nhiều cần phải chế biến các món ăn hoặc sơ chế và đóng gói phù hợp, dễ chế biến và tiện dụng đối với cư dân thành thị. Mặt khác, cần phải có cách tiếp thị mới là làm cho mọi người thấy khoai lang không phải là thực phẩm của người nghèo, mà là loại củ có lợi cho sức khỏe, giúp bảo vệ sức khỏe... Muốn làm được như vậy, ngoài nông dân, cần phải có sự tham gia của Nhà nước và các nhà khoa học, các phương tiện thông tin đại chúng và DN trong việc thông tin, tuyên truyền, đưa sản phẩm vào thị trường. Ông Hoàng Trọng, cũng cho rằng: “Hiện đa số nông sản của bà con nông dân Việt Nam còn ở dạng thô, thiếu bao bì, thương hiệu và chưa tiện dụng. Trong khi đó, sự tiện dụng rất cần đối với cư dân thành thị do áp lực công việc, ít có thời gian rảnh và hạn chế về kỹ năng nấu nướng. Họ muốn nấu ăn nhanh và cần những đồ nấu, nướng được sơ chế sẵn và có hướng dẫn cách chế biến. Chính điều này đã làm cho nhiều loại nông sản của nhà nông vốn rất ngon, có giá trị dinh dưỡng cao nhưng lại bị yếu thế cạnh tranh ngay ở “sân nhà” so với nhiều nông sản cùng loại được nhập ngoại”.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết