16/03/2018 - 16:54

Căn bệnh mà nhà khoa học Stephen Hawking mắc phải đáng sợ như thế nào? 

ALS là một chứng rối loạn thần kinh vận động tiến triển làm cản trở các tế bào thần kinh trong não và tủy sống truyền tín hiệu điều khiển đến các cơ ở cả thân trên và thân dưới. Khi tế bào cơ không nhận được tín hiệu từ não và tủy, chúng mất dần sức mạnh. Theo thời gian, các cơ teo dần và cuối cùng là chết hoàn toàn.

Ông chủ Facebook Mart Zuckerberg và Chủ tịch Microsoft Bill Gates tham gia “thách thức đổ nước đá lên đầu” ủng hộ Quỹ ALS. Ảnh phải: Cố Giáo sư Stephen Hawking. Ảnh: medium.com và lenta.ru

Thiên tài vật lý người Anh Stephen Hawking được chẩn đoán mắc bệnh vào năm 1963 và sống chung với nó hơn 50 năm – khoảng thời gian dài đáng kể đối với một người mắc ALS. Bệnh khiến ông bị liệt, chỉ còn di chuyển được vài ngón tay, và mọi hoạt động thường ngày đều phụ thuộc vào người chăm sóc hoặc thiết bị công nghệ, từ vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, ăn uống đến di chuyển và nói chuyện. Cuộc đời của Giáo sư Hawking, và cả cuộc chiến của ông với bệnh ALS, được đưa vào bộ phim “The Theory of Everything” năm 2014 và đã giúp tài tử Eddie Redmayne đoạt tượng vàng Oscar.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật của Mỹ (CDC), bệnh ALS thường được chẩn đoán trong độ tuổi từ 55-75 và bệnh nhân sống thêm chừng 2-5 năm sau khi các triệu chứng phát triển. Tại Mỹ, hiện có từ 20.000-30.000 người mắc bệnh ALS, với khoảng 5.000 ca bệnh mới mỗi năm. Có hai loại ALS: bộc phát (chiếm hơn 90% số ca bệnh) và di truyền: con của người bệnh có 50% nguy cơ phát triển bệnh và những người này chỉ sống được 1-2 năm sau khi các triệu chứng xuất hiện. 

Bệnh được biết đến nhiều hơn vào năm 2014 khi Pete Frates - cựu cầu thủ bóng chày của trường Cao đẳng Boston (Mỹ) sống chung với ALS từ năm 2012, mở màn thách thức đổ xô nước đá lên đầu (Ice Bucket Challenge). Thách thức này trở thành cơn sốt lan truyền khắp mạng xã hội, góp phần nâng cao nhận thức của thế giới về căn bệnh này và đã đem lại số tiền quyên góp khổng lồ cả trăm triệu USD cho Quỹ phòng chống ALS.

Chưa xác định nguyên nhân gây ALS

Theo Hiệp hội ALS, các cựu chiến binh có tỷ lệ mắc ALS cao gấp đôi, song chưa rõ lý do tại sao. Trong khi đó, CDC cho biết dù các nhà khoa học đã nghiên cứu những yếu tố có thể liên quan đến ALS, chẳng hạn như di truyền, môi trường, chế độ ăn uống hoặc chấn thương nhưng đến nay vẫn chưa xác định được đâu là nguyên nhân dẫn đến ALS. Hiệp hội cho biết thời gian tới, giới nghiên cứu sẽ kết hợp nhiều yếu tố khác nhau để tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh.

Tính đến cuối năm 2017, chỉ có một loại thuốc được Cục Quản lý Dược-Thực phẩm Mỹ (FDA) cấp phép điều trị ALS, giúp bệnh nhân kéo dài sự sống thêm vài tháng.

HOÀNG ĐIỀU (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Stephen Hawking