26/07/2018 - 21:18

Các địa phương được toàn quyền khắc phục sạt lở trong tình huống cấp bách 

(CT)- Chiều 26-7-2018, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hoàng Văn Thắng chủ trì Hội nghị về giải pháp kỹ thuật xử lý cấp bách sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL. Đại diện các Sở NN&PTNT, Chi cục thủy lợi tất cả 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đến dự.

Địa phương được toàn quyền xử lý sạt lở trong tình huống cấp bách. Trong ảnh vụ sạt lở nghiêm trọng ở phường Thới An, quận Ô Môn. Ảnh: H.VĂN
Địa phương được toàn quyền xử lý sạt lở trong tình huống cấp bách. Trong ảnh vụ sạt lở nghiêm trọng ở phường Thới An, quận Ô Môn. Ảnh: H.VĂN

Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2010 đến nay, sạt lở ở ĐBSCL diễn ra rất nhanh và ngày càng phức tạp, tác động lớn đến kinh tế - xã hội của vùng. Hiện toàn vùng có 562 điểm sạt lở, trong đó có 513 điểm sạt lở bờ sông và 49 điểm sạt lở bờ biển. Đặc biệt, toàn vùng có 55 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, gồm 35 điểm sạt lở bờ sông và  20 điểm sạt lở bờ biển nghiêm trọng. Diện tích rừng ngập mặn cũng bị suy thoái, sạt lở với diễn biến hết sức phức tạp, cụ thể: diện tích rừng từ năm 2011 đến 2015 giảm 10%, tương ứng  28.387ha, ảnh hưởng hệ sinh thái ven biển… Tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông ở ĐBSCL diễn ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, một trong những nguyên nhân chủ yếu là việc phát triển thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông. Cụ thể, theo số liệu báo cáo của Ủy ban sông Mê Kông quốc tế có khoảng 70% lượng bùn cát, phù sa bị giữ lại ở các đập thủy điện trên thượng nguồn. Thậm chí, trong kịch bản xấu nhất sẽ có 97% lượng bùn cát bị giữ lại trong tương lai, tức chỉ có 3% về ĐBSCL, sạt lở càng nghiêm trọng hơn. Ngoài ra còn các nguyên nhân khác như tác động cực đoan của biến đổi khí hậu; gia tăng dân số, lượng tàu bè; phát triển hạ tầng ngày càng nhiều ở ven các sông, kênh rạch, ven biển cũng dẫn đến việc xói lở ở ĐBSCL… Tại hội nghị, các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, sản phẩm mới xây dựng công trình, phi công trình phòng chống sạt lở cũng được giới thệu đến các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.

Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: việc đầu tư xử lý các điểm sạt lở thời gian qua rất khó khăn, phải qua rất nhiều thủ tục xin đầu tư. Ngay thời điểm này, các vấn đề liên quan đến việc xử lý các điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, thì trong tình huống khẩn cấp, các địa phương được toàn quyền quyết định, thay vì phải qua nhiều vòng thủ tục phức tạp như thời gian qua. Sửa chữa khẩn cấp, tức để sự cố không tiếp tục phát triển, có thể bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân. Sau khi xử lý các điểm sạt lở thì bước tiếp theo lập dự án đầu tư hoàn chỉnh theo thủ tục hiện hành. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá cao những giải pháp kỹ thuật, công nghệ, sản phẩm phòng chống sạt lở được giới thiệu tại hội nghị; đồng thời yêu cầu các địa phương nghiên cứu thực hiện theo nhu cầu, phù hợp từng khu vực; thực hiện tốt công tác truyền thông để tuyên truyền, vận động người dân di dời đến nơi ở an toàn; tăng cường quản lý khai thác cát, bảo vệ vùng cửa sông, phát triển cây trồng chắn sóng nhằm sạt chế sạt lở…

H.VĂN

Chia sẻ bài viết