22/03/2015 - 17:30

Cải tiến cơ cấu giống lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Hằng năm, Viện Lúa ĐBSCL đưa ra hàng chục giống lúa mới với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, phẩm chất tốt, chống chịu sâu bệnh và các điều kiện khó khăn như phèn, mặn, ngập, khô hạn... Song song đó, công tác nghiên cứu, đánh giá tính thích ứng của các giống lúa mới chọn tạo tại các tiểu vùng sinh thái ở ĐBSCL được thực hiện thường xuyên. Đây chính là cơ sở để các nhà chọn tạo giống, cán bộ khuyến nông và nông dân có thể sử dụng giống có hiệu quả hơn, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng ở ĐBSCL.

Cải tiến chất lượng giống lúa

Tại hội thảo đánh giá giống lúa vụ đông xuân 2014-2015 của Viện Lúa ĐBSCL, các nhà khoa học, ngành nông nghiệp các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất giống…đã bầu chọn ra 6/23 giống lúa mới, triển vọng do Viện Lúa chọn tạo. Các giống lúa mới này có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, phẩm chất tốt, chống chịu sâu bệnh và các điều kiện khó khăn…. Theo ông Trần Ngọc Ẩn, Giám đốc Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, trong khâu tổ chức đánh giá giống lúa vụ đông xuân 2014-2015, số lượng giống lúa Viện Lúa ĐBSCL đưa ra đánh giá bầu chọn giảm hẳn và có sự tập trung về chất lượng so với các năm trước. Cách làm này tạo thuận lợi cho các nhà quản lý, kỹ thuật, đơn vị kinh doanh, sản xuất lúa giống khi đánh giá, bầu chọn ra giống triển vọng. Từ đó làm cơ sở để Viện Lúa đúc kết lại và tập trung nghiên cứu trồng khảo nghiệm, đưa vào sản xuất theo hướng chất lượng.

Các giống lúa triển vọng của Viện Lúa ĐBSCL được giới thiệu bầu chọn trong vụ đông xuân 2014-2015.

Viện Lúa ĐBSCL hiện dành diện tích 5 ha để duy trì khoảng 38 giống gốc từ nguồn giống gốc tác giả chuyển qua với hàng chục ngàn cá thể được đánh giá hàng vụ. Tỷ lệ cá thể được đánh giá đạt tính đúng giống, mang những tính trạng đặc trưng của giống lúa được duy trì, chiếm tỷ lệ 70-80%. Song song đó, diện tích nhân giống cấp siêu nguyên chủng của Viện đạt 14ha, sản lượng bình quân khoảng 45 tấn; diện tích nhân giống cấp nguyên chủng 100ha, sản lượng khoảng 500 tấn; diện tích nhân giống cấp xác nhận 120ha với sản lượng 600 tấn. Thạc sĩ Nguyễn Văn Tạo, Trưởng phòng Sản xuất và dịch vụ giống cây trồng, Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: "Viện Lúa căn cứ vào khuyến cáo của Cục Trồng trọt và Hiệp hội Lương thực Việt Nam để tổ chức sản xuất những giống lúa phù hợp phục vụ cho cánh đồng lớn, đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa hàng hóa. Trên cơ sở đó, Viện Lúa tập trung vào những giống chủ lực trong Dự án Sản xuất lúa giống xuất khẩu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt như OM 4900, OM 7347, OM 6162, OM 6976, OM 5451, OM 4218, OM 6600, Jasmine 85, OM 2517, OM 2395, OM 6162… Bên cạnh đó, Viện cũng chuẩn bị một số giống triển vọng bổ sung vào nguồn giống có phẩm chất ngon, chất lượng tốt sẵn sàng cung ứng cho sản xuất trong thời gian tới.

Tinh giảm số giống lúa

Cơ cấu giống lúa đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo tính ổn định và bền vững của sản xuất lúa hàng hóa ở Nam bộ. Theo Thạc sĩ Lê Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Cây lương thực-Cây thực phẩm, Cục Trồng trọt, các giống lúa được lựa chọn để sản xuất cần thỏa mãn các tiêu chí về tính thích nghi của giống với các tiểu vùng sinh thái, có tính chống chịu tốt với các loại dịch hại, những điều kiện bất thuận của môi trường để có thể cho năng suất cao nhất hoặc năng suất tối ưu nhất. Giống lúa cũng phải có chất lượng tốt theo các tiêu chí về phẩm chất xay chà, phẩm chất cơm, độ bạc bụng, độ dài hạt gạo, mùi thơm… Các địa phương cũng cần tinh giảm số giống trong mỗi vụ sản xuất, xác định cơ cấu giống gồm 4-5 giống chủ lực, 4-5 giống bổ sung và vài giống triển vọng mới. Cơ cấu 1 giống không vượt quá 20% diện tích trên địa bàn.

Một yếu tố quan trọng để cơ cấu giống được thực hiện và phát huy hiệu quả là tiếp tục tăng cường củng cố, đầu tư phát triển toàn diện hệ thống sản xuất và cung ứng giống lúa các cấp của cả hệ thống giống chính quy và nông hộ theo kế hoạch sản xuất lúa giống giai đoạn 2014-2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ông Lê Văn Chín, Chủ nhiệm Hợp tác xã Sản xuất và cung ứng lúa giống Chín Táo, cho biết: "Hằng năm, Hợp tác xã đặt hàng Viện Lúa từ 100-200 tấn lúa giống các loại và mỗi loại lúa giống siêu nguyên chủng khoảng vài trăm ký để bố trí cho các cánh đồng sản xuất lúa giống của Hợp tác xã. Qua hợp tác, sản xuất giống, Hợp tác xã cung ứng ra thị trường 10.000 tấn lúa giống/năm cho trên 30 tỉnh ở ĐBSCL, miền Đông Nam bộ và miền Trung. Trong đó, 2 giống lúa chủ lực là giống OM 4900 và OM 5451 rất được ưa chuộng để đưa vào phục vụ sản xuất. Ngoài các giống được thị trường ưa chuộng, thuận lợi sản xuất ở nhiều vùng khác nhau, Hợp tác xã cũng cung ứng các giống OM khác của Viện Lúa để đáp ứng nhu cầu cung ứng giống lúa cấp xác nhận cho các vùng khó khăn, mặn, phèn… ."

Khi năng suất, sản lượng lúa đã dẫn đạt ngưỡng "kịch trần", việc giảm giá thành canh tác là yếu tố then chốt để tăng lợi nhuận cho người sản xuất. Ở khâu giống đầu vào, các giống lúa cần phải được xác định sản xuất theo đơn đặt hàng trong cánh đồng lớn hay trong vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo thì mới ổn định và có hiệu quả cao nhất trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ lúa gạo hiện hay. Ông Trần Ngọc Ẩn, Giám đốc Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, cho biết: Đối với Tiền Giang, số lượng giống lúa sản xuất trong dân ngày càng ít đi khi các cánh đồng lớn được mở rộng. Hiện cơ cấu giống của tỉnh chủ yếu tập trung vào giống OM 4900, OM 7347, OM 5451… Nhìn chung, các giống lúa OM chủ lực đang được canh tác tại địa phương cũng được canh tác rộng khắp vùng ĐBSCL. Do đó, yêu cầu của canh tác lúa hiện nay là sản xuất tập trung một số loại giống chủ lực gắn với đẩy mạnh chất lượng gạo. Trong đó, vai trò của Viện Lúa là chọn tạo, đưa vào sản xuất những giống lúa "không kháng lái", nghĩa là vừa đáp ứng yêu cầu về mặt canh tác, vừa đảm bảo yếu tố thị trường, được thương lái tiêu thụ.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, khẳng định: "Viện Lúa đang từng bước nghiên cứu, cải thiện bộ giống lúa cho vùng ĐBSCL theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh và những diễn biến phức tạp của thời tiết, đặc biệt là phải phù hợp thị trường. Do đó, ngoài việc tổ chức sản xuất các cấp giống tại Viện phục vụ sản xuất, Viện Lúa cũng mong muốn tăng cường phối hợp với các địa phương để đưa vào trồng khảo nghiệm, đánh giá tính thích nghi, ổn định của các giống mới triển vọng. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Viện với các địa phương, các công ty sản xuất, cung ứng giống trong việc đặt hàng sản xuất các cấp giống phục vụ nhu cầu gieo sạ bằng giống xác nhận của nông dân, tiến tới cải thiện bộ giống lúa của Viện để đáp ứng nhu cầu thị trường giống và các yêu cầu xuất khẩu.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết