31/08/2011 - 21:09

Cần có chiến lược ứng dụng công nghệ sinh học vào cuộc sống

Công nghệ sinh học (công nghệ gien hay công nghệ tế bào) đã được nhiều nước trên thế giới ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như: y dược, trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ môi trường… giúp đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội to lớn. Ở Việt Nam, dù đã được quan tâm nghiên cứu, nhưng việc ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học (CNSH) vào cuộc sống còn hạn chế, nhất là các sản phẩm do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất. Tại cuộc hội thảo khoa học về ứng dụng CNSH mới đây tại TP Cần Thơ, theo các nhà khoa học, để phát triển nhanh và bền vững, cần quan tâm nhiều hơn nữa đối với CNSH và phải có chiến lược đưa các ứng dụng CNSH vào cuộc sống.

CNSH - HƯỚNG PHÁT TRIỂN CHO TƯƠNG LAI

Việt Nam cần ứng dụng CNSH để sản xuất các loại thuốc và vaccine phục vụ phát triển nuôi thủy sản. 

Nhiều năm qua, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil... đã ứng dụng CNSH trong sản xuất nông nghiệp như: phân sinh học, nuôi cấy mô, tạo cây trồng chuyển đổi gien chống chịu sâu bệnh tốt... giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các ứng dụng CNSH vào cây trồng còn giúp nâng cao nhu nhập cho nông dân, giảm tác động xấu đến môi trường nhờ hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. CNSH còn được xác định là một phần quan trọng trong các giải pháp giúp đối phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh lương thực (ANLT) cho nhiều nước trên thế giới. Tại nhiều quốc gia, việc trồng các loại cây biến đổi gien như đậu nành, cải dầu, bắp, bông vải, đu đủ... giúp tăng hiệu quả kinh tế nhờ năng suất tăng cao và giảm đáng kể lượng vật tư và phân thuốc sử dụng, đồng thời giúp giảm tác động xấu đến môi trường.

Theo Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh, hiện đã có hơn 15,4 triệu nông dân trên thế giới áp dụng CNSH trong nông nghiệp, với tổng diện tích trồng trọt vượt hơn 1 tỉ ha. Lợi nhuận ròng toàn cầu của CNSH trong năm 2010 ước tính khoảng 150 tỉ USD và dự kiến sẽ tăng tăng trưởng 10-15% mỗi năm. Tiến sĩ Andrew Powell, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Asia BioBusiness (Hoa Kỳ), dẫn chứng: Tại Ấn Độ, năng suất trung bình bông vải tăng từ 308kg/ha năm 2008 đã lên 526 kg/ha trong năm 2011, tăng 70%. Phân nửa trong 70% tăng thêm này do giống bông biến đổi gien Bt (bông Bt - Bacillus thuringiensis) mang lại. Ngoài ra, nhờ giống bông này mà từ năm 1988 đến 2006, tại Ấn Độ đã giảm 56% thuốc diệt loài sâu bướm ăn bông. Còn tại Trung Quốc, năm 2009, có 7 triệu nông dân gieo trồng giống bông Bt, năng suất đã tăng 9,6% và cắt giảm được 60% lượng thuốc trừ sâu.

Hiện nay, các lĩnh vực nông lâm nghiệp tạo ra khoảng 30% lượng khí nhà kính toàn cầu. Trong khi đó, biến đổi khí hậu đang dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt ngày càng trầm trọng tại nhiều nơi. Do vậy, việc phát triển các loại cây trồng, vật nuôi biến đổi gien chẳng những giúp giảm thiểu các loại khí nhà kính, giảm thiểu các nguyên nhân gây biến đổi khí hậu mà còn là giải pháp quan trọng để gia tăng năng suất, sản lượng giúp đảm bảo ANLT, chống nghèo đói, thiếu dinh dưỡng.

ĐBSCL hiện là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, nơi cung cấp chủ lực nhiều loại nông sản phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu như gạo, thủy sản, trái cây... Tuy nhiên, ĐBSCL được dự đoán là một trong những nơi trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng. Sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL trong vài thập niên tới sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có biện pháp chủ động đối phó ngay từ bây giờ và điều này có thể đe dọa đến vấn đề ANLT và việc duy trì lượng nông sản xuất khẩu. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, nhiệt độ trái đất đang tăng do biến đổi khí hậu, khi nhiệt độ tăng thêm 10C, sản lượng nông nghiệp sẽ giảm 10%. Nếu ngay từ bây giờ không có biện pháp chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, dự kiến đến năm 2100 sản lượng nông nghiệp tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có ĐBSCL sẽ giảm tới 50%. Do vậy, việc nghiên cứu đưa các ứng dụng CNSH vào sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết nhằm phục vụ cho sự phát triển bền vững của ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung.

NHANH CHÓNG ỨNG DỤNG CNSH VÀO CUỘC SỐNG

Tại cuộc hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Đại Sứ quán Hoa Kỳ và Trường Đại học Cần Thơ tổ chức với chủ đề “Công nghệ sinh học: Hướng phát triển cho tương lai”, nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước cho rằng, thời gian qua CNSH không chỉ được ứng dụng trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi mà còn được phát triển, ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực y dược, môi trường... giúp mang lại nhiều hiệu quả to lớn. Tại Việt Nam, thời gian qua nhiều cơ quan, đơn vị và viện, trường đã có nhiều công trình nghiên cứu về các ứng dụng của CNSH. Tuy nhiên, hiện việc ứng dụng các sản phẩm CNSH vào cuộc sống còn hạn chế, nhất là các sản phẩm do Việt Nam sản xuất. Nguyên nhân, do còn thiếu một chương trình và cơ chế chính sách nhằm tập hợp các nghiên cứu lại, lựa chọn các nghiên cứu khả thi để đưa ứng dụng ngay vào cuộc sống. Để phát huy các ưu thế và hiệu quả thiết thực từ CNSH, các nhà khoa học cho rằng, các ngành chức năng cần xây chiến lược, chương trình nhằm đẩy mạnh việc nghiên cứu khả thi, đưa các sản phẩm và ứng dụng CNSH vào cuộc sống.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh, tại các nước trên thế giới còn có những tranh cãi và còn có xu hướng trái ngược nhau về việc sử dụng các loại cây trồng, vật nuôi biến đổi gien làm thực phẩm cho con người. Tuy nhiên, thực tế đã khẳng định sự rất cần thiết của CNSH và việc sử dụng nó không chỉ nhắm vào việc phát triển các loại cây trồng, vật nuôi làm thực phẩm cho con người mà đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác mà hầu như đã được cả thế giới ủng hộ. Đó là việc ứng dụng CNSH vào lĩnh vực y dược như: sản xuất insulin tái tổ hợp thay cho Insulin tách từ heo để dùng cho bệnh nhân tiểu đường; sản xuất hóc môn tăng trưởng tái tổ hợp thay cho việc trích từ tuyến yên người chết; sản xuất các loại thuốc và vaccine phòng, trị các bệnh viêm gan siêu vi B, cúm gia cầm... Trong năm 2010, ước tính giá trị thị trường dược sinh học đạt hơn 95 tỉ USD. Ngoài ra, hiện CNSH còn được nhiều nước trên thế giới ứng dụng rộng rãi vào việc tạo ra các loại cây công nghiệp (như bông vải) cho năng suất cao, kháng sâu bệnh. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình cho rằng: “Việt Nam cần tập trung nghiên cứu ứng dụng CNSH vào các lĩnh vực mà hầu như các nước trên thế giới đều ứng dụng và không có các ý kiến tranh cãi như: lĩnh vực y dược, cây công nghiệp, cây trồng làm thức ăn chăn nuôi... vừa giúp tăng hiệu quả sản xuất, lại không ảnh hưởng đến các hoạt động xuất khẩu nông sản. Hiện tại, thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam khá đắt vì thiếu nguyên liệu và phải phụ thuộc nhiều vào các nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Do đó, nên ưu tiên ứng dụng CNSH phát triển các loại cây làm thức ăn chăn nuôi như: bắp, đậu nành... Phát triển các loại cây công nghiệp mang tính chiến lược. Đồng thời, cần đẩy mạnh sử dụng CNSH để nghiên cứu các loại thuốc và vaccine phòng trị bệnh cho các đối tượng vật nuôi quan trọng của Việt Nam như: cá tra, tôm sú... nhằm giảm lượng thất thoát và giảm lượng sử dụng thuốc kháng, giúp nâng cao chất lượng và giá trị”.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết