29/06/2011 - 21:45

Cải cách hành chính để thu hút đầu tư

Nhân viên tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa liên thông về đăng ký kinh doanh, khắc dấu, mã số thuế (ở Sở KH-ĐT) nhiệt tình hướng dẫn doanh nghiệp, người dân khi đến làm hồ sơ.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức tọa đàm: “Cải cách quy trình thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng và cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh: Các thực tiễn tốt và khả năng áp dụng”. Tại buổi tọa đàm, nhiều mô hình cải cách quy trình thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng và cải thiện môi trường kinh doanh có hiệu quả cao được giới thiệu đến các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, các trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch... thuộc 13 tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL. Phóng viên Báo Cần Thơ lược ghi một vài ý kiến về mô hình và cách làm có hiệu quả trong quá trình thực hiện cải cách quy trình thủ tục nêu trên.

* ÔNG TRẦN XUÂN TRƯỜNG, GIÁM ĐỐC SỞ TÀI NGUYÊN - MÔI TRƯỜNG TỈNH TIỀN GIANG: CẢI CÁCH THỦ TỤC ĐẤT ĐAI TẠO NHIỀU THUẬN LỢI CHO DOANH NGHIỆP

Thực hiện Đề án 30 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trên các lĩnh vực, công tác cải cách TTHC về đất đai trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có những chuyển biến tích cực, nhiều thủ tục không cần thiết bị xóa bỏ, giảm số thủ tục trong lĩnh vực này từ 85 thủ tục còn 71 thủ tục. Các TTHC về đất đai đều được công bố, công khai một cách rõ ràng, minh bạch để người dân và doanh nghiệp tra cứu áp dụng.

Thời gian giải quyết từng loại thủ tục cũng được rút ngắn hơn từ 5 đến 10 ngày so với thời gian quy định. Quá trình giải quyết thủ tục hành chính được địa phương linh hoạt vận dụng nhiều quy trình kết hợp. Điển hình như trường hợp nhận chuyển nhượng cùng với chuyển mục đích sử dụng đất, bộ phận tiếp nhận hướng dẫn người sử dụng đất nộp cùng lúc 2 loại hồ sơ, thời gian trả kết quả chỉ áp dụng như thời gian giải quyết 1 hồ sơ. Còn thời gian giải quyết hồ sơ xin đăng ký thế chấp theo quy định là 3 ngày, nhưng thực tế ở địa phương chỉ trong 1 buổi, giúp cho người dân không phải chờ đợi lâu, đi lại nhiều lần.

Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 16/2011/TT-BTNMT ngày 20-5-2011 về sửa đổi bổ sung liên quan đến TTHC trong lĩnh vực đất đai, Tiền Giang đã xây dựng lại quy trình thủ tục và thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai trên địa bàn tỉnh. Theo dự thảo quy định, thời gian cấp giấy CNQSD đất cho cá nhân rút ngắn còn 26 ngày làm việc, thời gian giải quyết hồ sơ cấp giấy CNQSDĐ cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp chỉ có 5 ngày làm việc, giảm 10 ngày so với quy định. Với những cải cách này, tin rằng Tiền Giang sẽ thu hút được các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm tại địa phương...

* ÔNG NGUYỄN THANH HẢI, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH LONG AN: TẠO MÔI TRƯỜNG BÌNH ĐẲNG GIỮA DOANH NGHIỆP TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC

Trong những năm gần đây, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Long An có nhiều chuyển biến nhờ tỉnh áp dụng nhiều giải pháp cải cách TTHC như: tăng cường phân cấp; thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại thường xuyên nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư; hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế, kỹ thuật; hỗ trợ giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư... Hiện Long An đã xây dựng được 23 khu công nghiệp, 43 cụm công nghiệp và trên 50 khu dân cư đô thị, với diện tích 15.000ha. Có 5.000ha đất sạch đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện nay, cơ chế một cửa liên thông trong đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, mã số thuế và khắc dấu được tỉnh triển khai thực hiện từ năm 2006 và đã được hoàn thiện, thời gian gia nhập thị trường đối với doanh nghiệp thành lập mới giảm xuống còn 7 ngày so với qui định là 29 ngày.

Để môi trường đầu tư kinh doanh ở địa phương ngày được cải thiện, thu hút doanh nghiệp, theo tôi, trong tổ chức điều hành, thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, của địa phương, tránh đặt thêm các thủ tục hành chính ngoài các thủ tục mà Trung ương đã ban hành. Các địa phương cần ủng hộ mạnh mẽ việc tiếp nhận và tổ chức thực hiện các mô hình cải cách tiến bộ, có hiệu quả cao trong quá trình xử lý các TTHC ở địa phương nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh ngày càng tốt hơn...

* ÔNG ĐẬU ANH TUẤN, PHÓ TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ VCCI: ĐẢM BẢO TÍNH MINH BẠCH ĐỂ NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH

Tính minh bạch trong thu hút đầu tư, cải cách thủ tục, môi trường kinh doanh giữ vai trò quan trọng đối với việc tạo ra môi trường kinh doanh tốt. Hiện nay, minh bạch có 3 cấp độ: cấp độ 1 là sẵn có thông tin, tức là cung cấp thông tin theo yêu cầu của người dân và doanh nghiệp theo cách “ai cần thì đến lấy”. Cấp độ 2 là cung cấp thông tin một cách chủ động, tức là cơ quan nhà nước chủ động nghiên cứu nhu cầu của doanh nghiệp và người dân để xử lý, xây dựng cơ chế công bố thông tin hợp lý. Mức độ cao nhất của minh bạch thông tin là cấp độ 3, tức là tạo cơ hội, khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia quá trình hoạch định, phản biện và giám sát chính sách.

Trong môi trường kinh doanh cấp tỉnh thì việc tăng cường tính minh bạch có vai trò hết sức quan trọng trong việc cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tính minh bạch có vai trò cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực của doanh nghiệp, giảm chi phí không chính thức trong tiếp cận thông tin và giải quyết vấn đề, tăng bình đẳng về cơ hội kinh doanh cho các đối tượng. Thể chế minh bạch cũng sẽ giúp phát triển kinh tế, xã hội. Theo nghiên cứu của VCCI, khi chỉ số minh bạch trong PCI tăng thêm một điểm sẽ giúp tăng 13% số doanh nghiệp trên 1.000 dân, 17% đầu tư bình quân đầu người và 62 triệu đồng lợi nhuận trên mỗi doanh nghiệp.

* BÀ NGUYỄN NGỌC THUẬN, PHÓ TRƯỞNG PHÒNG ĐĂNG KÝ KINH DOANH (SỞ KẾ HOẠCH - ĐẦU TƯ TP CẦN THƠ): GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NHANH GỌN, TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO DOANH NGHIỆP GIA NHẬP THỊ TRƯỜNG

Mô hình một cửa liên thông (đăng ký kinh doanh (ĐKKD), mã số thuế, khắc dấu) do Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), Cục thuế, Công an TP Cần Thơ thực hiện, đặt tại trụ sở Sở KH-ĐT là mô hình phục vụ nhu cầu hành chính theo quy trình một cửa, một nơi, không để người dân mất thời gian đến nhiều bộ phận để thực hiện thủ tục mở doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp hưởng nhiều tiện ích như: được công khai hóa về thủ tục hồ sơ, quy trình giải quyết hồ sơ và lệ phí hồ sơ, được tư vấn thêm những qui định cần thiết sau ĐKKD, quan trọng nhất là giảm được thời gian đi lại, giảm chi phí và sự phiền hà cho doanh nghiệp. Kết quả 3 năm (2008-2010) thực hiện một cửa liên thông, Phòng ĐKKD (thuộc Sở KH-ĐT) đã cấp mới 3.872 giấy phép về ĐKKD, cấp thay đổi nội dung ĐKKD là 6.468 hồ sơ. Theo kết quả khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức và công dân tại cơ quan hành chính nhà nước năm 2010 (do Sở Nội vụ TP Cần Thơ thực hiện), mô hình một cửa liên thông được 97%/ tổ chức, công dân được khảo sát đã đánh giá tốt và hài lòng với mô hình này.

Tốc độ phát triển KT-XH ở TP Cần Thơ hiện nay khá nhanh, vì thế hồ sơ ĐKKD ngày càng nhiều, áp lực về thời gian và quy trình giải quyết hồ sơ cũng tăng lên, nhưng từng cán bộ của bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ và trả kết quả đều rất cố gắng, phấn đấu với mục tiêu giải quyết hồ sơ nhanh gọn và đúng luật. Đồng thời, sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố, sự thống nhất của các sở, ban, ngành trong việc đẩy mạnh cải cách TTHC, thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa liên thông đã góp phần tạo sự thông thoáng cho môi trường thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm gia nhập thị trường, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế xã hội tại địa phương.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết