29/08/2009 - 10:03

Cả nước có 2.412 người nhiễm cúm A (H1N1)

FAO cảnh báo nguy cơ vi-rút cúm A(H1N1) kết hợp với cúm gia cầm
TP Cần Thơ: Phát hiện thêm 2 trường hợp nhiễm cúm A(H1N1)

Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường cho biết: Ngày 28-8, Việt Nam đã ghi nhận thêm 100 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1). Trong đó, khu vực phía Nam 54 ca, miền Bắc 3 ca, miền Trung 17 ca và Tây Nguyên 26 ca. Như vậy, tính đến 17 giờ ngày 28-8, cả nước đã ghi nhận 2.412 người dương tính với cúm A (H1N1), 2 ca tử vong. Số bệnh nhân đã khỏi ra viện là 1.289 người, 1.121 trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khỏe ổn định. Bộ Y tế cũng vừa tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra về công tác phòng chống đại dịch cúm A(H1N1) tại 13 trường học ở Hà Nội (7) và Thái Nguyên (6).

* Ngày 27-8, Tổ chức Lương-Nông LHQ (FAO) cảnh báo việc vi-rút cúm A(H1N1) mới đây được phát hiện ở gà tây tại Chile cho thấy khả năng vi-rút cúm A(H1N1) có thể kết hợp với vi-rút cúm gia cầm (H5N1) để trở thành một chủng mới nguy hiểm hơn.

FAO bày tỏ lo ngại các đàn gia cầm trên khắp thế giới có thể bị lây nhiễm cúm A(H1N1), mà cho tới nay mới chỉ phát hiện ở người và heo. Trong một tuyên bố, tổ chức này nhận định: “Chủng vi-rút cúm A(H1N1) là sự pha trộn giữa các gien vi-rút cúm thông thường ở người, heo và gia cầm và đã chứng tỏ rất dễ lây lan, song không nguy hiểm hơn các chủng vi-rút cúm mùa”. Tuy nhiên, FAO cho rằng về mặt lý thuyết, vi-rút cúm A(H1N1) sẽ trở nên nguy hiểm hơn nếu kết hợp với vi-rút cúm gia cầm H5N1, chủng vi-rút có khả năng gây tử vong cao song khó lây lan ở người.

* Sáng 28-8-2009, lãnh đạo Sở Y tế TP Cần Thơ đã có cuộc họp khẩn cấp với Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ và các bệnh viện, đơn vị có liên quan về công tác điều trị, phòng chống cúm A(H1N1). Thông tin tại buổi làm việc, ngành y tế vừa ghi nhận thêm 2 trường hợp mới dương tính với virus cúm A(H1N1). Như vậy, đến ngày 28-8-2009, địa phương đã ghi nhận 7 trường hợp nhiễm cúm A(H1N1).

Bệnh nhân mới phát hiện là T. Q. T, sinh năm 1958, ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Trước khi phát bệnh, ông T. điều trị bệnh tiểu đường tại Bệnh viện Bưu Điện TP Hồ Chí Minh 20 ngày, xuất viện và về Cần Thơ vào ngày 22-8 thì phát sốt. Ông T. được đưa đến Bệnh viện Đa Khoa Trung ương Cần Thơ để cách ly, điều trị. Trường hợp còn lại là chị Y. K, 21 tuổi, người Nhật, đến TP Hồ Chí Minh trên chuyến bay VN951 và đến TP Cần Thơ vào ngày 22-8-2009. K. phát sốt vào ngày 26-8-2009 nên được đưa đến cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Ngày 28-8-2009, K. đã được chuyển đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ để tiếp tục điều trị. Hiện tại, tình trạng sức khỏe cả 2 bệnh nhân đều ổn định.

Đi cùng nhóm với K. trên chuyến bay VN951 còn có 4 người khác. Trong đó, có 1 trường hợp đã phát hiện nhiễm cúm A(H1N1), đang được cách ly, điều trị tại TP Hồ Chí Minh. 3 người còn lại cùng đến TP Cần Thơ với K. Trước khi phát sốt, K đã cùng tham dự hội thảo với khoảng 40 người gồm có cán bộ giảng dạy, sinh viên tại Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ và sinh viên, cán bộ giảng dạy người nước ngoài; tiếp xúc với 20 hộ dân tại Nông trường Sông Hậu. Tất cả cán bộ giảng viên của trường đã từng tiếp xúc, tham dự hội thảo với K. đều đã được tạm nghỉ dạy, tự cách ly tại gia đình. Trung tâm Y tế Dự phòng TP Cần Thơ đã tiến hành phun hóa chất tẩy trùng tại Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ và khách sạn mà K. thuê nghỉ.

VIỆT HÀ (TTXVN) - B. TÂM

VIỆT HÀ (TTXVN) - B. TÂM

Chia sẻ bài viết