30/04/2018 - 17:06

Cầ​n Thơ​ tăng cường hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ 

Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh, sở hữu trí tuệ (SHTT) là một giải pháp hữu ích cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trước nguy cơ bị xâm phạm về nhãn hiệu, mẫu mã, kiểu dáng công nghiệp, độc quyền sáng chế sản phẩm… TP Cần Thơ đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng, khai thác và chuyển giao tài sản trí tuệ với nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực, cụ thể. Qua đó, góp phần giúp doanh nghiệp khẳng định thương hiệu, tự tin phát triển và hội nhập.

Bảo hộ nhãn hiệu cho sả​n phẩ​m đặc sản, đặc trưng       

Nhãn hiệu là yếu tố sống còn của doanh nghiệp trên thị trường. Giá trị của sản phẩm càng được nâng cao khi nhãn hiệu gắn liền với một địa danh cụ thể, khẳng định vị thế cũng như thương hiệu của sản phẩm. Do đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị sản xuất kinh doanh đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm đặc sản, đặc trưng gắn liền với địa danh của địa phương.

Anh Tiêu Thanh Vũ với máy trồng giá đã được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và giải pháp hữu ích.

Điển hình như lão nông Trần Minh Mẫn, chủ cơ sở sản xuất giống mít không hạt Ba Láng, phường Ba Láng, quận Cái Răng, nổi tiếng nhiều năm với giống mít đặc sản. Từ năm 2012, ông đã đăng ký nhãn hiệu “Mít Ba Láng không hạt” (hạt lép) và đã được cấp văn bằng bảo hộ, được Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí thực hiện thủ tục. Ông Mẫn cho biết: “Từ ngày được bảo hộ nhãn hiệu, việc kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm của tôi ngày càng lớn mạnh và thuận lợi. Trên thị trường có một số nơi cung cấp cây giống mít không hạt nhưng khách hàng vẫn tin tưởng lựa chọn cây giống của tôi vì đã có thương hiệu và chất lượng được đảm bảo”. Không chỉ bao tiêu sản phẩm cho các nông dân trồng mít không hạt Ba Láng và cung cấp mít cho các siêu thị lớn ở Hà Nội, ông Mẫn còn phát triển kinh doanh cây giống. Từ năm 2017 đến nay, ông đã cung cấp khoảng 60.000 cây giống cho thị trường, tập trung các tỉnh miền Đông và miền Bắc và hiện cung vẫn không đủ cầu.

Hàng loạt các sản phẩm đặc trưng của Cần Thơ được bảo hộ nhãn hiệu ngày càng phát triển và được nhiều người biết đến như: Bánh tét lá cẩm Cần Thơ, Dâu Hạ Châu Phong Điền, Xoài cát Tây Đô, Hợp tác xã rau an toàn Long Tuyền, Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà bộ… Đặc biệt, nhãn hiệu “Gạo Cần Thơ” đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận gần đây không chỉ đánh dấu bước ngoặt trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản của thành phố, mà còn là công cụ quảng bá du lịch về vùng đất được mệnh danh “gạo trắng, nước trong”. Nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Cần Thơ” được thực hiện từ nguồn kinh phí của Dự án “Hỗ trợ đăng ký bảo hộ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ” do Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ, trực thuộc Sở KH&CN TP Cần Thơ chủ trì. Nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Cần Thơ” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ sở hữu.     

Theo thống kê của Sở KH&CN thành phố, đến nay đã có 25 sản phẩm đặc sản, đặc trưng của Cần Thơ được cấp văn bằng bảo hộ; hiện có 6 sản phẩm đăng ký nhãn hiệu đã được chấp nhận đơn, đang trong quá trình thực hiện thủ tục thẩm định đơn. Có thể thấy, việc bảo hộ và khai thác các sản phẩm đặc trưng của địa phương mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và gìn giữ, phát triển các làng nghề, các sản phẩm truyền thống của thành phố.

Tích cực hỗ trợ

Bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm đặc sản, đặc trưng là một phần trong Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của TP Cần Thơ trong nhiều năm qua.

Giai đoạn 2012-2015, chương trình đã triển khai hiệu quả 2 dự án: “Hỗ trợ đăng ký bảo hộ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ” và “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật, khai thác thông tin và bảo vệ quyền SHTT”. Trong đó, dự án “Hỗ trợ đăng ký bảo hộ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ” đã hỗ trợ tư vấn, phí đăng ký bảo hộ cho 90 tài sản trí tuệ của 68 tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, với tổng kinh phí trên 291 triệu đồng. Anh Tiêu Thanh Vũ, Giám đốc Công ty TNHH MTV An Bi (phường An Bình, quận Ninh Kiều) chia sẻ: “Đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm rất quan trọng trong việc kinh doanh và phát triển lâu dài. Nếu có tranh chấp, kiện tụng thì quyền lợi của mình sẽ được bảo vệ. Do đó, sau khi đạt giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP Cần Thơ năm 2012-2013 với giải pháp Máy làm giá tự động quy mô công nghiệp, tôi đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích và được thành phố hỗ trợ hoàn toàn các chi phí. Hiện sản phẩm của tôi đã được tiêu thụ rộng rãi trên toàn quốc”. Ngoài ra, anh Vũ tiếp tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “AN BI” cho sản phẩm máy trồng giá và sản phẩm giá đỗ, đã được Cục SHTT cấp văn bàng bảo hộ nhãn hiệu để yên tâm trong sản xuất kinh doanh.

Ông Trần Minh Mẫn với “Mít Ba Láng không hạt” (hạt lép) đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm đặc sản, đặc trưng.

Từ những kết quả ban đầu, chương trình giai đoạn 2016-2020 được triển khai với mức hỗ trợ cao hơn, mở rộng nội dung và hình thức, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố đăng ký bảo hộ quyền SHTT. Chương trình có 2 nội dung chính. Một là “Hỗ trợ đăng ký bảo hộ các tài sản trí tuệ”. Mức kinh phí hỗ trợ từ 70% đến 100% chi phí đăng ký bảo hộ các đối tượng SHTT (từ 3 triệu đến 50 triệu đồng), bao gồm: 97 nhãn hiệu, 10 kiểu dáng công nghiệp, 10 sáng chế/giải pháp hữu ích, 8 nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận; 10 bản quyền tác giả và quyền liên quan, 5 giống cây trồng và 10 nhãn hiệu đăng ký bảo hộ tại nước ngoài. Hai là “Hỗ trợ thực hiện dự án KH&CN về SHTT” với 2 hình thức: Hỗ trợ 100% kinh phí đối với dự án SHTT thuộc lĩnh vực nông nghiệp (tối đa 500 triệu đồng/dự án) và hỗ trợ 70% kinh phí đối với dự án thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp (tối đa 350 triệu đồng/dự án).

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến về quyền SHTT được Sở KH&CN đẩy mạnh bằng nhiều hình thức; phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan tổ chức hội thảo, lớp tập huấn kiến thức về SHTT. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác… nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng trên sản phẩm, dịch vụ cũng như tự bảo vệ, chống lại các hành vi xâm phạm quyền SHTT trong quá trình quản lý, sử dụng và phát triển tài sản trí tuệ. Tính đến hết quý I/2018, tổng số văn bằng về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế và giải pháp hữu được bảo hộ của TP Cần Thơ từ trước đến nay là 3.280 văn bằng. Đó là kết quả của sự hỗ trợ tích cực của thành phố, Sở KH&CN cũng như nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng của quyền SHTT.

Theo bà Trần Thị Thanh Điệp, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở KH&CN TP Cần Thơ, mặc dù vẫn còn một số khó khăn nhất định nhưng hoạt động đăng ký, xác lập và bảo hộ quyền SHTT ngày một tăng. Các doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn và có ý thức bảo vệ tài sản trí tuệ, thể hiện qua số văn bằng bảo hộ ngày một tăng: năm 2015 là 157 văn bằng, năm 2016 là 176 văn bằng, năm 2017 là 253 văn bằng. Sở KH&CN sẽ tiếp tục tác động, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức về SHTT và hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đăng ký bảo hộ SHTT cho sản phẩm, dịch vụ. Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, các hội đoàn thể và các đơn vị có liên quan triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016-2020.

Bài, ảnh: Lệ Thu

Chia sẻ bài viết