14/04/2018 - 17:12

Cần cách tiếp cận mới để nắm bắt tốt cơ hội 

Thời gian gần đây, tăng trưởng kinh tế của các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khá ấn tượng. Môi trường đầu tư kinh doanh của vùng được cải thiện đều qua từng năm. Những cơ hội mới đang đến và mở ra nhiều triển vọng cho ĐBSCL. Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ nhận định: “ĐBSCL đang thể hiện rất tốt vai trò yếu tố mềm trong quản lý. Tức là các địa phương rất năng động, sáng tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Chuyển biến nhưng vẫn nghẽn

* Ông có thể nói cụ thể hơn về “yếu tố mềm” này?

-Tại khu vực ĐBSCL, trong 10 năm trở lại đây kết quả PCI cho thấy chất lượng điều hành kinh tế được doanh nghiệp (DN) đánh giá khá cao và chúng ta chỉ có chững lại khoảng 3 năm (2012-2014) ở chỉ số thành phần Tính năng động của lãnh đạo có trầm xuống, các năm còn lại đều được đánh giá khá cao. Nếu tính về vùng thì ĐBSCL được đánh giá cao nhất về Tính năng động. Thậm chí các tỉnh giảm hạng PCI 2017, chỉ số này vẫn cao. Chỉ số Tiếp cận đất đai, Chi phí gia nhập thị trường cũng được DN đánh giá cao, cho thấy điều kiện, sức hút và mở cửa thuận lợi về cải cách hành chính khu vực này đang tốt hơn.

Bên cạnh đó, chỉ số Cạnh tranh bình đẳng khu vực ĐBSCL cũng được đánh giá nổi trội, dù vẫn còn những hạn chế nhưng các thành phần kinh tế khá bình đẳng khi thực hiện các điều kiện kinh doanh. Thiết chế pháp lý- chỉ tiêu đo lường về công bằng trong xử lý, thụ lý các vụ án, các tranh chấp… đã phản ánh phần nào được sự công bằng trên nhiều mặt của các địa phương. Mặc dù kết quả khả quan, nhưng một số chỉ số thành phần trong PCI của phản ánh ĐBSCL vẫn “trũng” so với mặt bằng chung của cả nước. Năm 2016, trong số 15 tỉnh đứng tốp cuối bảng xếp hạng về trình độ tốt nghiệp phổ thông, tay nghề thì ĐBSCL có “đủ mặt” 13 địa phương. PCI 2017, một số tỉnh bứt lên, vượt khỏi tốp này nhưng mặt bằng chung về nhân lực vẫn hạn chế rất lớn.

* Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển của vùng. Theo ông, các địa phương ĐBSCL phải thay đổi cách tiếp cận như thế nào để bắt kịp xu thế phát triển, gắn kết đào tạo với DN, theo đơn đặt hàng của DN?

-Tôi cho rằng đào tạo nhân lực không thể cải thiện trong năm ba năm. Thời gian qua, chúng ta tập trung quá nhiều vào đầu tư hạ tầng vật chất cho các trường, nhưng định hướng đầu ra vẫn chưa rõ, chưa đi theo chiến lược phát triển kinh tế cũng như chưa theo đơn đặt hàng của DN. Công nghệ, kỹ thuật là yếu tố nền và muốn làm chủ công nghệ, kỹ thuật phải có con người. Trong giai đoạn phát triển mới, các nhà máy sẽ không còn sử dụng nhiều lao động, thay vào đó là kỹ thuật cao, hiện đại. Như vậy, nếu không đào tạo nhân lực chất lượng cao, khó nắm bắt được những ngành mới, kỹ thuật mới và chỉ đón được dòng đầu tư sử dụng lao động phổ thông giản đơn.

Kể cả lĩnh vực nông nghiệp- thế mạnh của vùng, nhưng vẫn khó thu hút các nhà đầu. Rõ ràng, nhân lực là thách thức lớn nhất của ĐSBCL. Vùng có thể có nguồn tài nguyên dồi dào, nguyên liệu đáp ứng yêu cầu, hạ tầng khó nhưng vẫn có thể cải thiện sớm, còn yếu tố con người không thể cải thiện nhanh chóng. Hiện nay, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông, trung cấp nghề tại vùng khá nhiều nhưng vấn đề sử dụng nguồn lực và phát triển nguồn lực này vẫn nan giải. Bởi số lượng không song hành với chất lượng. Điều này đòi hỏi trách nhiệm từ nhiều phía: trường học, xã hội, DN… trong đào tạo và đào tạo phải nhắm đến những ngành, lĩnh vực mà vùng có khả năng phát triển.

Cần lực đẩy cho vùng

Sự phát triển của vùng ĐBSCL trên thực tế vẫn còn nhiều điểm nghẽn, song, phải nhìn nhận rằng, các địa phương đang rất nỗ lực cải thiện hình ảnh, môi trường kinh doanh để hút các nguồn lực bên ngoài vào vùng.

* Thưa ông, hiện nhiều địa phương ĐBCSL xem thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là nguồn lực rất quan trọng cho phát triển. Ông có nghĩ rằng đây là con đường duy nhất?

-Nếu nói lý thuyết tác động của FDI khi khai thác và sử dụng đúng thì nó có 4 tác dụng lớn. Đó là bổ sung nguồn vốn cho phát triển kinh tế; giúp các địa phương tiếp cận công nghệ mới; tiếp cận trình độ quản lý của DN FDI; giải quyết việc làm. Tuy nhiên, thực tế vùng ĐBSCL và nhiều địa phương cả nước chỉ đạt mục tiêu duy nhất là giải quyết việc làm cho lao động. Công nghệ, trình độ quản lý của DN FDI chúng ta chưa học được nhiều. Thực tế khác, trên bình diện chung, các DN FDI công nghệ cao chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số dự án đầu tư, đa phần vẫn là lắp ráp, chế tạo, chế biến. Riêng tổng vốn chế tạo chế biến chiếm đến khoảng 60% trong tổng vốn FDI.

Lãnh đạo thành phố và các chuyên gia Việt Nam, Nhật Bản trao đổi hợp tác đầu tư Nhật Bản - ĐBSCL tại hội nghị kinh doanh châu Á lần thứ 59 tổ chức tại TP Cần Thơ. Ảnh: NAM HƯƠNG

Đối với khu vực ĐBSCL, tôi cho rằng thu hút FDI là yếu tố cần thiết nhưng không phải quá quan trọng. Đơn cử như lĩnh vực nông nghiệp rất chật vật thu hút vốn FDI, dự án lĩnh vực này chưa quá 2% trên tổng dự án đầu tư vào vùng. Như vậy, FDI có giải quyết bài toán tiếp cận công nghệ của chúng ta không? Tôi cho rằng, FDI vào vùng chưa đủ mạnh để tạo nên khác biệt. Trong khi phần lớn DN đầu tư vào nông nghiệp- thế mạnh của vùng là DN trong nước. Do đó, phải làm thế nào cho khối tư nhân lớn mạnh lên.

Thông thường khi thu hút DN FDI các địa phương đều kỳ vọng thu hút DN có mạng lưới toàn cầu, sản phẩm theo chuỗi giá trị để sản phẩm của chúng ta có cơ hội đi vào chuỗi giá trị toàn cầu, giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN nội tốt hơn. Các DN FDI cũng muốn DN nội tham gia cùng họ nhưng nội lực khối nội không đủ để trở thành đối tác và ngành công nghiệp phụ trợ chúng ta chưa phát triển. Vấn đề khác là DN FDI vì lợi nhuận nên họ cũng không muốn giúp chúng ta. DN FDI chỉ giúp chúng ta gia tăng về kim ngạch, giá trị xuất khẩu.

* Thời gian qua, nhiều địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư qui mô lớn nhưng thu hút đầu tư vào nông nghiệp vẫn “lẹt đẹt”. Vì sao, thưa ông?

-Lĩnh vực nông nghiệp có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng chưa đi vào cụ thể, rõ ràng, còn chung chung. Cái DN cần là diện tích đủ lớn để sản xuất lớn nhưng bị vướng hạn điền. Thời gian gần đây, cánh đồng mẫu lớn phát triển tương đối, giải quyết được vấn đề hạn điền; nhưng ngành thủy sản, chăn nuôi vẫn tích tụ tư nhân là chính. Do vậy, chỉ có DN trong nước tham gia vào những mô hình này, còn DN FDI không nắm rõ chính sách đất đai nên ngại đầu tư. Thêm vào đó, chính sách tín dụng ưu đãi cho DN đầu tư công nghệ cao vẫn lấn cấn về lãi suất, phần lớn hiện nay là vay lãi suất thương mại. Trong khi đầu tư vào nông nghiệp rất rủi ro.

* Thực tế, nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc rất quan tâm đầu tư vào nông nghiệp, chế biến sâu tại vùng ĐBSCL, nhưng dự án đầu tư vẫn khiêm tốn. Nguyên nhân do đâu thưa ông?

-DN Nhật đặc thù là họ rất kỹ và khi họ tham gia đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, họ muốn xuất sang thị trường Nhật là chính, sau đó mới xuất sang các thị trường họ có mối quan hệ thương mại. Tiêu chuẩn của DN Nhật rất cao, chúng ta chưa có nhiều vùng đáp ứng được. Nhà đầu tư Nhật hiện chỉ tham gia vào khâu chế biến, chưa tham gia vào khâu sản xuất nguyên liệu đầu vào. Toàn vùng hiện có 160 dự án của DN Nhật Bản, vốn đăng ký đầu tư 2,17 tỉ USD; trong đó nông nghiệp chỉ có 4 dự án, vốn hơn 12 triệu USD.

Hiện nay, chúng ta vẫn còn thói quen “làm nhiều và làm nhanh”, trong khi DN Nhật lại chậm và kỹ. Hai tư duy này cần phải mất thêm thời gian để có thể tương tác và gặp nhau, cùng chung mục đích. Họ kiên trì thì chúng ta nên hợp tác, làm với Nhật an tâm về đầu ra, chất lượng. Ngày 17-4 tới, trong sự kiện gặp gỡ Nhật Bản- ĐBSCL; VCCI Cần Thơ sẽ khai trương Văn phòng trung tâm đổi mới sáng tạo Việt- Nhật, với kỳ vọng sẽ hỗ trợ thu hút đầu tư vào Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL nhiều hơn.

* Ông có thể nói cụ thể hơn về sự hỗ trợ của VCCI Cần Thơ cho các địa phương?

-Trước đây, VCCI Cần Thơ thường tổ chức các cuộc xúc tiến quy mô lớn, với mục đích quảng bá cho các DN, nhà đầu tư biết đến ĐBSCL và giờ họ đã biết rất nhiều về vùng. Cho nên hiện tại, VCCI Cần Thơ chú trọng xúc tiến chuyên sâu theo ngành để đạt chất lượng tốt nhất. Bởi các nhà đầu tư đều cần lợi nhuận và phát triển ổn định, nên cần có hoạt động nhỏ để họ tiếp cận ngay. Cách tiếp cận này đang được các nhà đầu tư phản hồi khá tốt.

Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng cổng thông tin tiếng Nhật để giới thiệu ĐBSCL, người nhật ở Nhật có thể hiểu, biết về ĐBSCL qua website này. Về thương mại, chúng tôi sẽ giúp DN trong nước, DN FDI có nhu cầu thì chúng tôi chia theo từng những buổi gặp nhỏ trên từng lĩnh vực nhỏ để kết nối. Từ năm 2018 trở đi, VCCI sẽ thành lập những câu lạc bộ, những nhóm ngành hàng; hiệp hội ngành hàng để kết nối.

* Cảm ơn ông!

 

Chia sẻ bài viết