16/01/2016 - 16:05

TIẾN TỚI ĐẠI HỘI XII CỦA ĐẢNG

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH – TỪ CHỦ TRƯƠNG ĐẾN HIỆN THỰC

30 năm đổi mới với 6 kỳ Đại hội, vấn đề cải cách hành chính luôn được Đảng coi trọng. Dù đòi hỏi của mỗi thời kỳ có sự khác nhau, lĩnh vực cải cách khác nhau nhưng Nghị quyết 6 kỳ Đại hội vẫn luôn nhất quán chủ trương cải cách hành chính.

NHẤT QUÁN CHỦ TRƯƠNG CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Xác định những nguyên nhân của tình hình khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng trước hết là do công tác tổ chức, ngay từ Đại hội VI (năm 1986), Đảng đã có chủ trương cải cách hành chính, cải cách lớn về tổ chức bộ máy của các cơ quan Nhà nước theo hướng xây dựng và thực hiện một cơ chế quản lý nhà nước thể hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động ở tất cả các cấp; tăng cường bộ máy của nhà nước từ trung ương đến cơ sở thành một hệ thống nhất, có sự phân định rành mạch nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm từng cấp theo nguyên tắc tập trung dân chủ, phân biệt chức năng quản lý hành chính – kinh tế với quản lý sản xuất – kinh doanh, kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương và vùng lãnh thổ, phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội. Đại hội cũng đề ra chủ trương thực hiện một quy chế làm việc khoa học, có hiệu suất cao; xây dựng bộ máy gọn nhẹ, có chất lượng cao với một đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị và năng lực quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội.

Doanh nghiệp đến đăng ký kinh doanh tại Bộ phận một cửa Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ. Ảnh: T.N

Đại hội VII tiếp tục xác định cải cách bộ máy nhà nước theo hướng Nhà nước thực sự là của dân, do dân và vì dân. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 do Đại hội VII thông qua đã nêu: sửa đổi hệ thống tổ chức nhà nước, cải cách bộ máy hành chính, kiện toàn các cơ quan luật pháp để thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý của nhà nước. Chiến lược cũng nêu trọng tâm cải cách nhằm vào hệ thống hành chính với nội dung chính là xây dựng một hệ thống hành pháp và quản lý hành chính nhà nước thông suốt từ trung ương xuống cơ sở, có đủ quyền lực, năng lực, hiệu lực. Xuyên suốt các kỳ Đại hội VIII, IX, X, XI, cải cách hành chính luôn được Đảng coi là vấn đề trọng tâm và phải được tiến hành đồng bộ trong cả hệ thống chính trị. Nghị quyết số 38/CP năm 1994 của Chính phủ xác định cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá, tập trung vào 7 lĩnh vực trọng điểm: thành lập và đăng ký kinh doanh; đầu tư trực tiếp nước ngoài; xuất, nhập khẩu; xuất, nhập cảnh; cấp phép xây dựng và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đô thị; cấp phát vốn ngân sách Nhà nước; khiếu nại, tố cáo; đã góp phần giảm phiền hà cho người dân và tổ chức, phát hiện và loại bỏ, sửa đổi nhiều thủ tục hành chính không còn phù hợp.

Đặc biệt, để triển khai các chủ trương của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg và Nghị quyết số 30c/NQ-CP phê duyệt các Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 và 2011 - 2020. Nếu như Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 được thực hiện trên 5 lĩnh vực gồm cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính thì giai đoạn 2011 – 2020, Chương trình tổng thể đã bổ sung thêm lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính và hệ thống mục tiêu cải cách hành chính trên từng lĩnh vực đã được lượng hóa bằng hệ thống chỉ tiêu cụ thể trong từng giai đoạn.

Việc triển khai cải cách hành chính đã chú ý đến sự tham gia của người dân, xã hội trong theo dõi, đánh giá, giám sát, bảo đảm kết quả cải cách hành chính đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và mong đợi của người dân, tổ chức về một nền hành chính chuyên nghiệp, năng động, minh bạch, hiệu quả. Nhiều công cụ theo dõi, đánh giá cải cách hành chính đã được xây dựng và triển khai nhằm đánh giá cụ thể, khách quan kết quả đạt được trong cải cách hành chính, như: Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; Chỉ số hài lòng của người dân về dịch vụ giáo dục công lập; Chỉ số hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công lập.

THÀNH QUẢ 30 NĂM

Nhìn lại thành quả sau 30 năm thực hiện chủ trương cải cách hành chính, đặc biệt là từ năm 2001 đến nay, cải cách hành chính đã thúc đẩy quá trình đổi mới kinh tế; dân chủ hóa đời sống xã hội; hội nhập quốc tế; củng cố và duy trì ổn định chính trị; phòng chống tiêu cực, tiết kiệm, chống lãng phí. Từ tư duy "hành là chính", mang nặng tính quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan hành chính đã có sự thay đổi căn bản trong nhận thức, tự thay đổi, tự cải cách, chuyển sang tư duy phục vụ.

Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện thể chế về kinh tế, tổ chức và hoạt động của hệ thống hành chính. Trong hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI và khóa XII, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 148 luật, 46 pháp lệnh, mỗi năm Chính phủ ban hành gần 200 nghị định hướng dẫn, tạo lập khuôn khổ thể chế cơ bản cho sự vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Một loạt luật được ban hành, như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Đất đai, Luật Hải quan… đã kịp thời khắc phục tình trạng thiếu luật điều chỉnh các quan hệ kinh tế, dân sự và nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), cho rằng, những cải cách về thể chế đã thể hiện rõ quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế, tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước, giảm sự can thiệp bằng các biện pháp hành chính của các cơ quan nhà nước vào các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại nói chung và hoạt động của doanh nghiệp nói riêng, giảm thiểu cơ chế "xin – cho"... trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, điều này đã giúp người dân và tổ chức an tâm, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Thể chế về tổ chức bộ máy của hệ thống hành chính cũng tiếp tục được hoàn thiện, đổi mới; thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân được xác định rõ đã góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa "của dân, do dân, và vì dân", tạo điều kiện để nhân dân tham gia và giám sát các hoạt động của chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) cho hay, kết thúc giai đoạn 1 của Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính trong giai đoạn 2007-2010, các cơ quan có thẩm quyền đã thống kê và công khai trên 5.700 thủ tục hành chính, trên 9.000 văn bản và trên 100.000 biểu mẫu thống kê thủ tục hành chính trong phạm vi cả nước. Giai đoạn 2, các Bộ, ngành và địa phương đã tiến hành tự rà soát trên 5.500 thủ tục hành chính, qua đó kiến nghị bãi bỏ, hủy bỏ 453 thủ tục; sửa đổi, bổ sung 3749 thủ tục và 288 thủ tục được kiến nghị thay thế, đạt tỷ lệ đơn giản hóa 81%. Giai đoạn 3 của Đề án 30, các Bộ, ngành đã đơn giản hóa 4.219 thủ tục hành chính trên tổng số 4.712 thủ tục hành chính, tỷ lệ hoàn thành đạt 89,5%.

Nhiều thủ tục về đăng ký kết hôn, khai sinh, hộ khẩu, lãnh sự, đăng ký doanh nghiệp… đã được đơn giản hóa và được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao. Thủ tục hành chính về thuế, hải quan, xuất nhập khẩu được cải cách theo hướng đơn giản, thuận tiện như tự khai, tự nộp, tự in hóa đơn thuế và áp dụng tờ khai hải quan điện tử, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm..., tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hoạt động. Trật tự, kỷ cương mới trong quản lý thu phí và lệ phí đã được xác lập, công khai, minh bạch nguyên tắc thu, mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng đối với các loại phí, lệ phí; đã bãi bỏ được 340 loại phí, lệ phí không còn phù hợp. Theo ông Ngô Hải Phan, hiện hai Bộ Công an và Tư pháp đang triển khai Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020. Sự thành công của Đề án sẽ giúp đổi mới căn bản công tác quản lý nhà nước về dân cư, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức trong các giao dịch hành chính và giải quyết thủ tục hành chính.

Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đến nay, cả nước có 88,3% số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 98,4% đơn vị hành chính cấp huyện và 96,7% đơn vị hành chính cấp xã triển khai cơ chế này. Có 203/700 đơn vị hành chính cấp huyện của 42 tỉnh, thành phố triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại UBND cấp huyện; 9 tỉnh, thành phố triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại 100% đơn vị hành chính cấp huyện (các thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng; các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình). Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại đã góp phần làm cho hoạt động của cơ quan hành chính hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, minh bạch hóa, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính, thúc đẩy công tác phòng chống tham nhũng, tạo niềm tin cho nhân dân.

Cùng với những cải cách trên, bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả hơn so với 10 năm trước đây: bớt trùng lắp, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ; đầu mối các cơ quan Chính phủ được thu gọn hơn; cơ cấu bên trong có sự phân định rõ hơn giữa cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp. Hiệu lực và hiệu quả quản lý hành chính nhà nước của hệ thống hành chính được nâng cao, tính thống nhất, công khai, minh bạch của nền hành chính đã được cải thiện và bước đầu phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đã điều chỉnh một bước quan trọng về chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp để khắc phục những chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động của bộ máy nhà nước.

Theo ông Phạm Minh Hùng, với việc sắp xếp, bố trí cơ cấu tổ chức của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương các cấp, số đầu mối các cơ quan hành chính ở các cấp đã giảm rõ rệt. Từ 48 cơ quan vào năm 2001 nay còn 30, bao gồm 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ. Các sở và tương đương từ 19-27 nay còn 17-20. Các phòng ở cấp huyện từ 12-15 nay còn 12-13.

Đến nay, gần 100% Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sử dụng biên chế và kinh phí hành chính; các địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương triển khai thực hiện ở 100% số xã, góp phần nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị và tăng cường sự giám sát của cán bộ, công chức trong sử dụng biên chế, kinh phí để hoàn thành nhiệm vụ được giao; Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã góp phần thúc đẩy các cơ quan sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu suất làm việc, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao, tiết kiệm kinh phí, tạo điều kiện tăng cường cơ sở vật chất, từng bước hiện đại hóa công nghệ quản lý, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức.

Một nội dung nữa của cải cách hành chính được quan tâm thực hiện tốt trong thời gian qua, đó là hiện đại hóa nền hành chính. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sâu sát, kiên quyết trong rà soát, đơn giản hóa và công khai các thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa với chất lượng tốt, chấn chỉnh được kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của các cơ quan hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, khẳng định có sự chuyển biến bước đầu trong mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước là các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp với người dân, doanh nghiệp.

CHU THANH VÂN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết