15/05/2012 - 21:17

Cần các giải pháp bình ổn thị trường phân bón

Với sự có mặt của nhiều loại phân Urê được sản xuất trong nước, người tiêu dùng rất mong trong thời gian tới giá phân Urê sẽ không biến động
tăng giá mạnh.

Gần đây, giá nhiều loại phân bón trong nước, nhất là các loại phân Urê đã liên tục nhích lên. Năng lực sản xuất phân Urê trong nước hiện đã được tăng cường rất nhiều so với trước, nhưng vì sao giá mặt hàng này vẫn có biến động tăng mạnh trong thời gian qua? Trước thực tế đó, việc bình ổn thị trường phân Urê trong nước đang là một yêu cầu cấp thiết đặt ra...

Giá phân Urê tăng cao

Giá bán lẻ phân Urê tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL liên tục nhích lên trong những tuần gần đây. Nếu so với cách nay 4 tuần, hiện giá các loại phân Urê đã tăng từ 70.000-80.000 đồng/bao 50kg. Giá phân Urê (Phú Mỹ) ở mức 570.000-580.000 đồng/bao, phân Urê hạt đục của Nhà máy đạm Cà Mau 590.000 đồng/bao; phân Urê (Trung Quốc) từ 560.000-570.000 đồng/bao, tùy loại. Trong khi đó, tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp (là đại lý cấp 2, cấp 3) phân Urê (Phú Mỹ) có giá 600.000 -610.000 đồng/bao, Urê (Trung Quốc) 570.000-590.000 đồng/bao.

Giá một số loại phân bón khác như: DAP, NPK... đã tăng từ 10.000-20.000 đồng/bao so với cách nay 1 tháng. Hiện giá phân DAP (Trung Quốc, loại hạt xanh Hồng Hà) tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp (là đại lý cấp 1) vẫn ở mức khá cao, từ 780.000-790.000 đồng/bao; tại các cửa hàng bán lẻ cấp 2, cấp 3 giá từ 800.000-830.000 đồng/bao. Giá phân NPK 20-20-15 Đầu Trâu (loại cấp cao) bán lẻ tại nhiều cửa hàng đang ở mức 780.000 đồng/bao; NPK 20-20-15 Cò Vàng giá 830.000 đồng/bao; NPK 16-16-8 Việt-Nhật và Kali (Canada) 650.000 đồng/bao...

Theo giới kinh doanh, gần đây giá phân bón tăng (chủ yếu là phân Urê) do giá phân Urê trên thị trường quốc tế tăng mạnh và chi phí sản xuất, vận chuyển, thuê nhân công bốc xếp hàng tăng... Nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang bước vào vụ sản xuất lúa hè thu 2012 nhưng lượng phân bón tồn kho tại nhiều doanh nghiệp và cửa hàng kinh doanh hiện không nhiều cũng góp phần làm giá phân bón nhích lên. Chủ nhiều cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ dự đoán, thời gian tới, giá một số loại phân bón trong nước nhiều khả năng sẽ còn tăng nhẹ do ảnh hưởng bởi sự tăng giá từ thị trường quốc tế. Tuy nhiên, nhìn chung nguồn cung phân bón trong nước vẫn đảm bảo nhu cầu sản xuất.

Cần có giải pháp bình ổn thị trường

Trong những tháng đầu năm 2012, nước ta có thêm 2 nhà máy sản xuất phân đạm đi vào hoạt động. Đó là Nhà máy Đạm Cà Mau (tỉnh Cà Mau), công suất 800.000 tấn phân Urê/năm và Nhà máy Đạm Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình), công suất 560.000 tấn Urê/năm. Riêng 2 nhà máy đã đi vào hoạt động trước đây, hiện có tổng công suất trên 900.000 tấn/năm. Trong đó, Nhà máy phân đạm Hà Bắc công suất 180.000 tấn/năm và Nhà máy đạm Phú Mỹ công suất 740.000 tấn/năm đã mở rộng công suất lên 800.000 tấn/năm từ quý 4/2010. Theo các chuyên gia, hiện nhu cầu phân Urê cho sản xuất nông nghiệp cả nước vào khoảng 2- 2,2 triệu tấn/năm. Với 4 nhà máy sản xuất phân đạm hiện có, nếu hoạt động hết công suất, nước ta sẽ sản xuất trên 2,3 triệu tấn Urê/năm, đảm bảo 100% nhu cầu trong nước và có thể dành một phần cho xuất khẩu.

Nhiều người tiêu dùng kỳ vọng, năm 2012 giá các loại phân bón trên thị trường, nhất là phân Urê sẽ bình ổn vì sản xuất trong nước được tăng cường, giá cả không còn phụ thuộc nhiều vào giá phân Urê trên thế giới. Ông Nguyễn Ngọc Anh, chủ một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ, cho biết: Nông dân rất háo hức chờ đợi sản phẩm của Nhà máy Đạm Cà Mau vì cho rằng giá sẽ rẻ hơn phân Urê nhập khẩu và phân bón được sản xuất trong nước. Tuy nhiên, so với các sản phẩm phân bón cùng loại, giá bán phân Urê của Nhà máy Đạm Cà Mau đến tay các cửa hàng phân phối và người tiêu dùng cao hơn khoảng 10.000 đồng/bao”. Ông Nguyễn Hữu Hội, nông dân trồng lúa ở ấp Trường Trung, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Cách đây không lâu, nghe trên đài nói trong tương lai gần Việt Nam sẽ trở thành nước xuất khẩu phân Urê. Tôi rất mừng! Tuy nhiên, gần đây giá phân Urê chẳng những không bình ổn hay giảm mà còn tăng rất mạnh, trong khi giá lúa vẫn còn ở mức thấp. Vụ hè thu này, nếu giá lúa vẫn ở mức 5.100-5.200 đồng/kg như hiện nay, nông dân trồng lúa rất khó kiếm lời”.

Vì sao phân Urê đã được tăng cường sản xuất trong nước giá bán vẫn tăng? Lãi suất tiền vay ngân hàng ở mức cao và sức tiêu thụ của thị trường yếu là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp và cửa hàng kinh doanh có tâm lý “mua tới đâu, bán tới đó” nên lượng hàng dự trữ trong kho có phần hạn chế. Những tháng đầu năm 2012, nhiều nhà nhập khẩu phân bón trong nước cũng đã hạn chế nhập khẩu mặt hàng Urê vì sợ “đụng hàng” với Urê trong nước. Trong khi năng lực sản xuất phân Urê của các nhà máy trong nước chưa đảm bảo nhu cầu sản xuất nông nghiệp nhưng lại thiếu sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với các nhà nhập khẩu được coi là một nguyên nhân quan trọng đẩy giá phân Urê tăng cao. Dường như có một điều chưa hợp lý là khi các loại phân Urê nhập khẩu tăng giá thì ngay lập tức phân Urê sản xuất trong nước cũng tăng theo, nhất là giá bán lẻ trên thị trường. Xem ra, để bình ổn thị trường, bên cạnh việc tăng cường sản xuất phân bón trong nước, Nhà nước cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp khác, nhất là tăng cường công tác quản lý và giải quyết các bất cập về hệ thống phân phối bán hàng nhằm giảm bớt các khâu trung gian, tạo điều kiện cho nông dân có thể “mua hàng tận gốc” với giá rẻ.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết