18/09/2018 - 20:50

Cái thiện trong nét bi của “Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải” 

Tập truyện ngắn “Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải” (NXB Trẻ) của tác giả Nông Quang Khiêm là tác phẩm nằm trong tủ sách “Văn học tuổi 20”. Những câu chuyện về đời sống ở một vùng núi trung du phía Bắc kể những phận người mang nét đẹp hướng thiện, ấm tình người…

Quê ở Yên Bái, dân tộc Tày, Nông Quang Khiêm (sinh năm 1984) đang là cây viết sung sức với các tác phẩm đã xuất bản: Tập truyện “Rừng Pha Mơ yêu dấu”, “Những ánh sao xanh”, tập ký “Trên đỉnh La Pán Tẩn”. Có thể thấy rõ không gian văn hóa Tày thấm đẫm trong những trang văn của anh, tự nhiên như hơi thở của chàng trai miền núi. “Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải” cũng vậy. 11 truyện ngắn trong tập truyện đều là những câu chuyện về con người, vùng đất quen thuộc của người Tày với bản Lồ, bản Mẩy, bản Luông, bản Cốc Nhội cùng suối Trò, núi Ngàng, Pù Cải, Éc Vài...

Ở đấy, cuộc sống lam lũ cùng bao buồn vui của người dân quê được tác giả tái hiện sinh động qua số phận của nhiều nhân vật. Có những chàng trai học giỏi, ước mơ góp sức xây đời; có những cô gái xinh đẹp, đảm đang, mong muốn có một mái ấm yên bình, hạnh phúc… nhưng hủ tục và số phận đẩy đưa khiến họ gặp bao trắc trở, sóng gió. Sự tha hóa của lối sống và sức mạnh của đồng tiền đang len lỏi, chi phối và làm ảnh hưởng đến những con người nơi đây. Có người sa ngã, trượt dài trong tội lỗi, nhưng cũng có người càng bị vùi dập lại càng có động lực, ý chí để vươn lên. Chàng trai trong “Đường quê”, Dìn trong “Gió cuốn mây ngàn”, Tu trong “Nẻo về”… là những điểm sáng  khi họ không gục ngã bởi nỗi đau bị phụ bạc hay cái nghèo.

Nông Quang Khiêm còn dành rất nhiều trang viết và tình cảm cho những người phụ nữ bất hạnh. Họ là những cô gái lỡ dở tình duyên do gia đình ngăn cấm, lấy người không yêu rồi sống trong chuỗi ngày dài khổ sở, đớn đau; là những bà mẹ cả đời cam chịu kiếp sống lầm lũi nơi xó bếp, nương khoai, làm cái bóng bên chồng con… Có lúc, họ vùng dậy tìm lối thoát cho mình như Xao trong “Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải”, Nhình trong “Nẻo về”, Dung trong “Nàng hương”…

Hầu hết các truyện đều là bi kịch về tình yêu, hôn nhân, cuộc sống…, nhưng trong cái bi ấy vẫn sáng lên nét đẹp hướng thiện. Tha thứ và chuộc lỗi là lối thoát cho những bi kịch ấy. Như cái cách mà Pu bỏ qua mọi lỗi lầm cho Nải để đưa cô trở về nhà sau khi bị lừa bán qua biên giới (Gió qua Éc Vài), như tấm chân tình của chàng Éng dành cho cô giáo Dung trong “Nàng Hương” đã giúp cô từ cõi chết trở về và làm lại cuộc đời, như sự hòa giải giữa ông Xù và anh em cậu bé trong “Mùa suối lũ” mang lại niềm vui và lối sống mới cho hai bên… 

“Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải” mang đến cho độc giả nhiều cảm xúc và khám phá thêm lối sống, văn hóa của dân tộc Tày.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết