11/03/2018 - 10:53

7 năm sau thảm họa kép động đất, sóng thần ở Nhật Bản

Các cộng đồng ở Fukushima vẫn chưa thể về nhà 

Khoảng 50.000 người đi sơ tán từ sau thảm họa động đất, sóng thần và rò rỉ phóng xạ hạt nhân ở tỉnh Fukushima đến nay vẫn chưa thể về nhà, dù mong ước quay lại nhà cũ của họ luôn hiển hiện.

Ông Shiga là một trong số ít người tâm huyết với việc khôi phục thị trấn Okuma. 

Thị trấn Okuma, nằm bên bờ biển phía Đông Nhật Bản, từng là nơi sinh sống của một cộng đồng đông đúc với 10.500 người, nhưng giờ chỉ còn lại những ngôi nhà trống rỗng. Lý do, Okuma là một trong những địa điểm gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi nhất và - 7 năm sau thảm họa kép ngày 11-3-2011 – thị trấn này vẫn nằm trong lệnh di tản khi mà công việc khử xạ vẫn chưa kết thúc.

Tuy nhiên, Okuma không phải hoàn toàn bị bỏ hoang. Nó được trông coi bởi đội tình nguyện Jijii Butai, một nhóm người đã nghỉ hưu nhưng còn khỏe mạnh, thường lui tới thị trấn để trông chừng nhà cũ của họ. Ông Tsunemitsu Yokoyama (65 tuổi) là một trong sáu người đã thành lập đội Jijii Butai cách đây 5 năm, một phần là để giúp các gia chủ bớt lo lắng về tình trạng trộm cắp và cháy nổ tiềm ẩn. Ông cho biết các thành viên trong đội ít lo lắng về phơi nhiễm phóng xạ hơn thế hệ trẻ, bởi “chúng tôi không còn sống nhiều năm”. Hầu như mỗi ngày, họ đi từ nhà mới cách Okuma 1-2 tiếng đồng hồ và tiến hành việc tuần tra. Tuy ý định ban đầu là ngăn trộm cắp nhưng giờ đây, công việc của họ chủ yếu là giữ gìn thị trấn sạch sẽ và gọn gàng, xử lý thiệt hại do heo rừng gây ra, thu gom những thứ có thể làm nghẽn đường nước và dọn sạch những cây ngã.

Khó thu hút người dân trở về nhà

Tại một số khu vực trong thị trấn Okuma, người dân được phép về nhà định kỳ để kiểm tra, nhưng không được ở lại qua đêm. Dù vậy, việc lôi kéo họ quay về được cho sẽ là một quá trình lâu dài và khó khăn, một khi đã tạo dựng cuộc sống mới ở nơi khác. Ngay cả Shuyo Shiga, người đứng đầu dự án tái thiết thị trấn Okuma, cũng cho rằng gia đình ông sẽ không quay về đầy đủ cho dù hoàn cảnh nơi đây được xác định an toàn. Ông Shiga cho biết một trong ba đứa con của ông đã chấn thương tâm lý nặng khi nhìn thấy hàng xóm bị “nuốt chửng bởi sóng thần” trong lúc cố thoát khỏi dòng nước cuồn cuộn. Các con ông đều đang ở độ tuổi 20 nhưng ông tin rằng “với trải nghiệm khó khăn như vậy, không ai muốn trở lại Okuma”. Hiện vợ con ông Shiga đều nói không muốn quay về và nếu muốn, ông có thể sẽ về đó một mình.

Trong nỗ lực tái thiết Okuma và khuyến khích người dân trở về, chính quyền sở tại đang xây nhà cho 50 hộ gia đình – dựa trên kết quả khảo sát ý muốn quay lại của người dân. Ông Shiga cho biết thị trấn có kế hoạch xây thêm 100 ngôi nhà nữa, nhưng dường như chỉ có những cư dân lớn tuổi muốn quay lại.

Ở những nơi khác trong tỉnh Fukushima, thị trấn Namie là một ví dụ điển hình cho thấy thách thức của việc đưa dân di tản trở về. Các nhà chức trách đã dỡ bỏ lệnh di tản từ ngày 31-3-2017 (trừ một số quận) nhưng đến nay chỉ có 490 người trong tổng số 21.000 dân chịu về nơi ở cũ.

Chính quyền Fukushima cho biết vào lúc đỉnh điểm, tháng 5-2012, số người đi sơ tán trên toàn tỉnh lên tới 164.865. Tuy con số này hiện chỉ còn 50.000, nhưng mọi người vẫn chưa muốn quay trở lại. Bà Rieko Watanabe (65 tuổi), người đã di tản từ Namie đến Minamisoma, cho biết mọi người đều có lý do riêng để không quay về. “Chúng tôi đang cầu nguyện và làm việc chăm chỉ mỗi ngày để đến một ngày nào đó mọi người có thể trở lại Namie. “Đừng bao giờ từ bỏ” – bà nói thêm.

THANH TRÚC (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết