25/03/2017 - 08:45

Buổi tiệc kém vui

Hôm nay 25-3, giới lãnh đạo cấp cao Liên minh châu Âu (EU) và 27 quốc gia thành viên sẽ có buổi tiệc thượng đỉnh mừng kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Rome, văn kiện mở đường cho sự ra đời Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC), tiền thân của EU ngày nay. Tuy nhiên, buổi tiệc này báo hiệu thiếu niềm vui và tiếng nói chung.

Theo tờ The Guardian của Anh, ngày hội trọng đại của EU lần này không có sự hiện diện của Thủ tướng Anh Theresa May. Nguyên do không phải bà May bận rộn xử lý vụ tấn công có hơi hướng khủng bố xảy ra ngay tại trung tâm đầu não ở Luân Đôn, mà bởi nước Anh không còn nghĩa vụ bàn thảo về tương lai của EU khi thời điểm đàm phán Brexit đang cận kề.

Sự kiện Brexit đã là một bước lùi của EU, nhưng dù sao thì suốt 45 năm qua, nước Anh thường cản trở và đứng ngoài các dự án lớn của khối, như đồng tiền chuRomeng euro, khu vực miễn thị thực Schengen. Tuy nhiên, dù giờ đây không có Anh, EU vẫn tiếp tục gặp sự chống đối quyết liệt của Ba Lan, thậm chí của Hungary, Hy Lạp, CH Czech và cả Slovakia.

Chính quyền Ba Lan đe dọa sẽ không ký Tuyên bố Rome xác định tương lai chung của EU nhân ngày kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Rome nếu các yêu cầu ưu tiên của nước này không được đáp ứng. Theo tờ Politico, Hy Lạp cũng đánh tiếng tương tự với những yêu sách khác. Trọng tâm của Tuyên bố Rome do Đức và Pháp khởi xướng là xây dựng EU có hai hoặc nhiều tốc độ, theo đó sẽ có nhóm nước dẫn đầu hội nhập sâu rộng và nhóm khác đi sau từ từ sẽ thích ứng với nhóm trên.

Ba Lan cho rằng đó là "tiến trình cách ly" mà các nước lớn muốn áp đặt đối với phần còn lại của khối, thay vì cùng thúc đẩy hội nhập và chia sẻ thịnh vượng. Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski tuyên bố mô hình châu Âu "hai tốc độ" sẽ dẫn tới thảm họa, chia rẽ và tan rã. Jaroslaw Kaczynski, chủ tịch đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền ở Ba Lan nhấn mạnh giải pháp này sẽ đẩy Ba Lan ra khỏi EU hoặc hạ thấp Ba Lan như là thành viên hạng dưới.

Theo AFP, một EU 60 năm tuổi đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết bởi nhiều cuộc khủng hoảng như nhập cư, trào lưu dân túy và kinh tế, cùng các nỗi lo về tác động hậu Brexit và vị thế của EU trên trường quốc tế. Liên minh kinh tế và chính trị này là sản phẩm do các nỗ lực của Đức và Pháp tạo ra sau Thế chiến thứ hai nhằm mang lại hòa bình cho lục địa già vừa trải qua hàng thế kỷ chiến tranh. Theo nhà kinh tế, ngoại giao người Pháp Jean Moonet - cha đẻ của EU, đây là thành quả mà châu Âu được trui rèn qua các cuộc khủng hoảng tạo nên.

Tuy nhiên, AFP cho rằng câu hỏi đang đặt ra cấp thiết cho EU ngày nay không phải là làm thế nào để khôi phục vị thế mong muốn của mình mà là làm sao để có thể tồn tại trước hàng loạt thách thức nghiêm trọng và phức tạp đối với khối này. 

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
EECEURome