12/11/2014 - 20:03

Cà Mau: Nhiều chính sách hỗ trợ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Nhờ được thụ hưởng nhiều chương trình hỗ trợ của Trung ương nên đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại Cà Mau ngày càng ổn định, diện mạo vùng đồng bào DTTS có nhiều chuyển biến…

Thực hiện Quyết định 74/2008 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cà Mau có thêm 1.430 hộ được hỗ trợ tiền mua đất ở và đất sản xuất; trên 2.100 hộ được giúp vốn chuyển đổi ngành nghề; hơn 830 lao động là con em đồng bào Khmer được học-truyền nghề miễn phí, tìm được công ăn việc làm ổn định. Cà Mau còn mua đất ở, đất sản xuất tập trung tại 47 điểm với trên 8,7 ha, chuẩn bị lồng ghép với các nguồn vốn khác để xây dựng các khu định canh, định cư xen ghép để các hộ Khmer khó khăn còn lại có nhà ở ổn định, yên tâm lao động sản xuất.

Đời sống vật chất nâng lên, đồng bào Khmer Cà Mau hồ hởi vui hội đua Ghe Ngo nhân dịp lễ Ok-Om-Bok.

Cũng nhờ nguồn vốn của Trung ương, từ năm 2011 đến 2013, Cà Mau xây dựng và bàn giao thêm 418 giếng nước sinh hoạt phân tán giúp trên 1.000 hộ đồng bào Khmer có nước hợp vệ sinh sử dụng trong sinh hoạt. Qua nguồn vốn từ Chương trình 135 của Trung ương và vốn ngân sách địa phương, trong 4 năm (2010 – 2014), Cà Mau đầu tư trên 55 tỉ đồng phát triển cơ sở hạ tầng cho 12 xã thuộc 4 huyện khó khăn. Chỉ riêng năm 2014, tỉnh Cà Mau được Trung ương phân bổ trên 26 tỉ đồng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, duy tu bảo dưỡng công trình cho 11 xã, 42 ấp thuộc 3 huyện khó khăn là Đầm Dơi, Trần Văn Thời, U Minh. Tỉnh này cũng thực hiện phân khai vốn theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng một số khu định canh định cư cho hộ đồng bào Khmer, tổng nguồn vốn trên 31 tỉ đồng. Chị Trần Thị Kiều Yến, Phó Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau, cho biết: "Các chính sách của Đảng, Nhà nước được thực hiện đồng bộ cùng với những công trình lồng ghép khác góp phần từng bước hoàn thiện hạ tầng nông thôn, giúp đồng bào Khmer an cư, lạc nghiệp".

Thời gian qua, các ngành chức năng ở Cà Mau thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật giúp đồng bào Khmer nắm bắt được cái mới, cái hay áp dụng vào sản xuất và canh tác hiệu quả. Nhờ vậy, nhiều hộ Khmer trồng lúa, nuôi tôm và thực hiện các mô hình đa canh hiệu quả, tăng nguồn thu trên cùng diện tích, trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Hộ khá, giàu tăng nhanh nên ngày càng có nhiều con em đồng bào Khmer được chăm lo học hành đến nơi, đến chốn. Ngoài các trường công lập đều khắp trên địa bàn, Cà Mau còn đầu tư một Trường phổ thông Dân tộc Nội trú, 2 trường bán trú và 26 điểm trường dạy tiếng Khmer, 1 trung tâm tiếng Hoa Dục Tài, giúp trên 1.500 con em đồng bào DTTS có nơi học hành đàng hoàng. Trong 5 năm qua, Cà Mau thực hiện chế độ cử tuyển và đưa đi đào tạo 142 con em đồng bào DTTS, tổng kinh phí thực hiện gần 6 tỉ đồng. Đến nay, đã có 71 em tốt nghiệp, trở thành những cử nhân, kỹ sư, bác sĩ... và được tiếp nhận và bố trí công việc phù hợp tại các cơ quan, đơn vị hành chính, đặc biệt ưu tiên nhân lực cho các xã có đông đồng bào DTTS.

Theo ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, chăm lo cho giáo dục là một trong những giải pháp dài hơi nhằm giúp đồng bào Khmer thoát nghèo bền vững trong tương lai.

Bài, ảnh: Hữu Tùng

Chia sẻ bài viết