15/04/2008 - 11:04

Cả nước có 1.335 người ở 18 tỉnh, thành bị tiêu chảy cấp nguy hiểm

 * Đồng bằng sông Cửu Long: Cảnh báo nguy cơ xảy ra dịch tiêu chảy cấp
* TP Cần Thơ: Triển khai phòng, chống dịch tiêu chảy cấp

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn: Dự báo tình hình dịch tả có nguy cơ lan rộng, vi khuẩn tả xuất hiện hầu hết tại các khu vực có dịch, môi trường nước bề mặt, thực phẩm, đặc biệt có tới 16,9% số người lành mang vi khuẩn tả. Đây chính là nguồn mầm bệnh lây lan rất nhanh trong cộng đồng vi khuẩn tả theo “bước chân” người khỏe, cùng với nguồn nước bề mặt... Từ chỗ khu trú tại miền Bắc, khuẩn tả đã có mặt tại Quảng Bình (ngày 2-4) và thành phố Hồ Chí Minh (6-4). Đến nay, cả nước đã có 1.335 người bị tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó 136 ca dương tính với phẩy khuẩn tả tại 18 tỉnh, thành phố.

* Bác sĩ Đỗ Văn Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Trà Vinh, cho biết: Vụ ngộ độc thức ăn đường phố với nguồn thức ăn là bánh mì kẹp thịt ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh) là do hai loại vi khuẩn Shigell (Lụy triệt trùng) và Salmonella (Thương hàn) gây nên. Đến ngày 14-4-2008, toàn bộ bệnh nhân của vụ ngộ độc này đã được xuất viện. Được biết, vào khoảng 20 giờ ngày 8-4-2008, Bệnh viện Đa khoa huyện Cầu Kè đã tiếp nhận những bệnh nhân có hiện tượng buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, sốt cao... Liên tiếp các ngày sau đó, nơi đây đã tiếp nhận tổng số 45 ca, trong đó có 35 ca phải nhập viện. Các bệnh nhân này đều ăn một loại thức ăn là bánh mì kẹp thịt, mua cùng một điểm bán.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Tiền Giang cảnh báo nguy cơ xảy ra dịch tiêu chảy cấp tại tỉnh này. Qua kiểm tra của Trung tâm Y tế dự phòng, ý thức phòng chống dịch tiêu chảy cấp của người dân chưa cao, nhiều người vẫn còn chủ quan lơ là trước dịch bệnh này. Nhất là ở các chợ, vỉa hè, trước cổng trường học vẫn còn bày bán thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, ở các huyện vùng Gò Công do khô hạn, thiếu nước sạch nên đa số người dân phải sử dụng nước sinh hoạt từ kinh mương, chất lượng kém. Đây cũng là mầm mống gây ra dịch tiêu chảy cấp. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Tiền Giang đã chuyển 100 viên Cloramin B đến các xã vùng sâu để cấp phát cho người dân xử lý nước. Đồng thời, có kế hoạch kiểm tra các trạm cấp nước, các bếp ăn tập thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động việc thực hiện vệ sinh thực phẩm trong cộng đồng.

* UBND TP Cần Thơ vừa yêu cầu Sở Y tế TP Cần Thơ triển khai thực hiện Công điện số 551/CĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch tiêu chảy cấp.

Theo đó, Sở Y tế thành phố có nhiệm vụ phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng và các ngành chức năng có liên quan tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động, tự giác thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tuyên truyền để mọi người giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, sử dụng thực phẩm an toàn. Sở Y tế và các ngành liên quan chủ động tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, thức ăn đường phố, thực hiện việc khử trùng, khử khuẩn nước sinh hoạt; xử lý nghiêm khắc các cơ sở vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường. Đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cho người dân sản xuất rau an toàn, nghiêm cấm việc sử dụng phân tươi, nguồn nước ô nhiễm tưới, bón rau để tránh lây lan mầm bệnh ra môi trường.

TTXVN - NHÓM P.V

Chia sẻ bài viết