23/04/2010 - 20:41

Phát triển nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL

Cần chiến lược, quy hoạch cụ thể

Làm thế nào để phát triển nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL? Đây là câu hỏi được nhắc lại nhiều lần trong các cuộc hội thảo cấp quốc gia, vùng nhằm tìm giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững trong điều kiện dân số tăng, biến đổi khí hậu… Các nhà khoa học, chuyên gia cho rằng, vùng ĐBSCL có tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, nhưng sự phát triển này đang bộc lộ rất nhiều bất cập. ĐBSCL không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia mà cho hàng trăm triệu người trên thế giới (Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới). Do vậy, nếu không có sự đầu tư tương xứng với đóng góp của vùng, thì tương lai không xa “vựa nông sản” này sẽ mất đi vai trò chiến lược của mình.

Những bất cập

ĐBSCL đóng góp 36% giá trị sản xuất nông nghiệp, hơn 50% sản lượng lúa, 90% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây cả nước. Tuy nhiên, tình trạng phát triển thiếu quy hoạch, nông dân luôn thiếu thông tin về thị trường, hạ tầng giao thông chậm phát triển, dân trí thấp... là những nhân tố làm cho sản phẩm nông nghiệp của vùng giảm ưu thế cạnh tranh, giá trị gia tăng trong nông sản thấp. Sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL vẫn dựa vào tiềm năng sẵn có, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô. Sự phát triển sản xuất nông nghiệp của vùng đang bộc lộ nhiều bất cập, thiếu bền vững sẽ đe dọa đến vai trò chiến lược của vùng trong việc đảm nhận vai trò an ninh lương thực quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Diệp Kỉnh Tần cho biết: “Chất lượng nguồn nhân lực thấp, mức đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng của vùng; thiếu nước ngọt trong mùa khô, sạt lở ven sông, biển ngày càng nhiều, nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt vì sự khai thác thiếu khoa học... đã trở nên nghiêm trọng trước tác động của biến đổi khí hậu và tạo ra nguy cơ phát triển không bền vững cho sản xuất nông nghiệp của vùng”. Sản xuất nông nghiệp rất nhiều rủi ro, ngoài yếu tố về thị trường, thì rào cản thương mại, kỹ thuật của các nước nhập khẩu cũng tác động trực tiếp đến thu nhập của nông dân. Mặt khác, ĐBSCL là vùng chịu tổn thương nặng nề nhất trong biến đổi khí hậu. Theo kết quả quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2009 cho thấy, nếu mực nước biển dâng thêm 1 mét trong tương lai thì 15.000 km2 (khoảng 38% diện tích) vùng ĐBSCL bị chìm trong nước. Trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình tăng 0,5-0,70C, lượng mưa lại giảm 2%, nếu không có giải pháp ứng phó ngay từ bây giờ thì hậu quả sẽ rất nặng nề; 10 năm nữa, ĐBSCL khó mà đảm đương nổi vai trò an ninh lương thực cho quốc gia, xuất khẩu.

Nông dân ĐBSCL rất nhạy bén trong ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất.  Trong ảnh: Tham quan mô hình sản xuất lúa ở An Giang 

Theo GS.TS Phạm Văn Biên, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cây lúa ở ĐBSCL đã trụ vững vàng hơn 20 năm qua dù trải qua nhiều biến động. Rồi khủng hoảng kinh tế thế giới, nông dân ĐBSCL vẫn hội nhập tốt, tuy họ vẫn nghèo. Liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp được thực hiện nhiều năm qua, nhưng phải thừa nhận là mối liên kết này chưa thực sự bền vững và không có chất keo kết dính, tình trạng phá vỡ hợp đồng thường xuyên diễn ra. Trong liên kết này, chỉ có nhà khoa học và nông dân là gắn chặt nhất, một bên chuyển giao khoa học, một bên thực hiện, còn nông dân- doanh nghiệp thì không có sợi dây ràng buộc, mà cũng không ai đứng ra giải quyết mâu thuẫn giữa 2 nhà này. Người nông dân vẫn kiên trì bám trụ trên mặt trận của mình và luôn thiệt thòi vì họ chưa được hưởng lợi xứng đáng trên sản phẩm do mình làm ra. Năm 1979 đã có quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL và từ đó đến nay, rất nhiều quy hoạch được phê duyệt mà chưa đi đến đâu, dù được xây dựng có cơ sở khoa học, nghiêm túc. Do việc triển khai quy hoạch ra thực tế còn rất xa và cũng không ai chịu trách nhiệm.

Hơn 20 năm qua, sản phẩm nông nghiệp của ĐBSCL vẫn phát triển và hội nhập thị trường thế giới nhanh, rộng, đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế, kim ngạch xuất khẩu chung cả nước. Song, sự phát triển này vẫn chủ yếu dựa vào tiềm năng, lợi thế sẵn có, xuất khẩu ở dạng thô mà chưa có sự đầu tư chuyên sâu để tạo ra sản phẩm nông nghiệp với hàm lượng chất xám cao. Cây lúa, con cá, con tôm, trái cây của vùng luôn bấp bênh với điệp khúc “được mùa, rớt giá” cứ lặp đi lặp lại suốt thời gian gần đây. Nông dân trực tiếp làm ra sản phẩm, nhưng phải chấp nhận mua lại những sản phẩm do mình làm ra với giá cao, vì phần lớn lợi nhuận đều nằm ở khâu trung gian.

Cần chiến lược, quy hoạch tổng thể

Hằng năm, ĐBSCL đóng góp khoảng 18% GDP cả nước. Vốn có lợi thế về sản xuất nông nghiệp vào bậc nhất trong khu vực và trên thế giới, ĐBSCL có thể tập trung đầu tư phát triển thành vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao. Các nhà khoa học nhận định, nông nghiệp tương lai của ĐBSCL phải là nền nông nghiệp hiện đại, thu hút đầu tư, áp dụng công nghệ cao và đòi hỏi phải có lực lượng nông dân trình độ cao để thực hiện quy hoạch sản xuất.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách- chiến lược và phát triển nông nghiệp Việt Nam, nói: “Để phát triển nông nghiệp bền vững trong tương lai ở ĐBSCL cần chiến lược, quy hoạch tổng thể một cách nghiêm túc và có cơ sở khoa học. Trong đó, phát triển bền vững phải tính tới việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên khan hiếm hiệu quả nhất. Đối với sản xuất nông nghiệp, ĐBSCL có 2 nguồn lực tự nhiên gồm đất và nước, do vậy phải sử dụng hiệu quả 2 nguồn lực này trong điều kiện ngày càng khắc nghiệt của thiên nhiên; đồng thời, tính đến việc tái tạo nó cho thế hệ mai sau. Quy hoạch nông nghiệp phải gắn với quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến, cơ sở hạ tầng và khu dân cư trong vùng để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp, sinh kế của người dân”. Trong đó, quy hoạch đất trồng lúa phải gắn với quy hoạch thủy lợi, nhà kho, sàn giao dịch nông sản. Trên lĩnh vực chăn nuôi phải quy hoạch xa khu dân cư, đảm bảo an toàn dịch bệnh và gắn với ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi. Phát triển thủy sản cần có hạ tầng thủy lợi đồng bộ, giảm nước thải để đảm bảo mục tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ xuất khẩu. Duy trì rừng sinh thái ngập nước, phát triển diện tích rừng phòng hộ. Các hệ thống thủy lợi phải gắn với sự phát triển của từng sản phẩm nông nghiệp cụ thể và đa mục tiêu.

Các nhà khoa học cho rằng, trong quy hoạch phát triển cần phải thống nhất từ Trung ương đến địa phương và có người đứng ra chịu trách nhiệm về quy hoạch, mới đảm bảo triển khai nhanh, hiệu quả. Mới đây, hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL” do Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Bộ NN&PTNT tổ chức tại TPHCM, nhiều ý kiến cho rằng, ĐBSCL muốn phát triển bền vững phải có sản phẩm bền vững, quyết sách bền vững và con người mới (nông dân sản xuất với tư duy của một doanh nhân). Mặt khác, phải nhìn nhận nghiêm túc về sự phát triển, đổi mới trong hơn 20 năm qua để rút ra bài học kinh nghiệm. Nhiều câu hỏi đặt ra là hơn 20 năm qua, nông nghiệp ĐBSCL đã phát triển bền vững chưa? Việc quy hoạch phát triển các sản phẩm như lúa, cá, trái cây... đã tính đến giá trị nội sinh chưa?... Câu trả lời là chưa bền vững và chưa ai tính đến giá trị nội sinh của từng sản phẩm. Mặt khác, không ai đứng ra chịu trách nhiệm khi quy hoạch sai, không phù hợp.

Theo các nhà khoa học, các nước tiên tiến như Mỹ, EU để đạt được mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp tiên tiến và bền vững, hằng năm cũng phải bỏ ra vài chục tỉ USD, Euro để hỗ trợ nông dân. Do vậy, để nông nghiệp ĐBSCL phát triển bền vững phải giải quyết rất nhiều vấn đề. Ngoài các chính sách hỗ trợ cho nông dân, cần tập hợp những doanh nghiệp kinh doanh, làm ăn thực thụ lại với nhau để họ bán sản phẩm (vật tư nông nghiệp, chế biến nông sản...) với giá gốc, giá chấp nhận được mới khuyến khích nông dân gắn bó với mảnh ruộng, ao, vườn của mình. Mặt khác, đưa nhanh ứng dụng khoa học ra dân, giảm bớt khâu trung gian.

Bài, ảnh: Gia Bảo

Chia sẻ bài viết