19/12/2012 - 21:05

Buồn, thương cây mía Thới Bình...

Nhà nông xã Biển Bạch Đông thu hoạch mía vụ mùa 2012.

Không như cây lúa, trồng mía tốn công chăm sóc cả năm trời mới tới ngày thu hoạch. Nhưng hiếm năm nào nhà nông chuyên canh loại cây trồng này ở Thới Bình (tỉnh Cà Mau) có được mùa vui trọn vẹn. Chuyện được mùa, mất giá và ngược lại như vòng lẩn quẩn đeo bám người nông dân chuyên cần ở vùng quê này…

Trúng mía mà không vui

Trong số các huyện vùng ngọt hóa ở Cà Mau, Thới Bình là địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất. Tuy số lượng có giảm hơn trước nhưng mùa vụ 2012, Thới Bình vẫn duy trì diện tích canh tác mía trên 1.800ha, tập trung ở các xã Trí Lực, Trí Phải, Tân Bằng, Biển Bạch, Biển Bạch Đông. Đến giữa tháng 12 này, vùng mía nơi đây đã thu hoạch hơn một nửa diện tích.

Dọc tuyến lộ Xuyên Á về miệt Tân Bằng, Biển Bạch Đông những ngày chớm Đông, rẫy mía được nhà nông đốn hạ nằm rạp dưới nền đất vừa ráo nước, thuê người khuân vác hì hục xuống ghe tải của cánh thương lái. Họ - người vác thuê và người mua ai cũng hí hửng, chỉ riêng chủ rẫy mía là không mấy vui. Ông Lê Văn Được vừa thu hoạch xong hơn 3ha mía ở ấp 6 La Cua, Biển Bạch Đông, cho biết: "Vui gì nổi mà vui. Chăm bẳm cả năm trời, năng suất vượt trội hơn trước nhưng thu lời quá hẻo. 1 ha trừ các khoản chi phí chỉ còn dư hơn 10 triệu đồng. Biết vậy đầu vụ cho thuê đất thu lời nhiều hơn mà đỡ cực cái thân".

Vùng mía nguyên liệu xã Biển Bạch Đông hơn 440ha - xã có diện tích trồng mía lớn thứ hai của huyện Thới Bình chỉ sau xã Trí Lực. Trong đó, ấp 6 La Cua chiếm phần lớn diện tích mía nguyên liệu với trên 230ha. Nhờ được Công ty Cổ phần Mía đường Tây Nam (huyện Thới Bình) chuyển giao loại mía giống ROC 16 và chỉ dẫn nhà nông kỹ thuật trồng mía hàng đôi nên vụ mía này, bà con thu hoạch năng suất bình quân trên 95 tấn/ha, tăng hơn 10 tấn/ha so với vụ mùa năm trước. Năng suất tăng nhưng qua thăm dò thực tế, bà con than thu lời quá ít.

Ông Trịnh Hoàng Cung, Phó Trưởng ấp 6 La Cua, phân tích: Giá mía được thương lái thu mua tại rẫy 720 đồng/kg. Trong khi đó, chủ mía phải chi trả tiền thuê đốn 140.000 đồng/tấn; tiền vận chuyển bằng xuồng nhỏ hoặc thuê nhân công vận chuyển từ rẫy mía ra kinh xáng Lộ Xe khoảng 150.000 đồng/tấn. Cộng thêm chi phí 1 tấn hom giống/công với giá 1,2 triệu đồng; thuê vô chưn, làm cỏ, đánh lá khoảng 150.000 đồng/công. Tính sơ sơ, tổng thu 1 công mía năng suất 10 tấn có giá 7.200.000 đồng, trừ tổng chi phí khoảng 5.600.000 đồng, người trồng mía chỉ còn lãi 1.600.000 đồng cho thời gian canh tác gần 12 tháng. Đó là hộ trúng, mía có chữ đường cao, bằng ngược lại…- ông Cung bỏ lửng câu nói, buồn buồn nhìn về rẫy mía.

Cùng tâm trạng ấy, anh Liêu Minh Chánh, hộ trồng mía ở ấp 9, xã Trí Lực, ngao ngán: "Giá nhân công và phân bón tăng cao nhưng giá mía sụt khoảng 300đồng/kg so với vụ 2011 nên sau khi khấu trừ hết các khoản chi phí, người trồng mía không còn lãi được bao nhiêu. Nhiều hộ thiếu vốn sản xuất, phải bạc vay, bạc hỏi phát sinh lãi cao, sau khi thu hoạch xong vụ mía tiếp tục trắng tay…".

Thăng trầm đất mía

Theo ông Lê Bình Nguyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thới Bình, vùng mía địa phương cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho Công ty Cổ phần Mía đường Tây Nam, công suất thiết kế 1.000 tấn mía/ngày. Song, nhà máy này hiện còn tồn kho gần 1.000 tấn đường. Trong khi đó, giá đường nhà máy bán ra trước đây là 16.500 đồng/kg, nay giảm còn 14.800 đồng/kg. Đây là nguyên nhân kéo theo giá mía nguyên liệu giảm khoảng 300đồng/kg so với vụ trước.

Nhà máy đưa ra giá thu mua mía nguyên liệu tại xí nghiệp là 800 đồng/kg cho loại mía đạt 10 chữ đường, nhưng thương lái thu mua tại rẫy chỉ ở mức từ 720-750 đồng/kg. Nguyên nhân giá mua thấp một phần do một số cây cầu mới xây dựng trên tuyến đường hành lang ven biển phía Nam (Xuyên Á) có độ thông thuyền thấp, ghe mua mía không vào được, phải tốn thêm khoản thuê nhân công vác mía – ông Nguyên, cho biết.

Vùng mía nguyên liệu Thới Bình được quy hoạch ổn định 3.000ha. Song, con số ấy thay đổi theo từng năm do giá cả đầu ra bấp bênh. Như tại Biển Bạch Đông, 26 năm về trước, nhà nông trong vùng hè nhau tham gia vào hợp tác xã (HTX) cây công nghiệp, cùng nhau chung sức đào mương phèn, kê liếp trồng mía, trồng khóm. Do thị trường bất ổn, HTX giải thể, nông dân chuyển sang trồng trúc. Đến khoảng năm 1997, mía có giá cộng với quy hoạch Nhà máy đường Thới Bình, dân vùng này trở lại trồng mía. Nhờ được mùa, được giá, không ít nhà nông Biển Bạch Đông thoát khỏi cảnh nghèo khó. Những năm 2000-2003, khi một số vùng thực hiện cơ cấu chuyển dịch lúa – tôm, một số vùng trong quy hoạch trồng mía nhưng do sức hút từ con tôm, bà con nhiều nơi ồ ạt phá mía. Chỉ riêng hơn 110ha mía ở vùng Biển Bạch Đông vẫn duy trì ổn định, đến nay phát triển hơn 440ha. Trung thành với cây mía là vậy, được nhà máy mía đường đầu tư giống ROC 16, ROC 20, chỉ dẫn kỹ thuật, hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nhưng sản xuất mía luôn bấp bênh.

Nông dân trồng mía Võ Thanh Triền, ấp Lê Hoàng Thá, xã Tân Bằng, kiến nghị: phải có chính sách rõ ràng trong việc xuất hay nhập đường chứ để tình trạng đường nội địa tồn kho nhưng phải nhập khẩu đường thì cả doanh nghiệp và nông dân đều thiệt.

Ngoài phụ thuộc cơ chế cung-cầu, gần đây người trồng mía Thới Bình thêm phần bất lợi khi gần đây, hệ thống cầu, cống độ tĩnh thông thuyền chưa đầy 2m bao quanh vùng mía của 3 ấp: Hữu Thời, Quyền Thiện và Lê Giáo, xã Biển Bạch Đông, nghẽn đường vận chuyển mía thương phẩm. Lão nông Trần Văn Thừa, 53 tuổi, ấp Lê Giáo, than vãn: "Hơn 25 năm vui buồn cùng cây mía, nhiều lúc giá thấp quá để mía khô làm củi chụm chứ tôi chưa bỏ mía. Song, nếu tình trạng cầu thấp lè tè không được cải thiện, người trồng mía sẽ bị dồn vào thế bí". Ghe không vô được tận nhà, họ đậu mé ngoài mua giá 720đồng/kg nhưng buộc chúng tôi phải chịu tiền thuê vận chuyển mía ra ghe. Trừ lại, mỗi kg mía chỉ còn khoảng 550 đồng. Với giá đó so với mức đầu tư chỉ cầm huề vốn hoặc lỗ - ông Thừa, giải thích.

Cùng tâm trạng ấy, ông Trần Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Biển Bạch Đông, cho hay: Nếu tình hình này chậm giải quyết, diện tích mía duy trì lâu nay khó lòng giữ được. Xã báo cáo nhanh tình hình này với huyện và dự kiến sẽ xin chủ trương phá cống Kinh Hai hoặc Kinh Tám (phía sông Trẹm) để ghe mía có thể lưu thông đường này. Còn việc kiến nghị điều chỉnh quy hoạch hoặc kéo dài thời gian gác dầm số cầu còn lại trên tuyến đường hành lang ven biển phía Nam vượt quá thẩm quyền của địa phương.

Trước những khó khăn trên, nhiều nơi nhà nông dự tính xong vụ mía này sẽ chuyển sang trồng lúa hoặc cây trồng khác. Còn trước mắt, không ít hộ thu hoạch bớt một phần diện tích để trả nợ vay ngân hàng, số còn lại cầm cự chờ giá lên. Về lâu về dài, để diện tích vùng mía ổn định, Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi hơn cho người trồng mía, đảm bảo nhà nông có lời như người trồng lúa, không phải thấp thỏm chuyện được mùa mất giá và ngược lại. Còn chuyện vận chuyển, khi lộ làng hoàn thiện sẽ vận chuyển bằng đường xe, tiết kiệm hơn – Ông Lê Bình Nguyên, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thới Bình, cho biết.

Bài, ảnh: Hữu Tùng

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, hưởng ứng chương trình 1 triệu tấn đường, Cà Mau đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt 4.000 ha mía nguyên liệu vào năm 2015. Riêng năm 2012, vùng mía nguyên liệu Cà Mau đã xuống giống trên 3.600ha, hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu của năm 2015, nếu giá mía được giữ ổn định, có lãi cho nông dân.

Chia sẻ bài viết