29/06/2018 - 21:09

Cân bằng vị thế 

Nhiều người quan niệm, để có được “một nửa” yêu thương phù hợp, nên tìm kiếm những thứ mình còn thiếu để bổ sung, bù trừ cho nhau. Thế nhưng, trong xây dựng hạnh phúc gia đình, yếu tố hài hòa, cân bằng “vị thế” có vai trò rất quan trọng.

Tiểu phẩm “Cho và nhận” của CLB Mái ấm yêu thương phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, tại Hội thi CLB Gia đình, phản ánh sinh động, rõ nét những mâu thuẫn, bất hòa liên quan việc bất bình đẳng trong gia đình.

Đừng để "chênh vênh"…

Tốt nghiệp đại học, chị H. (tỉnh Bến Tre) kết hôn và xin việc làm gần nhà. Công việc tuy vất vả, không đúng chuyên ngành nhưng bù lại lương cao, giúp chị có điều kiện trang trải cuộc sống gia đình và đỡ đần cha mẹ nuôi em học đại học. Công việc duy trì gần 2 năm, chị H. mang thai, bị nghén rất nặng nên xin nghỉ dài hạn. Chồng chị khuyên nghỉ việc hẳn để an tâm dưỡng thai. Lúc đầu, chị lưỡng lự vì nỗi lo kinh tế dồn hết lên vai chồng nhưng rồi cũng đành chấp nhận. Gia đình chồng rất ủng hộ, chồng chị còn hứa sẽ cố gắng nhận thêm công việc để tăng thu nhập, chăm lo tốt cho vợ con. Thế nhưng, mâu thuẫn bắt đầu phát sinh khi chị H. sinh con, kinh tế gia đình ngày càng eo hẹp. Chồng chị thường xuyên vắng nhà không lý do. Mỗi lần chị H. hỏi chuyện, vợ chồng lại to tiếng, cãi vã. Gia đình chồng cũng tỏ thái độ khinh rẻ vì cho rằng chị ăn bám chồng và cứ thế mâu thuẫn càng lớn dần. Chị H. tâm sự: "Suốt ngày quanh quẩn, hết nội trợ rồi chăm con, dạy con học, chồng lo mọi chi phí, tôi luôn mang tâm lý  không làm ra tiền nên không dám ý kiến, quyết định chuyện gì. Mọi việc từ lớn đến nhỏ đều do chồng đặt để…".

Cũng bắt nguồn từ chênh lệch về thu nhập nhưng câu chuyện gia đình chị N. (Hậu Giang) lại theo một hướng khác. Chị N. và anh B. đến với nhau bằng hôn nhân sắp đặt. Xét về địa vị, gia thế cũng "môn đăng hộ đối". Sau kết hôn, vợ chồng chị H. được cha mẹ hai bên giúp vốn kha khá để làm ăn. Vốn không thích đi làm hưởng lương nên dù tốt nghiệp đại học chuyên ngành xây dựng, anh B. chọn việc ở nhà mở tiệm tạp hóa và thuê mướn đất làm "nông dân". Chị N. xin việc làm đúng chuyên ngành một cơ quan nhà nước. Tuy lúc đầu, chị N. cũng không đồng ý với quyết định của chồng nhưng cuối cùng chấp nhận mỗi người một hướng phát triển riêng. Chị N. bộc bạch: "Xét về thu nhập cả hai không mấy chênh lệch, có khi phần đóng góp của anh cho gia đình còn nhiều hơn tôi nhưng người ngoài nhìn vào cứ mỉa mai, so sánh. Nhiều lúc biết chồng buồn nhưng tôi không thể san sẻ…". Vì lý do này, giữa vợ chồng chị nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Từ chỗ là người đàn ông mẫu mực, hết lòng chăm lo gia đình, vợ con, chính những mặc cảm, tự ti, khiến anh trở thành người chồng thô lỗ và ghen tuông vô cớ. Chị N. hiểu tâm trạng của chồng nên chỉ nín lặng...

Hôn nhân bình đẳng

Cũng chính những lo ngại "bất bình đẳng" trong thu nhập ảnh hưởng hạnh phúc gia đình nên chị Đ. (Bến Tre) đang rất phân vân trước lựa chọn nghỉ dạy hẳn về Cần Thơ cùng chồng hay tiếp tục đi về mỗi tuần dù chị có cơ ngơi khang trang ở Cần Thơ hơn 7 năm qua. Chị Đ. tâm sự: "Chồng đang "dụ" tôi nghỉ việc và hứa đưa mỗi tháng 10 triệu đồng, gấp 2 lần thu nhập của tôi hiện nay, để vợ chồng được gần nhau. Tôi sẽ suy nghĩ nghiêm túc quyết định này không vì lời hứa và số tiền hấp dẫn mà chính là để con được chăm sóc tốt nhất. Khi mọi việc yên ổn, tôi sẽ đi làm trở lại để thấy mình có ích và có "thế" trong gia đình".

Theo nhiều người, trong cuộc sống hôn nhân, vợ chồng có thể xảy ra rất nhiều mâu thuẫn, "bất đồng" liên quan thu nhập, tài chính, học thức, địa vị xã hội, thậm chí quan niệm sống. Vì vậy, để duy trì cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, vợ chồng phải biết cảm thông, chia sẻ, cân bằng vị thế của mình trong hôn nhân, không thiên lệch cũng như đồng lòng xây dựng "giá trị chung" cả hai cùng hướng tới. Anh S. (quận Ô Môn) chia sẻ: "Vốn không thích nhậu nhẹt, xong việc cơ quan, tôi về phụ vợ làm việc nhà, đưa đón con. Cuối tuần rảnh rỗi tranh thủ dọn dẹp, đi chợ nấu món ăn vợ con yêu thích. Chính sự quan tâm, chu đáo của tôi đối với gia đình đã đẩy vợ tôi đến chỗ "nhàn cư vi bất thiện". Chẳng những không màng ngó ngàng việc nhà, còn sinh tính ỷ lại, lười biếng. Mỗi lần tôi góp ý, y như rằng vợ tôi đùng đùng nổi giận, dẫn đến cãi vã".

Câu chuyện gia đình anh S. cho thấy, bên cạnh sự quan tâm, sẻ chia, vợ chồng nhất thiết phải có sự phân công để mỗi người ý thức được vai trò, trách nhiệm cũng như "giới hạn" của mình. Chia sẻ vấn đề này, nhiều cặp vợ chồng chung sống hạnh phúc cho rằng, xây dựng hạnh phúc gia đình đã khó, giữ gìn bền vững càng khó hơn. Vì vậy, mỗi gia đình phải đề cao vai trò trách nhiệm của các thành viên. Chị Kim Thanh (quận Bình Thủy) bộc bạch: "Ông bà xưa có câu "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" để nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của vợ chồng. Tuy nhiên ngày nay, khái niệm này phải được hiểu theo nghĩa rộng. Vì vậy, vợ chồng không nên lấy điều đó làm "bức bình phong" che đậy sự vô tâm, lơ là trách nhiệm đối với hai nhiệm vụ song hành "phát triển kinh tế và xây dựng hạnh phúc gia đình".

Bài, ảnh: TRÂM ANH

Chia sẻ bài viết