23/10/2018 - 07:45

Các đội bóng Việt ngại ra đấu trường châu lục? 

Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã qua 18 mùa bóng, nhưng số CLB được Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) công nhận chuyên nghiệp chỉ có 5, theo báo cáo tổng kết mùa giải 2018. Con số 5/24 đội đang khoác áo tham dự các giải chuyên nghiệp Việt Nam thật sự là điều đáng suy ngẫm, nhưng quan trọng hơn là hầu như chưa có CLB nào muốn vươn ra đấu trường khu vực.


Hà Nội (trái) và Bình Dương sẽ đại diện Việt Nam tham dự các giải châu Á. Ảnh: VOV

Kết thúc mùa giải 2018, Hà Nội vô địch quốc gia và Bình Dương đoạt Cúp quốc gia. Như vậy, hai đội này sẽ đại diện Việt Nam tham dự các giải của châu lục, với Hà Nội dự vòng loại AFC Champions League, còn Bình Dương đá AFC Cup. Hai đội bóng có tiềm lực tài chính và lực lượng ổn định này được kỳ vọng sẽ cải thiện hình ảnh bóng đá Việt Nam ở giải đấu châu lục cấp CLB, vốn bị xem quá tầm trong nhiều năm qua.

Mùa giải năm rồi, Thanh Hóa và Sông Lam Nghệ An đại diện đá AFC Cup nhưng đều thất bại ngay từ vòng bảng. Việc Thanh Hóa tham dự giải với tư cách là á quân Giải vô địch quốc gia cũng là bất thường của bóng đá chuyên nghiệp. Bởi đội vô địch Quảng Nam không đủ chuẩn để đá giải của AFC. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là thái độ và khát vọng của các đại diện Việt Nam khi tham dự sân chơi châu Á: Họ có chơi hết mình vì hình ảnh CLB, hay chỉ muốn đá cho xong rồi về chơi V.League?

Nếu thật sự là CLB bóng đá chuyên nghiệp, yếu tố đầu tiên CLB hướng đến là hình ảnh đẹp để có nhiều khán giả và nhiều tài trợ. Nói cách khác là CLB phải xây dựng được hình ảnh, qua đó nâng cao giá trị để có nguồn thu từ bản quyền truyền hình và các hoạt động quảng cáo. Thế nhưng, nhiều CLB hiện nay được gọi là chuyên nghiệp với nguồn tài chính chủ yếu từ 1 ông bầu hoặc nửa doanh nghiệp nửa nhà nước hay thực chất là từ nguồn ngân sách. Nguồn thu của CLB không từ các hoạt động bóng đá nên việc thi đấu các giải châu lục bị xem là gánh nặng của CLB. Thế mới có chuyện CLB đá cho xong sớm giải châu Á nhằm hạn chế chi phí, hoặc tranh thủ “làm kinh tế” như từng xảy ra ở đội Ninh Bình năm 2014 (9 cầu thủ bị cấm vĩnh viễn vì bán độ ở AFC Cup).

Bình Dương từng vào đến bán kết AFC Cup năm 2009 đến nay vẫn là thành tích tốt nhất của bóng đá Việt ở đấu trường này. Hy vọng với đội Hà Nội và Bình Dương được xây dựng chuyên nghiệp trong nhiều năm qua, bóng đá Việt sẽ có đại diện gây tiếng vang ở giải châu lục như các đội bóng trẻ quốc gia làm được trong năm nay.

NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết