20/11/2009 - 20:36

Cái gốc là sự nhân nghĩa

Bà con ở ấp Nhơn Thọ 2, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, thường khen gia đình chú Nguyễn Văn Mười (mọi người gọi là chú Mười Lùn). Chú Mười là một nông dân sản xuất giỏi, hết lòng giúp đỡ bà con. Gia đình chú Mười sống chan hòa tình nghĩa với những người xung quanh. Đây cũng là một gia đình được tuyên dương là “Gia đình văn hóa tiêu biểu” của TP Cần Thơ năm 2008.

“Người ơn” của nông dân nghèo

Như bao nhiêu nông dân khác, chú Mười có vẻ dày dạn và lam lũ ở độ tuổi 53. Cái tên “Mười Lùn” mà bà con đặt cho có lẽ vì chú có dáng người nhỏ, thấp. Tuy vậy, chú Mười rất hoạt bát và được tiếng là siêng năng nhất nhì trong ấp.

Ngoài nghề làm vườn, chú Mười là Chi hội phó Chi hội Nông dân ấp Nhơn Thọ 2. Hằng ngày, chú Mười chăm sóc, làm cỏ, tỉa nhánh vườn dâu Hạ Châu của nhà, xong lại đi thăm vườn của bà con lân cận. Những người chưa có kinh nghiệm chăm sóc, kỹ thuật cho ra hoa, dưỡng trái cây dâu Hạ Châu được chú Mười chỉ dẫn tận tình. Ở ấp Nhơn Thọ 2, mọi người thường nhắc đến chú chính là sự nhiệt tình san sẻ, giúp đỡ bà con nghèo trong xóm ấp.

Chú Nguyễn Văn Mười (người cầm nhánh dâu) đang hướng dẫn bà con kỹ thuật cho dâu Hạ Châu ra hoa.  

Trước đây, phần lớn bà con nông dân ấp Nhơn Thọ 2 trồng cam. Sau dịch bệnh vàng lá gân xanh, cây cam cứ chết dần chết mòn. Người có tiền thì phá vườn cam, trồng lại giống dâu Hạ Châu, bà con nghèo phải “chịu trận” vì không có vốn chuyển đổi sản xuất. Vườn dâu Hạ Châu của chú Mười đang sung sức, có thể chiết cành làm cây giống, chú chiết hàng ngàn cây dâu giống tặng bà con nghèo. Chú Trương Văn Tám, ngụ Tổ 5, ấp Nhơn Thọ 2 kể: gia đình chú Tám nghèo lại ít đất sản xuất, thu nhập chính là vườn cam. Khi vườn cam bị dịch bệnh gây hại, gia đình chú Tám điêu đứng, đi làm thuê mướn sống đắp đổi. Trước hoàn cảnh chú Tám, chú Mười cho cây dâu giống, giúp vốn, chỉ dẫn chú Tám cách bao ngạn, cách chăm sóc cây dâu và còn gợi ý chú Tám trồng xen canh cây chuối tiêu để “lấy ngắn nuôi dài”. Giờ đây, cuộc sống gia đình chú Tám đã ổn định. Chú Tám xúc động: “Không có anh Mười giúp đỡ thì tôi không được như bây giờ. Tôi mang ơn anh Mười nhiều lắm”. Trường hợp chú Kim Long, ngụ cùng ấp, nhờ số dâu giống của chú Mười cho mà cải tạo lại vườn tạp, phát triển kinh tế... Rất nhiều hộ nông dân trong ấp Nhơn Thọ 2 và cả các ấp lân cận đều xem chú Mười như “người ơn” đã giúp họ vượt qua cái đói, cái nghèo.

Chú Mười tâm sự: “Tôi không hướng dẫn bà con làm vườn bằng miệng. Mình phải thường xuyên thăm vườn của bà con, chỉ dẫn trên từng nhánh dâu, mô đất như việc của mình để giúp bà con nắm rõ và làm được”. Chú Mười thường xuyên ra Nhà Văn hóa xã tìm đọc các loại sách hướng dẫn trồng dâu, để áp dụng cho mình và hướng dẫn cho bà con những kỹ thuật trồng trọt tiến bộ. Nghe ở đâu trồng dâu đạt hiệu quả là chú lại tìm đến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Chú Mười hay tổ chức các cuộc “Hội thảo đầu bờ” tại những vườn dâu trong ấp để bà con trao đổi với nhau những cách làm hay, những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn. Ham học hỏi, giúp đỡ người khó khăn là điều mà mọi người dễ nhận thấy khi tiếp xúc với người nông dân này.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ “6 không”

Chú Mười còn là Chủ nhiệm của Câu lạc bộ (CLB) “6 không” của ấp: không ma túy, không mại dâm, không trộm cắp, không cờ bạc, không bỏ học, không sinh con thứ 3. Cứ ngày 29 hàng tháng các thành viên trong CLB lại tụ hội về nhà chú, chia sẻ với nhau về những gì gia đình mình làm được, những việc chưa tốt. Gia đình ai êm ấm, con cái ngoan ngoãn thì được tuyên dương, khen ngợi; gia đình nào còn vướng mắc vào “6 không” thì được chú Mười cũng như các thành viên CLB chân tình góp ý, động viên theo kiểu “đóng cửa bảo nhau” nên vừa củng cố tình đoàn kết trong chòm xóm lại có hiệu quả. Cứ buổi tối, chú Mười lại “lân la” đến các gia đình trong xóm, uống trà và trao đổi chuyện nhà, chuyện xóm làng, hướng mọi người cùng sống tốt, thực hiện nếp sống văn minh. Bà con ở Nhơn Thọ 2 kể rằng: chú T. trong ấp, lúc trước suốt ngày “say xỉn” nhưng được chú Mười kiên trì khuyên nhủ nay đã bỏ rượu, chí thú làm ăn. “Ngày trước, tôi uống một ngày không dưới một lít rượu, vì vậy mà sức khỏe sa sút. May nhờ có anh Mười phân tích thiệt hơn, nên bây giờ tôi đã cai được rượu, chuyện làm ăn phát triển. Tôi rất mừng và cám ơn anh Mười nhiều lắm” - chú T. thành thực kể lại. Không chỉ người lớn, thanh thiếu niên trong ấp này rất kính trọng chú Mười, gặp chú từ xa là các em đã cúi chào. Chú Mười xem con em trong xóm như con cháu. Chú bộc bạch: “Đứa nào làm điều gì sai quấy là chú kêu lại góp ý... Mình đối với nó bằng cái tình, cái nghĩa, nói bằng cái tình cái lý lẽ nào nó không nghe”.

Cầu đường ở ấp Nhơn Thọ 2 thẳng tắp, chỉn chu. Bà con nói rằng công đóng góp của chú Mười khá lớn. Chú đã vận động bà con cùng đóng góp bắc 6 cây cầu qua các con kênh trong ấp. Trong các công trình cần làm gấp, chú Mười ứng tiền ra trước rồi gom tiền bà con sau, những ai không có khả năng đóng góp thì chú hỗ trợ luôn...

Trên thuận dưới hòa

Sự nhiệt thành của người nông dân và là cán bộ Nông hội đó đã được bà con nhớ mãi. Nhưng những việc làm của chú Mười cũng nhờ gia đình luôn ủng hộ, động viên...

Căn nhà của chú Mười nằm sâu trong một con kinh của ấp Nhơn Thọ 2. Ngôi nhà tường tuy cất đã lâu nhưng vẫn còn khá tươm tất. Trong nhà đầy đủ các tiện nghi, rất gọn gàng, ngăn nắp.

Bà Trần Thị Hân, mẹ chú Mười, năm nay đã 86 tuổi mà vẫn còn minh mẫn. Tuổi cao nên bà thường hay mệt mỏi, lại thêm căn bệnh thấp khớp hành hạ bà mỗi khi trái gió trở trời. Vợ chồng chú Mười càng chăm sóc bà nhiều hơn. Bà Hân kể: “Vợ chồng nó thương tui lắm. Tui mà ăn ít hay bỏ bữa là tụi nó hỏi thăm, rồi làm món này món kia cho tôi ăn. Những đêm lạnh, tay chân tôi nhức thì vợ chồng thằng Mười cũng ngồi trực chiến thay nhau xoa bóp cho tôi suốt đêm. Chắc nhờ con cháu hiếu thảo mà tôi mới sống khỏe như vầy”. Lòng hiếu thảo của vợ chồng chú Mười luôn là tấm gương sáng để các con chú noi theo.

Năm 1978, chú Mười lập gia đình, lúc 22 tuổi. Vợ chú tên Lâm Thị Khuyến là một cô gái miệt vườn Trường Long. Về ở chung cha mẹ, chỉ vài công đất ruộng, cuộc sống tuy không giàu có nhưng cũng tạm ổn. Hai vợ chồng mới gom góp tiền mua một chiếc máy suốt lúa đi suốt lúa mướn từ đồng này sang đồng khác. Khoảng năm 1990, gia đình chú chuyển đổi sang làm vườn, trồng cây dâu Hạ Châu, nhờ năng suất cao và được giá nên cuộc sống dần ổn định. Hiện nay, gia đình chú có 12 công đất chuyên canh dâu, thu nhập bình quân gần 150 triệu đồng/năm.

“Khó khăn, vợ chồng tôi an ủi, động viên nhau; hạnh phúc cùng san sẻ. Vợ chồng phải nhường nhịn nhau, chung sức mà lo cho gia đình. Đó là cách mà mấy chục năm rồi chúng tôi đắp xây hạnh phúc gia đình” - Vợ chú Mười nói.

Bốn người con của chú Mười đều được học hành đến nơi đến chốn và có việc làm ổn định. Hai người con lớn đã có gia đình riêng nhưng vẫn thường về thăm nhà. Em Nguyễn Thái An đã học xong lớp sửa chữa xe gắn máy và đang chuẩn bị ra tiệm. Cô con gái út Nguyễn Thu Thảo sau khi tốt nghiệp THPT đã chọn học nghề cắt tóc, làm móng tay và cũng chuẩn bị mở tiệm ở Bình Thủy. Chị Trương Thái Ngọc Giàu, con dâu trưởng của chú Mười dù đã có cơ ngơi riêng nhưng khi sanh vẫn về nhà chồng. Chị Giàu nói: “Bà nội, cha mẹ và các em chồng tôi đều thương yêu tôi. Không như kiểu “mẹ chồng - nàng dâu”, mẹ chồng tôi thương tôi như con gái ruột của mình”. Chú Mười cho biết: “Từ khi các con còn bé, vợ chồng tôi ít khi nào phải la rầy hay đánh con mà chỉ dùng lời khuyên dạy. Nhưng tôi nghĩ cái chính là hành động cụ thể của cha mẹ là tấm gương, là bài học hay nhất”. Mỗi buổi tối, cả nhà quây quần ở bàn tròn trước nhà để cùng trò chuyện chia sẻ với nhau những niềm vui nỗi buồn. Vợ chồng chú khoe rằng: căn nhà luôn đầy ắp tiếng cười!

Bà con ấp Nhơn Thọ 2, thường khen ngợi và lấy gia đình chú Mười làm tấm gương để xây dựng gia đình mình. Ông Trương Văn Tám nói: “Mọi người ở đây rất quý gia đình anh Mười. Anh chị sống hòa đồng lại hay giúp đỡ bà con. Chúng tôi đều muốn học hỏi gia đình anh chị”.

* * *

Sống nhân nghĩa, chan hòa tình thân, gia đình hạnh phúc của chú Nguyễn Văn Mười đã có tác động sâu sắc tới ý thức của bà con, có tác động tích cực phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở ấp vùng sâu này. Ông Trần Văn Tri, cán bộ văn hóa xã Nhơn Ái, nhận xét: “Gia đình anh Mười là một gia đình mẫu mực điển hình của xã, có đóng góp nhiều cho xã hội. Sắp tới địa phương sẽ thành lập CLB Gia đình hạnh phúc ở các ấp, lấy gia đình anh Mười làm điển hình nhân rộng”.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết