26/08/2017 - 00:01

Các nền kinh tế APEC thống nhất cao mục tiêu an ninh lương thực 

Chiều 25-8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức họp báo công bố kết quả Tuần lễ An ninh lương thực (ANLT) và Đối thoại chính sách cao cấp về ANLT và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại TP Cần Thơ trong khuôn khổ Năm APEC 2017. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì cuộc họp.

TÌM TIẾNG NÓI CHUNG

Tuần lễ ANLT và Đối thoại chính sách cao cấp về ANLT và nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH tại TP Cần Thơ từ ngày 18 đến 25-8-2017 đã khép lại ngày 25-8 bằng cuộc đối thoại chính sách cao cấp do Bộ NN&PTNT Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Cần Thơ và Ban Thư ký APEC Quốc tế tổ chức.

ĐBSCL đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nâng cao năng suất lúa, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và an ninh lương thực trong khu vực. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, 2 Bộ trưởng, 7 Thứ trưởng và gần 700 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, các tổ chức quốc tế, cơ quan nghiên cứu, quan chức cao cấp, nhà hoạch định chính sách và khối doanh nghiệp đã tham dự các sự kiện tại Tuần lễ ANLT APEC 2017 tại TP Cần Thơ. Tổng Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, Phó Tổng giám đốc FAO kiêm trưởng đại diện FAO châu Á - Thái Bình Dương và Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC, kiêm Chủ tịch diễn đàn CEO của APEC cùng tham dự.

Trong Tuần lễ ANLT APEC 2017 có 17 sự kiện khác nhau, thuộc các cuộc đối thoại cao cấp (2 sự kiện); các cuộc họp thường niên của các nhóm Công tác APEC (5 sự kiện); các Hội thảo kỹ thuật chuyên đề (8 sự kiện); triển lãm về nông nghiệp APEC và tham quan thực địa (chi tiết đề nghị tham khảo trong tài liệu Tuần lễ ANLT APEC). Cũng trong Tuần lễ này, nhiều cuộc họp song phương của các nền kinh tế: Việt Nam, Úc, Mỹ, New Zealand, Peru, FAO, Ngân hàng Thế giới... đã được tổ chức và thu được kết quả tốt.

Ngày 25-8, phát biểu tại Diễn đàn đối thoại chính sách cao cấp về ANLT và nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đề cập tới sự khác biệt về trình độ sản xuất, nguồn lực và công nghệ giữa các nền kinh tế APEC. Điều này đang tạo ra các rào cản cho sự phát triển chung, đòi hỏi các nền kinh tế thành viên cần tăng cường hợp tác, tìm kiếm các giải pháp tối ưu hướng tới nền nông nghiệp xanh, thông minh và bền vững, thích ứng với BĐKH.

Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các nền kinh tế thành viên APEC quan tâm một số nội dung như: đẩy mạnh hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về các lĩnh vực đảm bảo ANLT, phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH. Tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thị trường nông sản ở cả phạm vi nội địa và giữa các nền kinh tế APEC. Tăng cường kết nối giữa APEC với ASEAN, với các chương trình thuộc tiểu vùng sông Mekong. Đẩy mạnh phát triển nông thôn-đô thị, tăng cường mạnh mẽ quan hệ đối tác công-tư, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, quan tâm đúng mức đến đồng bào vùng núi và ven biển, những nơi chịu ảnh hưởng nhiều của BĐKH...

Kết thúc Tuần lễ ANLT, đã có 3 tài liệu quan trọng được thông qua, gồm: Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình khung nhiều năm của APEC về ANLT và BĐKH (MYAP) 2018 – 2020; Kế hoạch hành động (AP) thực hiện Khung chiến lược APEC về phát triển nông thôn-đô thị bền vững để tăng cường ANLT và tăng trưởng chất lượng; Tuyên bố Cần Thơ về Tăng cường ANLT và nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH...

CƠ HỘI CHO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Có thể thấy rằng, kết quả của các hoạt động tại Tuần lễ ANLT APEC 2017 đã góp phần quan trọng cụ thể hóa một trong 4 ưu tiên của Năm APEC 2017 là “Tăng cường ANLT và phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH”- đây là sáng kiến của Việt Nam. Đồng thời thể hiện cam kết của các thành viên APEC đóng góp vào việc triển khai các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hiệp Quốc đến năm 2030. 

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam Lê Quốc Doanh, đảm bảo ANLT quốc gia là vấn đề sống còn của mỗi nước, là yếu tố quyết định qui mô và tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Vấn đề này đã nhận được sự thống nhất cao của các nền kinh tế APEC và được thể hiện qua Tuyên bố Cần Thơ. Tuyên bố Cần Thơ mở ra cơ hội nâng cao hơn nữa vai trò và tầm quan trọng của nông nghiệp cũng như hợp tác quốc tế về nông nghiệp cho tất cả các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Sứ mệnh của nông nghiệp trong tương lai vẫn là phải đảm bảo ANLT, phát triển bền vững và thích ứng với BĐKH.

Trả lời các câu hỏi của phóng viên tại họp báo, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, BĐKH diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL. Thời gian qua, Chính phủ tận dụng nguồn vốn đầu tư trong nước và quốc tế phục vụ xây dựng nhiều công trình thủy lợi chống sạt lở, kè, đê bao cho rừng ngập mặn; cống ngăn mặn để điều hòa nước tưới cho khu vực này.

Song song đó, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất được xem là giải pháp trước mắt và lâu dài. Sản xuất nông nghiệp ĐBSCL đã từng rất thành công trong việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” hay mô hình liên kết sản xuất lúa theo “Cánh đồng lớn” và cần được phát huy trong thời gian tới. Bộ NN&PTNT đã yêu cầu Viện Lúa ĐBSCL lai tạo các giống lúa có sức chống chịu cao, thích ứng với BĐKH. Ngoài ra, các địa phương trong vùng cũng cần tổ chức lại sản xuất, liên kết nông dân, nâng cao năng lực chế biến của doanh nghiệp… 

MỸ THANH - ANH KHOA

Chia sẻ bài viết