16/11/2017 - 21:10

Bước tiến trong quản lý lễ hội 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tổ chức lấy ý kiến nhân dân về góp ý dự thảo Nghị định “Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội”, sẽ được Chính phủ ban hành trong thời gian tới. Đây là lần đầu tiên, pháp luật Việt Nam quy định rõ và toàn diện những vấn đề cơ bản về lễ hội như: Chính sách Nhà nước, nguyên tắc tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước… Quan trọng nhất, Nghị định đã có nhiều nội dung về quản lý, tác động điều chỉnh và xử lý những biểu hiện tiêu cực, khiến dư luận bức xúc của một số lễ hội xảy ra trong thời gian qua.

Hằng năm, Cần Thơ tổ chức nhiều lễ hội, ngày hội, để lại nhiều ấn tượng đẹp, không có những biểu hiện phản cảm. Trong ảnh: Du khách trải nghiệm tráng bánh đa tại Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ 2017.

 

Dự thảo Nghị định này là động thái tích cực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trước nhất là lời hứa của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trong phần trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV vào tháng 6-2017. Cả nước hiện có khoảng 8000 lễ hội, hầu hết đều diễn ra an toàn, trật tự và văn hóa. Nhưng, một số lễ hội có những biểu hiện phản cảm vẫn còn xảy ra. Có thể kể đến chuyện chưa đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; hiện tượng chen lấn, xô đẩy, đeo bám khách, cờ bạc trá hình; nâng giá dịch vụ, đặt tiền công đức... Gần đây, lại xuất hiện xu hướng tự nâng cấp, đặt tên lễ hội thành lễ hội quốc gia, lễ hội quốc tế, các yếu tố thương mại hóa làm giảm đi tính tôn nghiêm và nét đẹp văn hóa trong lễ hội.

Dự thảo Nghị định có hẳn một phần nói về các nguyên tắc tổ chức lễ hội. Theo đó, nghi lễ trong tổ chức lễ hội phải được tiến hành trang trọng, trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp, lòng yêu nước, tự hào dân tộc. “Loại bỏ hoặc thay thế những tập tục kích động bạo lực, mô tả cảnh đâm chém, đánh đập tàn bạo, rùng rợn, kinh dị, trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam”- Điều 4 của dự thảo Nghị định nhấn mạnh. Về phần hội, phải đảm bảo vui tươi, lành mạnh, phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội; không tuyên truyền mê tín dị đoan, làm mê hoặc người khác, trái với tự nhiên, gây tác động xấu về nhận thức... Kinh phí tổ chức lễ hội được nhấn mạnh: “Theo hình thức xã hội hóa”.

Cũng theo dự thảo này, người tham gia lễ hội cũng sẽ phải tuân thủ nội quy, quy định của ban quản lý, ban tổ chức lễ hội; đặt tiền công đức, tiền lễ, tiền giọt dầu đúng nơi quy định; không ném, thả tiền xuống giếng, ao, hồ; cài tiền lên tay tượng và các hành vi phản cảm khác. Đặc biệt, người tham gia lễ hội phải ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội… Bên cạnh đó, còn nhiều quy định đối với ban tổ chức lễ hội, người có liên quan như buôn bán, kinh doanh dịch vụ.

Có thể nói, việc xây dựng dự thảo Nghị định này có ý nghĩa quan trọng trong giữ gìn và bảo lưu những giá trị truyền thống của lễ hội bên cạnh chấn chỉnh, đào thải những biểu hiện chưa đẹp, phản cảm. Tuy nhiên, nhiều người còn băn khoăn tính ứng dụng của một số điều khoản trong Nghị định. Ví như thế nào được xem là “hành vi phản cảm”, “ứng xử có văn hóa” hay “trang phục lịch sự” bởi đây là những thuật ngữ nhiều cảm tính. Hay chuyện không nói tục, chửi thề, xúc phạm thần linh… thì ngoại trừ những người la lối, quấy rối tại lễ hội sẽ bị phát hiện còn những người “quen miệng” thì ai sẽ kiểm soát hoặc khi bị phát hiện thì xử lý như thế nào, bằng chứng đâu…

Tuy nhiên, có thể xem đây là bước tiến quan trọng trong quản lý và tổ chức lễ hội ở nước ta. Dự thảo Nghị định sẽ còn được góp ý đến ngày 25-12-2017. Quý độc giả quan tâm tìm đọc và góp ý dự thảo này tại Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: www.bvhttdl.gov.vn. 

Bài, ảnh: DUY LỮ

Chia sẻ bài viết